Hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật theo hướng đồng bộ, hiệu quả

(PLVN) -Đây là kiến nghị được đại diện một số bộ, ngành, địa phương đề xuất tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012 - 2022 do Bộ Chính trị tổ chức sáng nay, 30/6.
Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc phát biểu tham luận tại hội nghị.

Nhiều đối tượng vẫn chưa biết sợ

Tham luận tại hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi nhấn mạnh: chúng tôi thể hiện quan điểm dứt khoát rằng, mỗi cán bộ, đảng viên phải định vị lại bản thân một cách đầy đủ nhất về con đường mình đã chọn, từ đó tự quản bản thân theo tinh thần học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Để công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực (PCTN, TC) đạt kết quả cao, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho rằng, lãnh đạo, người đứng đầu cấp ủy và các cơ quan nội chính phải giám sát, đôn đốc xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng của cán bộ cơ quan, đơn vị mình; chú trọng PCTN, TC trong các cơ quan chức năng; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các ngành, lĩnh vực, địa phương dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực. Đồng thời, tiếp tục kiểm tra, giám sát các cơ quan nội chính trong công tác PCTN kinh tế, chức vụ, đồng thời xem xét xử lý trách nhiệm nếu có vi phạm...

Cùng với đó, cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo công tác định giá tài sản trong tố tụng hình sự để khắc phục triệt để các tồn tại, hạn chế, tạo sự chuyển biến tích cực, rõ nét với công tác giám định, định giá tài sản, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phát hiện và xử lý các vụ việc. Phát huy vai trò, hoạt động của Ban Chỉ đạo PCTN, TC thành phố nhằm tập trung lãnh đạo, chỉ đạo hiệu quả công tác này thời gian tới để kịp thời phát hiện, xử lý những kẽ hở, bất cập hiện nay.

Theo Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, thực tiễn 10 năm qua, công tác đấu tranh PCTN mặc dù rất đồng bộ, quyết liệt, phát hiện, xử lý nghiêm nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, xử lý nhiều cán bộ cấp cao, nhưng tham nhũng, tiêu cực vẫn tiềm ẩn rất lớn, nhiều đối tượng chưa biết sợ.

Dẫn chứng về tình trạng này, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, từ tháng 4/2020, khi mới bắt đầu đại dịch COVID-19, các cơ quan tố tụng đã xử lý những sai phạm tại CDC Hà Nội về việc lợi dụng dịch bệnh để trục lợi. Lúc đó Thường trực Ban Chỉ đạo cũng đã cân nhắc rất kỹ giữa phòng, chống dịch và xử lý để cảnh tỉnh. Tuy nhiên, vừa qua các cơ quan chức năng vẫn phải xử lý những sai phạm liên quan tới Công ty Việt Á. Việc này cho thấy “một số nhóm đối tượng chưa biết sợ”. Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc cho rằng, trong các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, nếu không được giám sát, kiểm soát chặt chẽ ngay từ đầu đều có nguy cơ bị lợi dụng để tham nhũng, tiêu cực.

Bởi vậy, theo Thứ trưởng Bộ Công an, cần làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát trong nội bộ các cơ quan, đơn vị để chủ động phát hiện, xử lý các vi phạm, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành vi phạm lớn. Trong đó, quy định cụ thể về việc tất cả các cơ quan, đơn vị phải được kiểm tra, giám sát; tránh trường hợp có nơi thì kiểm tra nhiều lần nhưng có nơi không kiểm tra và ấn định thời hạn phải khắc phục khuyết điểm sau khi kiểm tra, giám sát; đồng thời có cơ chế tái kiểm tra việc khắc phục khuyết điểm...

Đảng ủy Công an Trung ương cũng kiến nghị, trong PCTN, khi đã nhận diện ra những văn bản pháp luật đang có sơ hở, dễ bị lợi dụng, cần tổ chức sơ kết, rà soát để chỉ ra nhóm pháp luật nào có yếu kém, thông báo công khai thời gian sửa đổi cho mọi người biết, cảnh giác khi áp dụng. Bên cạnh đó, đẩy mạnh thực hiện công cuộc chuyển đổi số quốc gia, xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số; tập trung xử lý nghiêm hành vi tham nhũng, tiêu cực; làm tốt công tác hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật theo hướng đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả.

Kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ suy thoái

Đề xuất một số giải pháp trong công tác PCTN, TC thời gian tới, ông Trần Văn Rón, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương (UBKTTƯ) cho biết, ngay sau Đại hội XIII, UBKTTƯ đã chủ động tham mưu, giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư, trình Ban Chấp hành Trung ương ban hành các quy định, quy trình nhằm đảm bảo hệ thống các quy định về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng ngày càng hoàn thiện và đồng bộ với quy định của pháp luật.

Từ đó cập nhật kịp thời các thay đổi, đúc rút từ thực tiễn; chủ động phối hợp với các cơ quan tham mưu của cấp ủy để giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cấp ủy các cấp xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát nhiệm kỳ hàng năm với phương châm: giám sát phải mở rộng, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm. Nội dung kiểm tra, giám sát luôn chú trọng về phòng ngừa, nhắc nhở, tránh để xảy ra vi phạm.

Ông Trần Văn Rón phát biểu.

Ngoài ra, trong quá trình kiểm tra, UBKTTƯ đã thể hiện rõ bản lĩnh, tinh thần kiên quyết mở rộng phạm vi, đối tượng kiểm tra từ cấp cơ sở; xử lý dứt điểm nhiều vụ việc phức tạp kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ, liên quan đến nhiều cấp, ngành, nhiều địa phương và xử lý nghiêm, kịp thời, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Đồng thời, chỉ ra những điểm bất cập trong cơ chế, chính sách; kịp thời báo cáo, kiến nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cấp ủy các cấp để chỉ đạo điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi. Đây cũng là một nét mới của công tác kiểm tra, giám sát.

Ông Trần Văn Rón nhận định, tình hình vi phạm của tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên ngày càng diễn biến phức tạp, tinh vi; nghiêm trọng hơn về mức độ, nguy cơ gia tăng về số lượng; các hiện tượng tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm, lạm quyền, lộng quyền, vi phạm nguyên tắc tổ chức của Đảng đang còn nghiêm trọng ở nhiều cấp, nhiều ngành…Bởi vậy, cần phải tổ chức thực hiện có hiệu quả Kết luận số 21 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện “tự diễn biến,” “tự chuyển hóa” phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, đơn vị.

Song song với đó, cần khắc phục sơ hở, bất cập về cơ chế, chính sách, pháp luật trên nhiều lĩnh vực, trong đó có một số lĩnh vực đang nóng hiện nay, như việc định giá, đấu giá tài sản, chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp… Các cơ quan chức năng cần khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hoặc kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định của pháp luật, nhất là pháp luật về đấu giá, đấu thầu, quản lý, sử dụng đất đai, tài chính, chứng khoán…

Một giải pháp cũng rất quan trọng là phải thực hiện nghiêm các quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu. Tăng cường quản lý, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, kiểm điểm làm rõ trách nhiệm quản lý nhà nước của tập thể, cá nhân, nhất là người đứng đầu để xảy ra các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực trong ngành, lĩnh vực, cơ quan, đơn vị thuộc trách nhiệm phụ trách và quản lý. Việc phối hợp giữa UBKT với các cơ quan, đơn vị có liên quan như thanh tra, kiểm toán, điều tra tố tụng, các cơ quan có chức năng để giám định cũng cần chặt chẽ, nhuần nhuyễn...

Phát biểu tham luận tại hội nghị, ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khẳng định: tiếp cận từ góc nhìn của nhân dân thấy rằng kết quả to lớn của công tác PCTN, TC đạt được trong 10 năm qua, không chỉ dừng lại ở những con số hàng trăm vụ án, vụ việc được kiểm tra, thanh tra, điều tra, xử lý; hàng ngàn bị cáo bị truy tố, xét xử nghiêm minh; hàng ngàn cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ cao cấp bị xử lý kỷ luật nghiêm khắc; hàng chục ngàn tỷ đồng, hàng triệu m2 đất được thu hồi về cho Nhà nước, mà kết quả có tính căn cốt, nền tảng, giá trị hơn tiền bạc là niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, giám sát của Quốc hội, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp các ngành được nâng lên rõ rệt.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến phát biểu tham luận.

“Theo số liệu điều tra dư luận xã hội mới đây do Ban Tuyên giáo Trung ương thực hiện, có 93% số người được hỏi bày tỏ tin tưởng vào công cuộc đấu tranh PCTN, TC của Đảng và Nhà nước do đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng Ban Chỉ đạo. Không chỉ dư luận ở trong nước đánh giá cao mà nhiều tổ chức có uy tín trên thế giới cũng bày tỏ sự ngưỡng mộ.

Nhiều ý kiến nhận xét, Trung ương thi hành kỷ luật với hình thức cao nhất là khai trừ ra khỏi Đảng hai Ủy viên Trung ương trong cùng một vụ án không chỉ khiến dư luận trong nước “bàng hoàng” mà dư luận nước ngoài cũng “dậy sóng” vì quyết tâm của Đảng, Nhà nước ta trong công cuộc đấu tranh PCTN, TC; đó là không bao che, dung túng cho bất cứ ai, ở bất cứ vị trí nào”- ông Đỗ Văn Chiến thông tin.

Đọc thêm