Hoàng gia Anh gây 'sốt' thế nào với làng mốt

(PLO) -  Những món đồ công nương Meghan Markle, Kate Middleton diện đều tạo "sốt" và định hướng phong cách, thói quen mua sắm của nhiều người.

Thời gian qua, làng mốt liên tục chứng kiến "hiện tượng Meghan Markle". Những món đồ cô mặc trước và sau đám cưới hoàng gia hồi tháng 5 luôn "cháy hàng". Lần đầu xuất hiện cùng hoàng tử Harry sau lễ đính hôn tại vườn Suken, Cung điện Kensington, Meghan diện áo khoác trắng Line the Label. Chiếc áo trị giá 750 USD của thương hiệu Canada được bán hết veo chỉ trong vòng vài phút. Trang web của hãng bị sập do lượng truy cập quá tải. 

Sau lễ cưới, ở bữa tiệc mừng tuổi 70 của bố chồng - Thái tử Charles, cô dâu mới của hoàng gia mặc váy màu hồng nhạt của Goat có giá 450 USD (10,2 triệu đồng). Chỉ vài phút, trang web của Goat bị nghẽn vì lượng truy cập tăng đột biến. Các hệ thống thời trang bán lẻ khác như Far Fetch và Matches Fashion thông báo thiết kế đã "cháy hàng". Bên cạnh bộ váy, ví cầm tay lụa Charlie Oyster của Wilbur and Gussie cũng được bán hết trên trang web của thương hiệu. Các chuyên gia marketing hay truyền thông đánh giá hiệu ứng Meghan Markle thực sự mạnh mẽ. 

Công nương Meghan Markle và hoàng tử Harry.

Công nương Meghan Markle và hoàng tử Harry.

Trở thành công nương Anh, Meghan làm chao đảo nền công nghiệp thời trang từng ngày. Theo tạp chí WWD, Mackage - thương hiệu được Meghan mặc trong chuyến công du tới Bắc Ireland - đạt tới 1,6 tỷ lượt tương tác trên truyền thông trong vài giờ từ lúc cô mặc một chiếc áo khoác của họ. Khi Meghan mặc bộ thứ hai của thương hiệu này, lượng truy cập vào trang web của hãng tăng lên gấp bốn lần trong khoảng thời gian ngắn. WWD nhận định "đây là con số không thể tượng tượng được, thậm chí chân dài có sức hút lớn như Gigi Hadid cũng không thể kéo được lượng truy cập như thế".

Trước đó, công nương Kate Middleton cũng có tầm ảnh hưởng tương tự. Năm 2013, thương hiệu Issa London gặp thời khi chiếc váy màu xanh dương Kate Middleton mặc được bán hết trong vòng 24 giờ với đơn đặt hàng đến từ 43 quốc gia. Có lần, Kate diện thiết kế Zara 40 USD (930.000 đồng), khiến chiếc váy gây sốt trên mạng xã hội nhiều ngày liên tục.

Công nương Kate

Công nương Kate Middleton (phải) nhiều lần mặc giống công nương Diana.

Công nương Kate và Meghan đa phần diện váy áo giá dưới nghìn USD - phân khúc bình dân ở phương Tây mà nhiều cô gái có thể mua. Giới chuyên môn nhận định việc này có tác dụng tăng sức mua, góp phần kéo nền kinh tế và công nghiệp thời trang đi lên. 

Gu thời trang của họ cũng được đánh giá thanh lịch, mang tính ứng dụng cao. Công nương Meghan xây dựng hình ảnh trẻ trung và thời thượng theo xu hướng tối giản - một trong những phong cách kinh điển không bao giờ lỗi thời. Công nương Kate được khen có gu mặc tinh tế, và được nhận xét là học tập từ mẹ chồng - cố công nương Diana. Năm 2007 và 2010, cô được tạp chí People chọn là người mặc đẹp nhất năm. Harper's Bazaar đánh giá công nương Kate là một trong 10 nhân vật có tầm ảnh hưởng đến thời trang thế giới năm 2017.

Ngoài ra, chuyện tình yêu với hai hoàng tử Anh góp phần tạo nên ảnh hưởng của hai công nương có xuất thân từ gia đình thường dân. Trong một phỏng vấn gần đây trên BBC, những cô gái da đen ở Anh hào hứng khi nhắc đến đám cưới của Meghan Markle bởi cô mang một phần dòng máu da màu. Jansson-Boyd tác giả cuốn Consumer Psychology phát biểu trên Fashionista: "Chúng tôi muốn mua áo cô ấy mặc vì tin rằng nếu có một thứ gì đó sẽ giúp chúng tôi được trải nghiệm giống cô ấy. Biết đâu một ngày nào đó tôi sẽ có cuộc sống đó, vì rõ ràng cô ấy có thể". 

Hoàng hậu Alexandra tiên phong cho xu hướng may đo của nữ giới ở thế kỷ 19.

Hoàng hậu Alexandra tiên phong cho xu hướng may đo của nữ giới ở đầuthế kỷ 19. Ảnh:Bảo tàng Thời trang ở Bath (Anh).

Trước hai công nương, làng mốt Anh chứng kiến sức ảnh hưởng sâu rộng của các hoàng hậu, công chúa. Một trong những biểu tượng thời trang đầu tiên được nhắc đến nhiều là hoàng hậu Alexandra ở đầu thế kỷ 19. Theo BBC, thời trang của Alexandra dễ dàng tiếp cận với công chúng hơn nữ hoàng Victoria trước đó vì hoàng hậu là người cởi mở. Bà tiên phong ủng hộ phong trào thiết kế quần áo hàng ngày cho nữ giới. Phụ nữ quý tộc thời đó yêu thích những thiết kế có chi tiết và kiểu dáng giống những bộ mà Alexandra mặc. Nhiều nhà may dựa trên nhu cầu đó mà trở nên phát đạt. "Bà là một biểu tượng thời trang thực thụ, là người đưa ra các xu hướng và mọi người mặc theo", Elly Summers - người phụ trách triển lãm ở Bảo tàng Thời trang tại Bath (Anh) - nói.

Công chúa Margaret.

Công chúa Margaret.

Trong thế kỷ 20, phụ nữ hoàng gia tiếp tục ảnh hưởng lớn tới thời trang, trong đó có công chúa Margaret. Bà được coi là biểu tượng cuối thập niên 1940, đầu 1950. Những năm sau Thế chiến thứ hai, danh tiếng của Margaret tạo nên nguồn cảm hứng lớn cho nữ giới yêu thời trang.Không như chị gái - Nữ hoàng Anh - người luôn mặc đồ của những nhà thiết kế Anh theo phong cách chuẩnmực, Margaret tự do hơn. Theo đánh giá của tạp chí Picture Post ở thập niên 1950, những gì bà mặc đều thời thượng. Công chúa còn là một trong những người đi đầu trong việc khai phá thương hiệu Christian Dior. Nhờ sự ủng hộ mạnh mẽ của Margaret, Dior - nhà mốt mới khi đó - xác lập vị trí trên bản đồ thời trang Anh. Trang phục của bà trong chuyến đi nghỉ tại đảo Mustique những năm 1970 trở thành cảm hứng cho bộ sưu tập Xuân Hè 2011 của Christopher Kane. Theo nhà thiết kế, "công chúa Margaret là chất xúc tác".

Đến thập niên 1980, vượt khỏi khuôn khổ Anh, công nương Diana chiếm một vị trí quan trọng trong trái tim hàng triệu người dân toàn thế giới. Diana là nguồn cảm hứng trong phong cách mặc của rất nhiều biểu tượng thời trang như Alexa Chung đến Kate Middleton hay gần đây là Meghan Markle... Tất cả trang phục Diana mặc mọi phụ nữ đều dễ dàng học theo. Chiếc áo sơ mi buộc nơ lệch và váy suit xanh Diana diện trong lễ đính hôn năm 1981 nhanh chóng được mô phỏng, bán với giá 9,99 bảng. Thiết kế trở thành sản phẩm bán chạy nhất của thương hiệu Mark & Spencer lúc đó. 

* Dấu ấn thời trang của công nương Diana

Phong cách công nương Diana
Theo BBC, năm 1994, chuyện công nương mặc gì được nhiều người quan tâm hơn cả cuộc tình vụng trộm của Thái tử Charles. Sau khi ly hôn năm 1996, tính biểu tượng của Diana thể hiện sắc nét hơn qua những bộ suit và phụ kiện. Các gam màu mạnh được bà sử dụng như một tuyên ngôn về bản lĩnh và khả năng làm chủ cuộc sống.  Bà đã bán được 79 chiếc đầm từng mặc, dùng ba triệu bảng quyên góp cho các quỹ từ thiện về bệnh AIDS và ung thư.

Gần đây, khi thời trang thập niên 1980 đang trở lại mạnh mẽ, nhà thiết kế Virgil Abloh của Off-White đã trình làng bộ sưu tập lấy cảm hứng từ phong cách của bà. Sàn diễn thế giới lăng xê chiếc quần đạp xe thể thao - vốn là phong cách quen thuộc được công nương mặc cùng áo cotton của Đại học Harvard năm 1997, khiến trào lưu phối đồ kiểu này đang nở rộ trên Instagram.