Văn hóa & Pháp luật

Hoàn thiện thể chế, phát huy nguồn lực, xây dựng thương hiệu quốc gia bằng văn hóa

(PLVN) - Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa.

Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa cho rằng, chủ trương, định hướng của Đảng cần được thể chế hóa, cụ thể hóa thành các chính sách, pháp luật về văn hóa giàu tính thực tiễn, có tầm nhìn xa, qua đó phá vỡ rào cản, kích thích năng lực sáng tạo, giải phóng sức sản xuất, năng lực cạnh tranh, tạo động lực to lớn cho sự phát triển của văn hóa.

Tiềm năng để xây dựng thương hiệu quốc gia bằng văn hóa

Thời gian qua, công nghiệp văn hóa và thị trường văn hóa đã có bước khởi sắc, các sản phẩm và dịch vụ văn hóa ngày càng đa dạng, phong phú. Thưa ông, Việt Nam có những tiềm năng gì để xây dựng thương hiệu quốc gia bằng văn hóa?

- Thương hiệu quốc gia là hình ảnh của các bản sắc có khả năng cạnh tranh của một đất nước. Từ năm 2003, Việt Nam đã khởi xướng “Chương trình thương hiệu quốc gia” với mục tiêu xây dựng hình ảnh Việt Nam là một quốc gia có uy tín về hàng hóa và dịch vụ với chất lượng cao, gia tăng niềm tự hào và sức hấp dẫn của đất nước và con người Việt Nam, góp phần thúc đẩy phát triển ngoại thương và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Tham gia vào việc quảng bá, xây dựng thương hiệu quốc gia là tổng hòa của nhiều yếu tố như: sản xuất, kinh doanh, thương mại, quản trị, đối ngoại, văn hóa, du lịch, truyền thông, khoa học, giáo dục, con người, các giá trị... Trong đó đóng vai trò quan trọng là sự sáng tạo, năng động, tin cậy, an toàn thể hiện trong thành tựu phát triển kinh tế, nền văn hóa, chất lượng sản phẩm, khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường…

Ở nghĩa rộng, trong mọi lĩnh vực của đời sống quốc gia, văn hóa là nhân tố chi phối, quyết định chất lượng, hiệu quả của các hoạt động sản xuất, kinh doanh, quản trị, thương mại…, giúp các tổ chức, cá nhân đảm bảo chữ tín, tuân thủ pháp luật, đạo đức kinh doanh, trách nhiệm xã hội. Văn hóa cũng là “sức mạnh mềm” trong các quan hệ đối ngoại; là nguồn tài nguyên nhân văn vô tận phục vụ cho các hoạt động sáng tạo; là nền tảng trong các hoạt động giáo dục, khoa học, công nghệ, là hệ thống các giá trị dẫn dắt, điều tiết, định hướng xã hội hướng tới những mục tiêu nhân văn tốt đẹp.

Ở nghĩa hẹp, các thành tố của văn hóa như: di sản, nghề thủ công truyền thống, ẩm thực, âm nhạc, sân khấu, mỹ thuật, nhiếp ảnh, kiến trúc, điện ảnh, thời trang… đang tích cực đóng góp theo cách riêng để tạo dựng một hình ảnh đất nước Việt Nam tươi đẹp, thân thiện, mến khách, giàu truyền thống văn hóa, có bản sắc độc đáo, năng động và sáng tạo, cởi mở trong hội nhập.

Du lịch Việt Nam những năm gần đây ngày càng khởi sắc, khẳng định thương hiệu trên bản đồ du lịch thế giới. Du lịch văn hóa hiện nay là 1 trong 4 dòng sản phẩm chủ đạo của du lịch Việt Nam và cũng là loại hình hấp dẫn nhất, thu hút đông đảo nhất du khách quốc tế.

Là đất nước nghìn năm văn vật, Việt Nam sở hữu kho tàng di sản văn hóa vật thể phong phú với 8 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, hơn 4.000 di tích được xếp hạng di tích quốc gia, hơn 9.000 di tích được xếp hạng cấp tỉnh và hệ thống các bảo tàng lưu giữ phần lớn di sản văn hóa của quá khứ dưới dạng hiện vật, bảo vật quốc gia, cổ vật, tài liệu quý hiếm...

Trên phương diện văn hóa phi vật thể, với bề dày nghìn năm văn hiến, Việt Nam hiện có 13 di sản được UNESCO ghi danh, 7 di sản tư liệu thuộc chương trình Ký ức thế giới, hàng trăm di sản được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Chúng ta cũng có khoảng 5.400 làng nghề truyền thống với những sản phẩm đặc sắc, gần 8.000 lễ hội các loại thể hiện rõ bản sắc văn hóa dân tộc. Việt Nam cũng là quốc gia có nền ẩm thực độc đáo, kết hợp tinh tế ẩm thực Á - Âu.

Bên cạnh đó, chúng ta còn có nhiều tài nguyên văn hóa khác ẩn chứa trong văn chương, âm nhạc, sân khấu, mỹ thuật, tín ngưỡng, phong tục, tập quán… có thể phục vụ phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Nhân tố văn hóa sẽ góp phần thúc đẩy và phát triển các sản phẩm đại diện cho thương hiệu Việt Nam có chỗ đứng vững chắc trên thị trường nội địa và vươn ra thế giới…

Diễn xướng Dân ca quan họ Bắc Ninh, Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Diễn xướng Dân ca quan họ Bắc Ninh, Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Hoàn thiện thể chế, chính sách, phát huy nguồn lực xây dựng nền văn hóa Việt Nam “dân tộc, dân chủ, nhân văn và khoa học”

Những hạn chế trong lĩnh vực xây dựng văn hóa, con người Việt Nam thời gian qua đã gây hệ luỵ, tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội, đến xây dựng con người và môi trường văn hóa. Để hoàn thiện thể chế, chính sách, phát huy nguồn lực xây dựng nền văn hóa Việt Nam “dân tộc, dân chủ, nhân văn và khoa học”, theo ông, cần phải làm gì?

- Để hoàn thiện thể chế, chính sách, phát huy nguồn lực xây dựng nền văn hóa Việt Nam “dân tộc, dân chủ, nhân văn và khoa học”, chúng ta cần tiếp tục quán triệt sâu sắc, đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, nhất là các quan điểm được nêu trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam; kết luận chỉ đạo quan trọng của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (24/11/2021).

Trước hết, cần đẩy nhanh quá trình thể chế hóa đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng thành luật pháp và các chính sách cụ thể, khả thi về phát triển văn hoá.

Thứ hai, tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về văn hóa, tập trung cụ thể hóa chủ trương, quan điểm của Đảng thành chương trình, đề án cụ thể, sát thực tiễn.

Thứ ba, cần phát huy toàn diện và đầy đủ các nguồn lực văn hóa bao gồm nguồn nhân lực con người và nguồn lực tài chính, nguồn vốn ngân sách Nhà nước và nguồn vốn từ quá trình xã hội hóa, sự đóng góp của cộng đồng các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân ở trong và ngoài nước cùng tham gia phát triển văn hóa.

Để phát huy được giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam, thời gian tới, Quốc hội cần sớm ban hành Chương trình Mục tiêu Quốc gia về văn hóa; đồng thời, cùng với Chính phủ tiếp tục quan tâm, tăng mức đầu tư cho văn hóa trong tổng chi ngân sách Nhà nước hằng năm, đảm bảo thực hiện đúng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng...

Nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong thời kỳ mới

Văn hóa đã, đang và sẽ mãi đi cùng với tiến trình hình thành, xây dựng và phát triển của đất nước, con người Việt Nam. Thưa ông, để gìn giữ bản sắc văn hóa, hội nhập thế giới và bước ra “biển lớn”, nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong thời kỳ mới là gì?

- Để tiếp tục xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển nền văn hóa của dân tộc, tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ ra 6 nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới. Đó là khơi dậy mạnh mẽ hơn nữa tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, tinh thần đoàn kết, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc của toàn dân tộc; phát huy cao độ những giá trị văn hóa, sức mạnh và tinh thần cống hiến của mọi người Việt Nam, tạo nguồn lực nội sinh và động lực đột phá để thực hiện thành công mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2025, 2030, tầm nhìn 2045 mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.

Là xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập với những giá trị chuẩn mực phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hóa, giá trị của quốc gia - dân tộc;

Là phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, môi trường văn hóa, đời sống văn hóa: Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá truyền thống, tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại, đồng thời nâng cao chất lượng, hiệu quả sáng tạo các giá trị văn hoá mới. Xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh, văn minh gắn liền với đấu tranh không khoan nhượng với cái xấu, cái ác, phi văn hoá, phản văn hoá; bảo vệ những giá trị chân - thiện - mỹ. Nâng cao đời sống văn hoá của nhân dân; xây dựng đời sống văn hoá vui tươi, lành mạnh, hạnh phúc; khắc phục sự chênh lệch về trình độ phát triển và hưởng thụ văn hoá giữa các vùng, miền của đất nước; Là phát huy vai trò chủ thể sáng tạo, chủ thể thụ hưởng văn hóa là nhân dân…

Cùng với đó, chú trọng xây dựng Đảng và hệ thống chính trị về văn hoá, về đạo đức; kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, để Đảng ta và hệ thống chính trị của nước ta thật sự là đạo đức, là văn minh, tiêu biểu cho lương tri và phẩm giá con người Việt Nam.

Và cuối cùng, là xây dựng môi trường văn hóa số phù hợp với nền kinh tế số, xã hội số và công dân số, làm cho văn hóa thích nghi, điều tiết sự phát triển bền vững đất nước trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư…

Trân trọng cảm ơn ông!

Đọc thêm