Hoang mang khi ca sĩ trẻ hát nhạc xưa

(PLO) - Những năm gần đây, khá nhiều ca sĩ trẻ thuộc các dòng nhạc bắt đầu quay lại với những album nhạc xưa. Có nhiều lý do để họ chọn lựa điều này: chạy theo thị hiếu âm nhạc, khoác bộ cánh “đẳng cấp” cho mình, hoặc đó là một thể nghiệm, một đam mê.
Ca sĩ trẻ Hoài Lâm
Ca sĩ trẻ Hoài Lâm
Mới đây, nam ca sĩ trẻ Hoài Lâm - quán quân Gương mặt thân quen 2014 đã ra mắt album nhạc xưa mang tên “Cô bé ngày xưa”. Album là tập hợp các bài hát Bollero quen thuộc với nhiều thế hệ: “Gặp nhau làm ngơ”, “Không giờ rồi”, “Cô bé ngày xưa”... 
Chỉ sau hai ngày xuất hiện trên mạng xã hội, album này đã vượt mốc một triệu lượt nghe, một thành công có thể nói là bất ngờ đối với một ca sĩ chưa qua tuổi 18 khi thử sức ở dòng nhạc khá kén người nghe này. Dự định tiếp theo của Hoài Lâm là sẽ tiếp tục thực hiện các album nhạc vàng của các nhạc sĩ Lam Phương, Phạm Duy, Ngô Thụy Miên...
Kế hoạch dài hơi của Hoài Lâm làm khán giả nhớ đến ca sĩ “đàn chị” Lệ Quyên. Xuất thân là ca sĩ của dòng nhạc thị trường với acoustic, pop nhẹ nhàng, trầm buồn, Lệ Quyên đã thử sức mình với dòng Bollero khi cho ra mắt các album “Khúc tình xưa”. Kế đó, cô lấn sâu hơn vào nhạc vàng với các album bán cổ điển và mới đây nhất là album các bài hát của nhạc sĩ Vũ Thành An được đánh giá đã đạt đến chiều sâu của sự trải nghiệm. 
Lệ Quyên là một trường hợp khá thành công khi “bay nhảy” từ dòng nhạc này sang dòng nhạc khác và dừng chân ở nhạc xưa. Sự thành công của cô trong lựa chọn này có phần còn vượt mặt “đàn anh” Đàm Vĩnh Hưng, cũng nhiều năm liền liên tục “tấn công” các dòng nhạc khác nhau.
Ca sĩ Lệ Quyên.
Ca sĩ Lệ Quyên. 
Tất nhiên, điều gì cũng có hai mặt của nó, chính do “ôm” quá nhiều dòng nhạc nên các ca sĩ này, dù có được lượng khán giả đông đảo ở nhiều thành phần, nhiều gu âm nhạc khác nhau, nhưng nói đến phong cách hay dòng nhạc chủ đạo làm nên thành công của họ, khán giả sẽ  khá... phân vân không biết đó là gì.
Quay lại với Hoài Lâm, nam ca sĩ này không phải là người trẻ duy nhất chọn nhạc xưa để thể nghiệm mình, nhưng có lẽ là người trẻ nhất. Trước đó, Quang Hà, Như Ý, Quách Tuấn Du... và hầu như khán giả chỉ có chút háo hức ban đầu, sau đó mọi thứ... rơi vào quên lãng. 
Nhiều người cho rằng, Hoài Lâm với các album nhạc xưa của mình có khả năng cũng chỉ như một “cơn gió lạ” của thị trường âm nhạc, thổi qua rồi thôi. 
Thứ nhất, bởi Hoài Lâm còn quá trẻ, chưa đủ trải nghiệm và chiều sâu để thể nghiệm thể loại âm nhạc mà anh đang theo đuổi. Và nữa, nhìn vào những gì Hoài Lâm đang lựa chọn: Theo đuổi dòng nhạc dân ca, lấn sân sang Bollero, và tiếp tục phát triển sang dòng nhạc bán cổ điển... người ta thấy được cái gì đó như một sự hoang mang của Hoài Lâm.
Nghệ sĩ trẻ thì nên thể nghiệm để thử sức và khám phá chính mình. Và họ chỉ có thể thành công khi tìm ra được điều thực sự phù hợp và thuộc về mình.