Đánh cán bộ vì nghe phạt 100 triệu đồng
Phiên tòa “chống người thi hành công vụ” do TAND TP Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế) xét xử vào một ngày giáp Tết Mậu Tuất. Bị cáo Nguyễn Như Cường (41 tuổi, ngụ TP Huế, được tại ngoại) đến tòa cùng vợ từ rất sớm.
Bị cáo có nghề làm chả cua. Cơ sở nhỏ, ngày làm tầm 5-7 kg chả, chủ yếu bỏ cho khách quen. Hồi 6h sáng một ngày đầu tháng 6/2017, bất chợt có đoàn kiểm tra nhanh các sản phẩm nông lâm thủy sản có nguy cơ gây mất an toàn thực phẩm (đoàn của Chi cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh) đến nhà bị cáo, kiểm tra đột xuất.
Sau khi thử kết quả, đoàn phát hiện trong chả cua có chứa hàn the là chất cấm trong sản xuất nem chả. Khi chị Cao Thị Thúy (SN 1976, là cán bộ đoàn kiểm tra) đang giải thích việc vi phạm và mức phạt thì bị cáo đá thau chả, đồng thời có lời lẽ xúc phạm chị Thúy. Thấy vậy, những người trong đoàn kiểm tra ôm bị cáo lại và nói chị Thúy chạy đi.
Chị Thúy chạy ra ngoài đường thì bị cáo cầm thanh kim loại có đường kính khoảng 1,5 cm dài tầm 35 cm đuổi theo chị Thúy. Trong lúc bỏ chạy, chị Thúy ngã xuống đường bị trầy xước chân tay, bị cáo còn chạy đến đánh một cái vào đầu chị Thúy, gây thương tích phần mềm. Một cán bộ khác chạy đến can ngăn, bị cáo liền nhặt cục gạch trên đường ném. May mắn viên gạch không trúng ai. Sau đó bị cáo đi bộ về nhà. Vụ việc sau đó được cấp báo cơ quan công an.
Ngay sau đó Nguyễn Như Cườngbị truy tố về hành vi “chống người thi hành công vụ”. Đối với hành vi gây thương tích cho chị Thúy, với tỷ lệ tổn thương cơ thể là 3%, do chị Thúy rút đơn yêu cầu khởi tố nên cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP Huế không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Cường.
Đổ lỗi cho khách hàng
Bị cáo đứng nơi vành móng ngựa, dáng người cao ráo nhưng cứ ủ rũ như tàu lá chuối sau mưa. Bị cáo phân trần mình “không cố ý đánh cán bộ. Lúc đoàn kiểm tra vào, bị cáo đang xay chả. Nghe chị Thúy nói trong chả có chất cấm, có thể bị phạt 100 triệu, bị cáo hoảng quá. Cơ sở bị cáo nhỏ xíu. Nếu phạt 100 triệu, bị cáo lấy tiền đâu ra để phạt. Bị cáo nói với chị Thúy: “Ri là hết đường sống rồi” và hoảng loạn đuổi chị Thúy đi”.
“Mục đích bị cáo đánh chị Thúy là gì?”, tòa hỏi.
Bị cáo nói “chỉ đánh nhè nhẹ vào đầu, vì muốn dọa để chị Thúy ra khỏi nhà. Lúc đó có người đến can, nên bị cáo liền dừng tay lại”.
Tòa: “Nếu không có ai can, có đánh tiếp không?”.
Bị cáo xua tay, bảo không đánh tiếp.
“Vậy sao bị cáo còn ném đá?”.
Bị cáo cho rằng: “Bị cáo chỉ ném xuống sông, không ném người”.
Tòa hỏi cơ sở làm chả của bị cáo, có được tập huấn về an toàn thực phẩm không? Bị cáo nói có. “Vậy bị cáo có biết sử dụng chất cấm trong sản xuất thực phẩm sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng không?”, tòa chất vấn.
Bị cáo phân bua, lâu nay bị cáo làm chả không cho hàn the vào. Hôm đó bị cáo có đơn đặt hàng của khách, đặt 5kg chả mang đi xa. “Khách yêu cầu bỏ hàn the vào để chả lâu hư. Không đồng ý thì mất khách, nên bị cáo đành gật đầu. Số bị cáo xui, đúng hôm đó lại có đoàn kiểm tra đến. Không ngờ cái gật đầu hôm đó là ngọn nguồn khiến bị cáo phải ra vành móng ngựa hôm nay”, bị cáo nói.
“Có nhiều khách hàng yêu cầu phải bỏ hàn the vào chả họ mới mua. Nếu chả không bỏ hàn the, sẽ mau hư, nên họ không ưng. Nhưng từ nay bị cáo “tởn” rồi. Dù khách có “này nọ” bị cáo cũng không làm. Họ mua thì mua, không mua thì thôi vậy”, bị cáo nói.
Tòa giải thích, việc cơ quan chức năng đi kiểm tra, không phải là triệt đường sống của những người như bị cáo. Kiểm tra để bảo đảm vệ sinh, an toàn về sức khỏe. “Nếu mình làm đúng, thì không chỉ sức khỏe của người tiêu dùng được đảm bảo, mà hàng hóa cũng sẽ bán chạy hơn, được người dùng tin tưởng lựa chọn”, chủ tọa nhắc nhở bị cáo.
Vì sao chỉ bị án treo?
Vợ bị cáo thì cho hay vợ chồng có hai con nhỏ. Cả gia đình bốn người sống nhờ vào thau chả cua. Từ ngày vụ việc xảy ra, Cường suốt ngày lo lắng, chẳng còn tâm trí để làm ăn. Công việc vì thế cũng gián đoạn, nên khách hàng cũng rơi rớt dần. Suốt ba tháng đợi chờ ngày ra tòa, vợ chồng chẳng đêm nào ngủ ngon giấc. Lo lắng, sợ hãi, khiến cả hai suốt ngày tìm đến chùa cầu nguyện, mong được “tai qua nạn khỏi”. Hễ nghe ai nói chùa ở đâu “linh”, vợ chồng lại chở nhau đến khấn. Đi đến mòn lốp xe, nhưng chẳng biết có thoát cảnh đi tù không?. “Nhiều lúc anh ấy ngồi thở dài, lỡ không may mình vào tù “ngồi”, thì vợ con ở nhà không biết làm sao. Mới nghĩ thôi đã thấy khiếp đảm. Cơm cũng không nuốt xuống”, vợ bị cáo thủ thỉ.
Có mặt tại tòa, chị Thúy cho biết, năm 2017 là năm cao điểm về an toàn thực phẩm. Hàng năm chi cục có 4 - 5 đợt kiểm tra, giám sát. Tòa: “Mỗi lần đi kiểm tra, phía của chị có phối hợp với cơ quan địa phương, hoặc công an không? Nếu có phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên ngành, thì vụ việc hẳn sẽ không xảy ra như hôm nay?”. Chị Thúy cho biết: “Thông thường vẫn mời các cơ quan liên ngành phối hợp. Nhưng nếu họ bận thì chúng tôi vẫn đi kiểm tra. Vì công tác giữa các cơ quan là độc lập, tách rời”.
Chị Thúy cho biết, quá trình chị bị thương, bị cáo đã bồi thường tiền khám chữa bệnh. Thấy bị cáo ăn năn hối hận, nên chị có viết giấy bãi nại xin giảm nhẹ mức án cho bị cáo. Tại phiên tòa, chị cũng xin tòa giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo đến mức thấp nhất.
Được nói lời sau cùng trước khi nghị án, bị cáo cho hay “thành thật xin lỗi chị Thúy về hành vi của mình, do bị cáo bức xúc tức thời mới dẫn đến hành vi gây án. Bị cáo là lao động chính trong nhà, lại đang nuôi hai con nhỏ. Vợ bị cáo trước đây ở nhà chăm sóc con, phụ việc cho bị cáo, nên thu nhập không ổn định. Cả nhà bị cáo đều dựa hết vào bị cáo. Nếu bị cáo mà đi tù, vợ con bị cáo không biết sống làm sao. Bị cáo mong tòa xem xét để xử nhẹ cho bị cáo”.
Theo HĐXX, bị cáo Cường có nhân thân tốt, chưa có tiền án tiền sự. Bị cáo đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, đã bồi thường đầy đủ cho người bị hại. Bị hại cũng có đơn xin giảm nhẹ cho bị cáo. Tòa cũng xem xét thêm cho bị cáo được hưởng các tình tiết giảm nhẹ theo quy định của pháp luật như đang nuôi hai con, là lao động chính trong gia đình, phạm tội lần đầu. Bị cáo có nơi cư trú rõ ràng nên không cần phải cách ly khỏi xã hội, chỉ cần giáo dục tại địa phương là đã có tính răn đe. Vì vậy tòa tuyên phạt bị cáo mức án một năm cải tạo không giam giữ.
Nghe mức án, cả hai vợ chồng bị cáo thở hắt ra nhẹ nhõm. Người vợ bảo, ngồi nghe tuyên án mà run quá, đến thở cũng không dám. Trước khi rời khỏi phòng xét xử, bị cáo còn ngoái lại bảo: “Một lần ni là tởn đến già. Sau này làm chả, có cho vàng tui cũng không bỏ hàn the vào”.
Tên hóa dược của hàn the là Borax. Chất này thường được sử dụng trong các loại chất tẩy rửa, xà phòng, chất khử trùng, Bộ Y tế cấm sử dụng làm chất phụ gia trong chế biến thực phẩm. Nhưng hiện nhiều người vẫn dùng hàn the cho vào để bảo quản và chế biến thực phẩm.
Hàn the có tác hại rất lớn đối với sức khỏe: Trường hợp cơ thể hấp thụ hàn the với một lượng lớn có thể dẫn đến rối loạn tiêu hoá, nôn ói, tiêu chảy; Tổn thương da; Suy thận ; Triệu chứng thần kinh, có thể dẫn đến hôn mê và tử vong.
Trường hợp cơ thể hấp thụ một lượng ít, nhưng tích luỹ dần dần trong các mô, có thể gây ra các tác hại mạn tính như : Tổn thương hệ tiêu hoá, cản trở sự hấp thu, chuyển hoá và chức năng các cơ quan; Tổn thương gan và thoái hoá bộ phận sinh dục. Ở phụ nữ có thai hoặc cho con bú, hàn the sẽ theo nhau thai hoặc đi theo đường sữa mẹ gây nhiễm độc cho bé.
Điều 6 Nghị định 178/2013/NĐ-CP quy định: Thứ nhất, phạt tiền từ 20 – 30 triệu với hành vi sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm không đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật, quy định an toàn thực phẩm tương ứng. Thứ hai, phạt tiền từ 30 – 40 triệu với hành vi sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm ngoài danh mục được phép sử dụng. Thứ ba, phạt tiền từ 70 – 100 triệu với hành vi sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm có chứa chất độc hại.