Hoàn thiện thể chế để ngành dầu khí phát triển

(PLVN) - Phát biểu tại Hội nghị đối thoại giữa Thủ tướng và các doanh nghiệp mới đây, ông Hoàng Quốc Vượng, Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) kiến nghị hoàn thiện thể chế phát triển ngành dầu khí, xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp cho PVN phát triển; ban hành Luật Dầu khí mới phù hợp với tình hình mới.
Cụm Khí - Điện - Đạm Cà Mau là một trong những chuỗi giá trị đã được PVN xây dựng, phát triển thành công.
Cụm Khí - Điện - Đạm Cà Mau là một trong những chuỗi giá trị đã được PVN xây dựng, phát triển thành công.

Đảm bảo an ninh năng lượng và bảo vệ chủ quyền biển đảo

Ông Vượng cho biết, từ một xí nghiệp nhỏ bé, trải qua 46 năm hình thành và phát triển với nhiều khó khăn, thách thức, PVN đã trở thành một tập đoàn kinh tế nòng cốt trong việc đảm bảo an ninh năng lượng, có vị trí, vai trò quan trọng trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo, an ninh quốc gia.

Tập đoàn đã triển khai thực hiện hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác, phát triển dầu khí trên toàn bộ vùng biển và thềm lục địa Việt Nam. Tính đến hết năm 2020, tổng sản lượng khai thác của PVN đạt khoảng 640 triệu tấn quy dầu, trong đó bao gồm trên 424 triệu tấn dầu và condensate, gần 217 tỷ m3 khí.

PVN đã cơ bản xây dựng và hoàn thiện được chuỗi giá trị, trong đó phải kể đến một số cụm dự án, dự án tiêu biểu như cụm Khí - Điện - Đạm Cà Mau; cụm Khí - Điện - Đạm Đông Nam Bộ và Dự án Nhà máy Lọc dầu Dung Quất… đều đang hoạt động hiệu quả, đóng góp to lớn cho sự phát triển của nền kinh tế quốc dân.

Tính riêng trong giai đoạn 2006 - 2015, hằng năm, PVN đóng góp trung bình 20-25% tổng thu ngân sách nhà nước, 18-20% GDP. Bên cạnh đó, hoạt động dầu khí trên biển còn góp phần khẳng định và bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước.

Giai đoạn 2016-2020, trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới và trong nước có nhiều khó khăn, thách thức, biến động mạnh của giá dầu, các khó khăn nội tại và tác động kép của dịch bệnh Covid-19 nhưng các nhiệm vụ kế hoạch 5 năm 2016-2020 của PVN về cơ bản vẫn hoàn thành, đạt được những kết quả quan trọng. Trong giai đoạn này, nộp ngân sách nhà nước hằng năm của PVN chiếm tỉ trọng 9-11% tổng thu ngân sách nhà nước và chiếm 16,5-17% tổng thu ngân sách trung ương.

Năm 2020, mặc dù bị tác động nặng nề của dịch bệnh, giá dầu sụt giảm nhưng PVN vẫn hoàn thành kế hoạch, khai thác trên 20 triệu tấn dầu quy đổi, nộp ngân sách nhà nước trên 83.000 tỷ đông.

Hoàn thiện thể chế phát triển ngành dầu khí

Theo ông Hoàng Quốc Vượng, thực hiện Chiến lược phát triển PVN theo tinh thần Nghị quyết 41-NQ/TW ngày 23/7/2015 của Bộ Chính trị, các Quyết định số 1748/QĐ-TTg ngày 14/10/2015; Quyết định 1749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và triển khai thực hiện Nghị quyết 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045, PVN định hướng phát triển thành tập đoàn năng lượng lớn trong nước và khu vực với các hoạt động sản xuất kinh doanh cốt lõi là tìm kiếm, thăm dò, khai thác và chế biến nguồn tài nguyên dầu khí, phát triển các nguồn năng lượng xanh, năng lượng tái tạo gắn với bảo vệ môi trường, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

PVN sẽ tập trung phát triển 3 lĩnh vực chính: Thăm dò khai thác dầu khí; Chế biến dầu khí; Công nghiệp khí - điện và năng lượng tái tạo. Trong các lĩnh vực trên thì thăm dò khai thác dầu khí tiếp tục là lĩnh vực cốt lõi, dẫn dắt PVN. PVN sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tìm kiếm, thăm dò nhằm gia tăng trữ lượng và sản lượng khai thác dầu khí tại các khu vực tiềm năng, nước sâu, xa bờ gắn với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển; nâng cao hệ số thu hồi, tận thu các mỏ nhỏ, khối sót... Tập đoàn cũng sẽ chủ động, hiệu quả trong hợp tác về tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí ở nước ngoài; nghiên cứu, triển khai các dự án năng lượng tái tạo, đặc biệt là các dự án điện gió ngoài khơi, lĩnh vực mà PVN có lợi thế về kinh nghiệm xây dựng, lắp đặt các công trình trên biển.

Theo đánh giá của lãnh đạo PVN, khu vực kinh tế tư nhân ngày càng có vai trò quan trọng, nhưng tới năm 2045, các doanh nghiệp nhà nước vẫn đóng vai trò hết sức quan trọng để đóng góp vào mục tiêu chung đưa đất nước trở thành quốc gia phát triển, có thu nhập cao. Cùng với tạo thuận lợi cho khu vực tư nhân, cũng cần điều chỉnh cơ chế, chính sách cho khu vực doanh nghiệp nhà nước để dám nghĩ, dám làm. 

Do đó, ông Hoàng Quốc Vượng kiến nghị hoàn thiện thể chế phát triển ngành dầu khí, xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp cho Tập đoàn Dầu khí phát triển, ban hành Luật Dầu khí mới và các văn bản hướng dẫn phù hợp với tình hình mới.

Đọc thêm