Hoạt động của HĐND các tỉnh, thành phố: Tăng cường sử dụng chuyên gia, cộng tác viên

(PLVN) - Đây là nhấn mạnh của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn tại Hội nghị Tổng kết công tác HĐND các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung năm 2021 và triển khai kế hoạch công tác năm 2022.
 Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu chỉ đạo Hội nghị.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Hoạt động chất vấn ở một số nơi vẫn còn hình thức

Trình bày Báo cáo tóm tắt về tình hình tổ chức, hoạt động của HĐND các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung trong năm qua, Trưởng Ban Công tác đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho biết, HĐND nhiều địa phương đã phối hợp triển khai có hiệu quả các Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế chính sách đặc thù, có nhiều sáng tạo đổi mới trong tổ chức và phương thức hoạt động, hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Ngoài việc tổ chức ít nhất 2 kỳ họp thường lệ, HĐND cấp tỉnh đã tổ chức từ 3 đến 6 kỳ họp chuyên đề; các địa phương đã ban hành từ 35 đến 190 Nghị quyết, tạo cơ sở pháp lý để thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra. Hoạt động giám sát của HĐND tiếp tục được nâng cao, kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri đạt kết quả cao (87,6%). Nhiệm vụ tiếp công dân, tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân kịp thời, đúng quy định, do vậy các cơ quan đã thụ lý, giải quyết đạt hơn 89%...

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của HĐND cấp tỉnh, thành phố vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Vẫn còn tình trạng UBND chậm gửi tài liệu cho các Ban của HĐND trước kỳ họp, gây ảnh hưởng đến báo cáo thẩm tra của các Ban. Hoạt động chất vấn ở một số nơi vẫn còn hình thức; tổ đại biểu HĐND và các đại biểu còn lúng túng về phương pháp giám sát sau chất vấn. Việc đôn đốc, theo dõi kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiến nghị cử tri có nơi còn chậm; chưa có quy định về cơ chế phối hợp, xử lý, giải quyết các kiến nghị của cử tri giữa Trung ương và địa phương; chưa có chế tài xử lý trách nhiệm với các tổ chức, cá nhân không giải quyết kịp thời, dứt điểm.

Đặc biệt, các tỉnh còn để xảy ra sai phạm trong quản lý, sử dụng ngân sách Nhà nước, tài sản công, đầu tư công, nhất là lĩnh vực đất đai, quản lý tài nguyên, môi trường; trong việc huy động, quản lý và phân bổ các nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, trong việc mua sắm, đấu thầu thuốc, thiết bị, vật tư y tế; việc phối hợp và triển khai thực hiện các cuộc giám sát chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại một số tỉnh, thành phố còn thiếu tích cực, gửi báo cáo giám sát chậm, chất lượng báo cáo còn hạn chế…

Tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng kỳ họp

Phát biểu thảo luận tại Hội nghị, đại diện của HĐND một số tỉnh, thành cho rằng cần tiếp tục nâng cao chất lượng kỳ họp của HĐND; nâng cao chất lượng hoạt động giám sát, thực hiện có hiệu quả cao các cuộc giám sát; tiếp tục nâng cao vai trò của Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, các Tổ đại biểu HĐND và mỗi đại biểu HĐND; tích cực tham gia các chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội, các chương trình hoạt động của Quốc hội tại địa phương; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền và ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số...

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị HĐND các tỉnh, thành cần tiếp tục xây dựng, thực hiện Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng kỳ họp, chất lượng hoạt động, công tác tiếp xúc cử tri, hoạt động giám sát chất vấn, trả lời chất vấn... Đồng thời tăng cường sử dụng chuyên gia, cộng tác viên trong tổ chức hoạt động của HĐND; mỗi kỳ họp của HĐND nên có đề án riêng về công tác truyền thông theo từng phiên họp và theo từng kỳ họp...

Theo ông Trần Thanh Mẫn, trong năm 2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Ban Công tác đại biểu chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan và HĐND các tỉnh, thành phố xây dựng Đề án “Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo và trách nhiệm giám sát, hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với hoạt động của HĐND các cấp. Vì vậy, đề nghị Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố tích cực đóng góp cụ thể vào dự thảo Đề án và dự thảo Nghị quyết để khi ban hành đáp ứng được yêu cầu thực tiễn”.

Đọc thêm