Hoảng hồn với thảm họa 'áo dài không quần'

(PLO) -Nhiều NTK áo dài đang lo lắng trước những cách tân đến phản cảm của trang phục truyền thống này như: xẻ ngực, xẻ eo đến táo bạo... Chưa kể nhiều chị em xuống phố với mốt áo dài… không quần, hay lên sân khấu biểu diễn với áo dài, quần sooc…
Hình ảnh đẹp trên phố
Hình ảnh đẹp trên phố

Những cách tân phản cảm

Thời gian gần đây, nhiều NTK áo dài đang lo lắng trước những cách tân đến phản cảm như: xẻ ngực, xẻ eo đến táo bạo, dát vàng, đính cườm, đính kim cương… chỉ để khoa trương hơn là mang sự tinh tế. Thậm chí, một nữ ca sĩ từng gây “thảm họa” khi diện áo dài với quần sooc. Không những thế, nhiều chị em xuống phố với mốt áo dài… không quần.

Vì thế, một số mẫu áo dài trở thành “thảm họa” làm cho người sở hữu không thể mặc, mà cũng chưa đủ đẹp để có thể mang ra trưng bày. Các NTK khẳng định, để tránh được “thảm họa” áo dài, trước hết phải có sự phối hợp giữa NTK và người sử dụng. Ngoài ra, nên xem việc mặc áo dài là tôn vinh bản thân, vì thế không được biến tấu áo dài một cách thái quá.

NTK Minh Hạnh trăn trở và nhấn mạnh rằng ý nghĩa của chiếc áo dài đã thay đổi theo lịch sử. Bà cũng cho rằng tất cả những NTK nếu trong quá trình sáng tạo nếu không lấy những chiếc áo gốc làm kim chỉ nam thì chắc chắn ít nhiều sẽ xảy ra “thảm họa” thời trang.

Những hình ảnh áo dài gây nhiều tranh cãi
Những hình ảnh áo dài gây nhiều tranh cãi 

Theo NTK Phan Văn Tân (Giảng viên Đại học Mỹ Thuật Huế), với tư cách là một giảng viên, theo anh cần phải truyền đạt những kiến thức chuyên sâu về áo dài cho các bạn trẻ, để từ đó để áo dài Việt đi theo đúng định hướng bảo tồn nét Việt trong áo dài.

Với Hoa hậu Ngọc Hân, chuẩn mực là do chính NTK tự đặt ra cho mình, nó phải phản ánh đầy đủ, chân thực  nhất về trình độ văn hóa, nhận thức của các NTK. 

Mặc dù chưa có một quy chuẩn nào cho áo dài nhưng nhiều chung ý kiến cho rằng thiết kế áo dài sẽ không bị gọi là “thảm họa” khi bản thân mỗi NTK sáng tạo bằng trái tim và trách nhiệm của chính mình. Nói như NTK Lan Hương, nếu các nhà thiết kế làm việc bằng trái tim của mình, không dễ dãi với bản thân và với các thiết kế của mình, chắc chắn sẽ không để xảy ra “thảm họa áo dài”.

Vậy làm thế nào để giải quyết được vấn đề này? Theo NTK Minh Hạnh: “Chỉ có một cách duy nhất, đó là tiếng nói chính thống. Các bạn có thể cách tân thế nào cũng được, nhưng phải giữ lại linh hồn của chiếc áo dài”. 

Trong khi đó, NTK Hữu LaLa cho rằng việc tự do trong sáng tạo là điều cần thiết. Ngoài sự sáng tạo của người làm ra áo dài thì thị hiếu của người mặc cũng là yếu tố quyết định đến việc áo dài Việt sẽ phát triển theo hướng như thế nào.

Nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn (nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa nghệ thuật) chia sẻ, áo dài truyền thống có lịch sử rất lâu đời, chính thức có từ thời nhà Nguyễn và gắn với đời sống của người Việt Nam, là biểu tượng vẻ đẹp của người phụ nữ Việt.

Theo ông: “Sự cách tân là đương nhiên trong cuộc sống. Áo dài thay đổi theo những yêu cầu của người phụ nữ. Sự cách tân tùy theo thời kỳ. Có thời kỳ người ta thích áo dài dài xuống tận gót chân, thắt vào eo thật khít để phô đường cong của mình. Nhưng, hồn cốt áo dài vẫn có 2 tà áo. Khoảng 20 năm nay, áo dài càng ngày càng phát triển và phát huy đặc sắc vì các NTK đã đưa ra những kiểu áo dài rất mới lạ”.

Áo dài, “đặc sản” du lịch

Với Hà Nội, tà áo dài càng có ý nghĩa khi nơi này là Thủ đô của đất nước. Theo ông Đỗ Đình Hồng, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội, ngành du lịch Thủ đô mong muốn tà áo dài không chỉ là biểu tượng tinh thần cốt lõi mà còn là sản phẩm du lịch độc đáo, để qua đó thấy được vẻ đẹp của Hà Nội nghìn năm văn hiến.

Những hình ảnh áo dài gây nhiều tranh cãi
Những hình ảnh áo dài gây nhiều tranh cãi 

Đây cũng là hoạt động hướng đến xây dựng Hà Nội thành trung tâm thời trang của cả nước, mà áo dài là một trong những sản phẩm đặc trưng không thể thiếu. Tà áo dài không chỉ là biểu tượng của vẻ đẹp phụ nữ, là di sản văn hóa cốt lõi mà còn là sản phẩm du lịch độc đáo.

Ý tưởng này được các NTK thời trang, những người làm trong ngành du lịch hưởng ứng và chia sẻ, đây được coi là điểm nhấn để xây dựng Hà Nội trở thành điểm đến hấp dẫn của khách du lịch trong và ngoài nước, đồng thời xây dựng Hà Nội thành “kinh đô thời trang”.

Như NKT Minh Hạnh bày tỏ: “Tôi mong tất cả chúng ta cùng nhau tạo nên một phong cách mới cho Hà Nội, một phong cách tất cả những người yêu áo dài, yêu Hà Nội đều cảm thấy dù không bắt buộc nhưng có trách nhiệm xây dựng nên một thành phố của văn hóa. Đó là thành phố chúng ta có thể đặt niềm tin, biến Hà Nội thành trung tâm thời trang”.

Để gắn kết chặt chẽ với người làm du lịch nhằm tạo ra những bộ áo dài thật sự là sản phẩm du lịch độc đáo, NTK Minh Hạnh cho rằng, mỗi NTK là một nhà sáng tạo, tạo ra được ngôn ngữ riêng và áo dài là chính là thứ ngôn ngữ riêng đó. Các NTK phải thực sự xem việc thiết kế áo dài là sáng tạo nghệ thuật. 

Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Giám đốc Công ty du lịch TransViet cho rằng, cái khó với người làm du lịch là luôn quảng bá du lịch Việt Nam ra thế giới gắn với hình ảnh áo dài, nhưng khi khách nước ngoài đến Việt Nam lại hiếm gặp hình ảnh người Việt Nam mặc áo dài.

Ở phương diện người làm du lịch, ông Nguyễn Đạt đề xuất Hà Nội kêu gọi người dân mặc áo dài tại phố đi bộ vì đây là không gian lý tưởng để mặc áo dài. Thành phố có thể khuyến khích mọi người mặc áo dài bằng cách chụp ảnh miễn phí áo dài tại một số không gian phù hợp bên hồ Hoàn Kiếm, miễn phí vé tham quan các di tích trong phố đi bộ…

Vào các buổi tối cuối tuần có thể tổ chức theo hướng xã hội hóa các buổi trình diễn áo dài ngoài trời của các NTK đoạn cầu Thê Húc, trước cửa nhà cổ 87 Mã Mây và đền Bạch Mã.

Ông Đạt cho rằng, nếu thành phố thực hiện những giải pháp đó, những người làm du lịch sẵn sàng đưa vào các chương trình tour đến các điểm trình diễn kết nối với các NTK để quảng bá du lịch cho Thủ đô.

Bên cạnh đó, các công ty du lịch có thể  tổ chức cho khách mặc áo dài đi thăm các danh thắng tại Hà Nội. Nếu khách có nhu cầu sẽ đưa khách đi mua sắm áo dài để tạo ra sự mới lạ, hấp dẫn du khách và để áo dài là sản phẩm du lịch độc đáo với du khách.

Những hình ảnh áo dài gây nhiều tranh cãi
Những hình ảnh áo dài gây nhiều tranh cãi 

Trước thắc mắc tại sao hướng dẫn viên du lịch không mặc áo dài, nhiều đoạn quảng cáo trên truyền hình rõ ràng quảng bá cho doanh nghiệp Việt nhưng người mẫu không mặc áo dài, ông Đạt nói: “Đó là điều đáng tiếc, cái khó của người làm du lịch”.

Nhiều doanh nghiệp du lịch hiện không coi áo dài là trang phục bắt buộc cho nhân viên. “Muốn quảng bá du lịch Việt Nam ra nước ngoài, bên cạnh danh thắng, chúng tôi đều gắn với hình ảnh phụ nữ mặc áo dài. Bạn bè quốc tế rất thích, nhưng ngoài đồng phục tiếp viên hãng hàng không quốc gia, còn lại trên đường, tại các cửa hiệu không nhiều áo dài”, ông Đạt nói.

Vào triều Minh Mạng (1820-1840), vua theo lời tâu xin của sĩ, dân Bắc Hà, cuối năm 1828, ban lệnh từ sông Gianh trở ra Bắc kể từ mùa xuân sang năm phải đồng loạt thay đổi y phục theo như kiểu thức của dân chúng từ sông Gianh trở về Nam.

Từ thời điểm này áo dài 5 thân, cổ đứng chít 5 khuy bên phải kèm với cái quần hai ống được chính thức công nhận là quốc phục của nước Việt Nam, phổ biến từ trong cung đình ra dân gian. 

Trải qua quá trình lịch sử, vào thập niên 30 tại Hà Nội, thủ phủ của xứ Đông Dương thuộc Pháp, hai họa sĩ tài hoa Cát Tường, Lê Phổ tiếp thu một vài chi tiết của trang phục phụ nữ phương Tây sáng tạo ra nhiều kiểu áo dài cách tân nhằm đáp ứng thị hiếu lãng mạn đương thời.