Hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp: Xử nghiêm lợi ích nhóm

(PLVN) - Ngày 18/11 tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 30 ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị và Nghị định 118/2014 của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp.
Thủ tướng yêu cầu hoàn thành việc sắp xếp các công ty nông, lâm nghiệp trong năm 2020. “Mục tiêu này không thể chậm hơn”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng yêu cầu hoàn thành việc sắp xếp các công ty nông, lâm nghiệp trong năm 2020. “Mục tiêu này không thể chậm hơn”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Cùng chủ trì có Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về đổi mới và sắp xếp doanh nghiệp, lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương; các địa phương và doanh nghiệp, công ty nông lâm trường.

1,86  triệu ha đóng góp gì cho quốc kế dân sinh?

Tại Hội nghị, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, đơn vị tập trung chỉ đạo thực hiện và hoàn thành việc sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp trong năm 2020.

Thủ tướng cho biết, mục tiêu này đã chậm, không thể chậm hơn. Địa phương, đơn vị nào còn chưa xong thì phải xử lý dứt điểm. Đây là mục tiêu của Chính phủ, của Đảng bộ các địa phương.

“Các địa phương phải nói rõ vấn đề này. Không đo đạc, không đánh giá thì làm sao biết để phân bổ phần nào của Nhà nước, phần nào giao cho người dân? Có còn tình trạng giữ đất lại, trong khi dân không có đất sản xuất, nhất là đồng bào dân tộc? “Phát canh thu tô” có không? Sử dụng kém hiệu quả như thế nào?”.  

Với việc diện tích đất nông, lâm trường hiện nay chiếm tới 10% diện tích đất nông nghiệp cả nước, tức 1,8 triệu ha, Thủ tướng đặt vấn đề: “Ngoài rừng tự nhiên, rừng phòng hộ thì nhiều đất ở vị trí đắc địa, có giá trị. Vậy 1,8 triệu ha này đóng góp gì cho quốc kế dân sinh, cho phát triển nông nghiệp Việt Nam.

Thậm chí làm sao để nông, lâm trường dẫn dắt ngành Nông nghiệp Việt Nam, nâng cao đời sống của nhân dân địa phương, nhất là đồng bào dân tộc, góp phần giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Nhiều mục tiêu như vậy, nhưng trước hết sử dụng hiệu quả là rất quan trọng, câu hỏi đặt ra là chỗ đó”.

Thủ tướng yêu cầu Bộ NN&PTNT chủ trì phối hợp các cơ quan xây dựng dự thảo Tờ trình Báo cáo Bộ Chính trị về kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết 30 của Bộ Chính trị với chất lượng cao, nêu những vấn đề từ thực tiễn, những nút thắt, khó khăn và đề xuất giải pháp. Trong đó, Thủ tướng nêu một thực trạng hiện nay, đó là trên giấy tờ thì đất đai nhà nước còn rất lớn, nhưng nhiều nơi đất chỉ còn trên danh nghĩa.

Theo Thủ tướng, hiện nay khó có thể tìm được 100.000 - 200.000ha đất trống, nhưng trên giấy tờ thì vẫn còn. Đây là do các cơ quan nhà nước không nắm được thực tế, trong khi để không ít tổ chức, cá nhân hưởng lợi, tình trạng “phát canh thu tô” trong các lâm, nông trường. Trong khi thiếu đất sản xuất thì có những nơi chia đất làm nhà, hưởng lợi, không đóng thuế, không thực hiện nghĩa vụ sử dụng đất...  

Thủ tướng cho rằng, thực tế một số địa phương thiếu quyết liệt. Đặc biệt còn có dư luận về một số trường hợp cố tình làm chậm, làm trái, còn tình trạng lợi ích nhóm gây thất thoát lãng phí lớn nguồn lực, tài nguyên đất đai, xâm phạm lợi ích của doanh nghiệp, tổ chức và người dân. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ việc khiếu nại, khiếu kiện chưa được giải quyết. 

Xử nghiêm các trường hợp cố tình làm chậm, làm sai 

Định hướng thời gian tới, Thủ tướng cũng nêu 3 điểm lớn. Trước hết là tập trung chỉ đạo việc sắp xếp, đổi mới và phát triển nâng cao hiệu quả hoạt động các công ty nông, lâm nghiệp theo Nghị quyết 30. Hoàn thành việc sắp xếp các công ty nông, lâm nghiệp trong năm 2020. “Mục tiêu này không thể chậm hơn”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Đối với các công ty nông, lâm nghiệp đã hoàn thành việc sắp xếp thì hoạt động theo pháp luật về doanh nghiệp, đặc biệt chú trọng hiệu quả các doanh nghiệp. Tiếp tục nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn tổ chức thực hiện, nhất là vấn đề sử dụng đất, lập bản đồ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất,  xử lý các trường hợp cho thuê, mượn, lấn chiếm, tranh chấp, liên doanh liên kết trái luật.

Về các nhiệm vụ, giải pháp, Thủ tướng nêu rõ làm tốt hơn nữa công tác tư tưởng nhận thức và thông tin tuyên truyền, nhất là cấp cơ sở. Không còn tư tưởng bao cấp, tư tưởng dựa vào đất đai của Nhà nước để làm lợi cá nhân mà Nhà nước không quản lý được.

“Phải có giải pháp cụ thể, thiết thực, tạo việc làm, sinh kế cho đồng bào, nhất là người dân địa phương”, Thủ tướng nhấn mạnh “đừng để tình trạng đất do Nhà nước quản lý thì thừa nhưng người dân bị thiếu đất nghiêm trọng, phải đi làm thuê, làm mướn”. 

Cùng với đó, các cơ quan chức năng cần rà soát, hoàn thiện hệ thống các quy định pháp luật liên quan đến sắp xếp, đổi mới công ty nông, lâm nghiệp; ban hành một số cơ chế, chính sách đặc thù để thúc đẩy sớm hoàn thiện việc sắp xếp lại, nhất là giải quyết được những vướng mắc, bức xúc hiện nay. Làm tốt công tác cán bộ, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp cố tình làm chậm, làm sai, lợi ích nhóm, tham nhũng lãng phí, đặc biệt là đừng để tình trạng làm chậm chạp như thời gian vừa qua.

Sau 5 năm triển khai Nghị quyết 30-NQ/TW, đã có 3 nghị định của Chính phủ, 1 quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 11 thông tư và nhiều văn bản hướng dẫn đã được ban hành.  

Hiện các công ty nông, lâm nghiệp đang lựa chọn 1 trong 4 phương án sắp xếp, chuyển đổi: mô hình công ty TNHH 1 thành viên 100% vốn nhà nước; mô hình công ty cổ phần, mô hình công ty TNHH 2 thành viên trở lên; nếu không thể chuyển đổi thì có thể tính phương án giải thể nông, lâm trường. 

Tính đến 30/6/2019, đã có 160/256 công ty nông, lâm nghiệp hoàn thành sắp xếp (chiếm 62,5%). Trong quá trình triển khai, một số địa phương, đơn vị thực hiện việc sắp xếp các công ty nông, lâm nghiệp chậm, nhất là đối với sắp xếp theo mô hình hai thành viên trở lên mới đạt 37,5% và có 27 công ty hiện chưa thực hiện việc sắp xếp. 

Cùng với đó, công tác quản lý đất đai tại một số công ty còn phức tạp, vẫn còn hiện tượng tranh chấp, lấn chiếm đất đai tại các công ty sau sắp xếp, hiệu quả sử dụng đất, tài nguyên rừng còn hạn chế. Diện tích đất, tài sản trên đất các công ty bàn giao về địa phương còn ít (91.419 ha/462.980ha). 

Một số địa phương khi thực hiện sắp xếp chưa xử lý được các tồn tại về tài chính như: Nguồn vốn vay dự án 327, vốn ODA (Sơn La, Yên Bái…), vốn vay ngân hàng (Nông trường Sông Hậu); một số công ty nông, lâm nghiệp chưa tiếp cận được vốn tín dụng do năng lực tài chính hạn chế, dự án sản xuất kinh doanh chưa khả thi...

Đọc thêm