Hoạt động tư pháp với người chưa thành niên: Cần quan tâm đến nhạy cảm giới

(PLVN) - Thực tế đã và đang cho thấy, người chưa thành niên là người chưa phát triển đầy đủ về thể chất, tình cảm, nhận thức dẫn tới thiếu kiến thức xã hội, pháp luật, khó kiểm soát cảm xúc, hạn chế trong việc bảo vệ bản thân, phòng, tránh rủi ro và các hành vi nguy hiểm... Đây là nhóm dễ bị tổn thương trong xã hội nên cần được bảo vệ và chăm sóc đặc biệt, nhất là trong hoạt động tư pháp.
Hội LHPN Việt Nam đã tổ chức hội nghị phản biện xã hội dưới góc độ giới với dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên. (Nguồn: PV)
Hội LHPN Việt Nam đã tổ chức hội nghị phản biện xã hội dưới góc độ giới với dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên. (Nguồn: PV)

Nhạy cảm giới trong tư pháp với người chưa thành niên

Thực tiễn thi hành pháp luật về tư pháp người chưa thành niên thời gian qua cho thấy bên cạnh những kết quả tích cực góp phần xóa bỏ định kiến, kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người phạm tội là người dưới 18 tuổi thì cũng tồn tại không ít hạn chế, bất cập. Một trong số đó là những bất cập liên quan đến vấn đề giới tồn tại trong pháp luật về tư pháp người chưa thành niên. Mới đây, Hội LHPN Việt Nam đã tổ chức Hội nghị phản biện xã hội dưới góc độ giới với dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên đang được xây dựng, lấy ý kiến.

Con số đưa ra tại Hội nghị phản biện cho thấy, theo “Báo cáo tình hình người dưới 18 tuổi phạm tội và bị hại trong các vụ án hình sự năm 2021 tại Việt Nam của Viện KSNDTC, Liên minh Châu Âu và UNICEF (2023) cho thấy, có tới 96,17% tội phạm bị khởi tố bị can là nam giới; tỷ lệ này ở nữ giới chỉ là 3,83%. Báo cáo tình hình người dưới 18 tuổi phạm tội và bị hại trong các vụ án hình sự năm 2021 tại Việt Nam cũng cho thấy, năm 2021 các loại tội phạm có tỷ lệ người dưới 18 tuổi phạm tội bị khởi tố cao là: Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (chiếm 21,35%); Tội trộm cắp tài sản (18,9%); Tội gây rối trật tự công cộng (15,38%)... Tuy nhiên, đa số phạm tội lần đầu (chiếm 98,66%); tỷ lệ tái phạm là 1,28%; tái phạm nguy hiểm chiếm tỷ lệ thấp (0,06%).

Nhận định về con số này, PGS.TS Dương Kim Anh - Phó Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam nêu quan điểm, người chưa thành niên là người dưới 18 tuổi, chưa phát triển đầy đủ về thể chất, tâm lý và kinh nghiệm sống, trình độ nhận thức còn hạn chế. Ở độ tuổi này, sự phát triển tâm, sinh lý phức tạp có ảnh hưởng đáng kể tới nhận thức và hành vi của người chưa thành niên, dễ dẫn đến các hành vi sai trái, hành vi lệch chuẩn. Đặc biệt, với người chưa thành niên có hoàn cảnh đặc biệt như nghèo đói, trẻ khuyết tật, cha mẹ ly hôn, gia đình bất hoà, dễ có những cảm xúc và hành vi tiêu cực. “Do đó, hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội cần lưu ý tính nhân văn, tính giáo dục, ngăn ngừa tái phạm, để người phạm tội chưa thành niên có cơ hội sửa chữa sai lầm, tiếp tục vươn lên trong cuộc sống”, theo bà Dương Kim Anh.

Cũng theo PGS.TS Dương Kim Anh, nam, nữ chưa thành niên có nhu cầu, có đặc điểm tâm, sinh lý khác nhau, nên các thủ tục tố tụng đối với người chưa thành niên là người phạm tội, bị hại, người làm chứng cần có tính nhạy cảm giới. Việc lấy lời khai, đối chất, việc xem xét dấu vết cơ thể, việc giám sát, điều kiện vật chất, nhà vệ sinh, nơi tắm rửa, giặt giũ cần lưu ý an toàn về thân thể cũng như nhân phẩm của người chưa thành niên...

Trao đổi về các vấn đề giới tồn tại trong dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên, bà Dương Kim Anh cho biết, dù dự thảo Luật đã đề cập đến nội dung “quan tâm đến các nhu cầu chính đáng của người chưa thành niên do giới tính” nhưng vẫn chưa bao quát hết các vấn đề giới trong tư pháp người chưa thành niên; việc bảo đảm an toàn cho người chưa thành niên là người bị hại, người làm chứng trong quá trình tố tụng theo quy định của pháp luật mới chỉ nói chung chung, chưa nói rõ việc bảo vệ quyền và nhân phẩm; hoạt động tư pháp người chưa thành niên cần có sự tham gia của các nhân sự, các chuyên gia có hiểu biết về tâm lý học, khoa học giáo dục, về xã hội học, đặc biệt là xã hội học giới.

“Cần rà soát bổ sung, nhấn mạnh rằng tư pháp người chưa thành niên quan tâm bảo vệ quyền con người, nhân phẩm con người, nghiêm cấm kỳ thị, không phân biệt đối xử, đặc biệt là phân biệt đối xử theo giới. Các dịch vụ hỗ trợ tư pháp người chưa thành niên cần đáp ứng nhu cầu giới và người thực hiện bảo vệ tư pháp người chưa thành niên, đặc biệt là nhu cầu giới thực tế, nhu cầu giới chiến lược. Đặc biệt là cần thúc đẩy vai trò, trách nhiệm của nhà trường và xã hội, bên cạnh trách nhiệm của cha mẹ, gia đình...” - bà Dương Kim Anh đề xuất.

Một phiên tòa thân thiện dành cho người chưa thành niên được VKSND quận 8, TP HCM phối hợp với TAND quận 8 tổ chức xét xử vụ án trộm cắp tài sản với bị cáo chưa đủ 18 tuổi. (Ảnh minh họa - Nguồn: kiemsat.vn)

Một phiên tòa thân thiện dành cho người chưa thành niên được VKSND quận 8, TP HCM phối hợp với TAND quận 8 tổ chức xét xử vụ án trộm cắp tài sản với bị cáo chưa đủ 18 tuổi. (Ảnh minh họa - Nguồn: kiemsat.vn)

Băn khoăn về mức độ trưởng thành của người chưa thành niên

Điều 6 dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên có quy định theo đó thủ tục tố tụng đối với người chưa thành niên phải “bảo đảm đơn giản, thân thiện, gần gũi, phù hợp với tâm lý lứa tuổi, mức độ trưởng thành và khả năng nhận thức của người chưa thành niên”. Từ góc độ là một trong những nữ luật sư từng tham gia nhiều vụ việc liên quan đến người chưa thành niên, Luật sư Trương Thị Hòa - Đoàn Luật sư TP HCM đưa ra quan điểm, dự thảo Luật cần có quy định cụ thể hơn về “mức độ trưởng thành và khả năng nhận thức” của người chưa thành niên. “Hai vấn đề này, trong các văn bản của Liên hợp quốc liên quan đến vấn đề trẻ em đã quy định rất rõ, có định lượng thay vì định tính chung chung. Ví dụ như “mức độ trưởng thành” thể hiện qua sự trưởng thành về thể chất, tinh thần, trí tuệ...; “khả năng nhận thức” thể hiện qua việc đã có ý thức được về hành vi phạm tội hay chưa...”, bà Hòa phân tích.

Cũng từ góc nhìn về sự trưởng thành của người chưa thành niên phạm tội, bà Đoàn Minh Hiên, đại diện Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam chỉ ra, định nghĩa về người chưa thành niên được quy định dự thảo Luật bao gồm: người chưa thành niên phạm tội, người chưa thành niên bị buộc tội, người chưa thành niên là bị hại, người chưa thành niên là người làm chứng, người chưa thành niên được áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng, người chưa thành niên chấp hành biện pháp xử lý chuyển hướng, người chưa thành niên là người chấp hành án. Theo bà Đoàn Minh Hiên, định nghĩa này chưa bao gồm các trường hợp phạm tội hoặc khi bị tội phạm gây thiệt hại chưa đủ 18 tuổi, nhưng trong quá trình tiến hành các hoạt động xử lý, họ đã đủ 18 tuổi.

“Những trường hợp này vẫn cần được tiếp tục hưởng những quyền như có người tiến hành tố tụng chuyên môn, có sự tham gia tố tụng của người đại diện, nhà trường, các tổ chức... Bởi lẽ dù qua tuổi 18 nhưng vẫn trong quá trình xử lý, trẻ vẫn chưa có sự hoàn thiện nhất định về mặt tâm lý, nếu ngắt quãng các quyền này có thể gây ra những phản ứng “sốc tâm lý” đối với trẻ. Chúng ta nên cân nhắc có những quy định về độ tuổi chuyển tiếp, mang tính chất quá độ để người chưa thành niên trong quá trình tiến hành các hoạt động xử lý trở thành người đã thành niên vẫn được áp dụng những ưu tiên nhất định”, bà Đoàn Minh Hiên đề xuất.

Đọc thêm