Học Bác cách ứng xử nhân văn với thiên nhiên

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Năm 1959, tại Lễ phát động trồng cây lần đầu tiên, Bác Hồ đã nói: “Mùa xuân là Tết trồng cây/Làm cho đất nước càng ngày càng xuân”. Trải qua hơn 6 thập kỷ, câu nói của Bác vẫn là nguồn động lực, cảm hứng lớn lao thúc đẩy các phong trào thi đua trồng cây cả nước, trở thành một tập quán tốt đẹp của Nhân dân ta.
Bác Hồ cùng cán bộ, nhân viên trồng cây trong Phủ Chủ tịch. (Ảnh tư liệu)
Bác Hồ cùng cán bộ, nhân viên trồng cây trong Phủ Chủ tịch. (Ảnh tư liệu)

Hãy vì lợi ích 10 năm trồng cây…

Từ “Tết trồng cây” Bác phát động, đến nay đã có rất nhiều “Tết trồng cây” khác do các đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân tổ chức và thực hiện. Hàng ngàn, hàng triệu cây xanh được vun trồng, bám rễ sâu vào đất mẹ, vươn lên với sức sống kiên cường, đóng góp cho thiên nhiên, cuộc sống tươi đẹp. Phong trào đáng chú ý nhất phải kể tới đầu năm 2021, Chính phủ phát động trồng 1 tỷ cây xanh. Đây không chỉ là việc làm thiết thực mà còn là biểu hiện của nghĩa cử “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Phong cách sống giản dị, đức độ, hài hoà của Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là tấm gương đẹp đẽ về sự gắn kết giữa con người về thiên nhiên. Bác yêu thiên nhiên như tình yêu với đất nước và với con người. Đến nay, rất nhiều sách vở, báo đài và tài liệu sử sách đã ghi lại những câu chuyện làm minh chứng cho thấy Bác luôn chú ý và trân trọng môi trường sinh thái.

Kể rằng, sau gần 30 năm ở bôn ba nước ngoài tìm đường cứu nước, Bác trở về Tổ quốc, trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng. Lúc ấy, Bác đã sống ở hang núi Pác Bó (tỉnh Cao Bằng) trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn nhưng vẫn tràn đầy tinh thần lạc quan cách mạng. Trong suốt cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng di chuyển lên Việt Bắc, nơi ở của Bác cũng chỉ là một ngôi nhà sàn bé hoặc mái lá đơn sơ. Những năm tháng ở Thủ đô Hà Nội, Bác sống và làm việc trong ngôi nhà sàn luôn chan hòa với tự nhiên. Bác trồng cây, trồng rau trong vườn, thả cá dưới hồ và không cho phép ai xua đuổi, săn bắn chim trong vườn. Dù trong hoàn cảnh nào, Bác vẫn luôn tìm đến những nơi làm việc và sinh hoạt gần gũi và hoà mình với thiên nhiên, với bờ suối, rừng cây, đất trời, sông núi…

Lại nói đến một câu chuyện khác khi Bác về thăm, chúc Tết Nhân dân xã Vật Lại, huyện Ba Vì nhân dịp Tết Kỷ Dậu. Bữa trưa, Bác dùng cơm mang theo ngay tại đồi cây. Thấy đồng chí Bí thư xã băn khoăn, Bác liền bảo: “Đi chơi xuân nơi đồi núi thơ mộng thế này thì phải lấy trời làm màn, đất làm chiếu. Thảm cỏ sạch thế này tôi nằm nghỉ ngay đây, có khoái không?”. Hay nói đến một ngày giáp Tết nọ, các cụ già xã Nhật Tân tặng Bác cây đào. Bác vui vẻ dặn dò: “Sang năm, các cụ và Nhân dân trong xã không phải tặng tôi cây đào khác nữa. Tôi sẽ tự trồng cây đào này ngay tại vườn nhà và cố gắng chăm bón thật tốt để mùa xuân tiếp theo lại có hoa đào Nhật Tân để chơi xuân”.

Hình ảnh Bác Hồ cầm xẻng, cuốc trồng cây đã trở nên thân thuộc. (Ảnh tư liệu)

Hình ảnh Bác Hồ cầm xẻng, cuốc trồng cây đã trở nên thân thuộc. (Ảnh tư liệu)

Bác từng gợi ý mọi người cứu sống một cái rễ đa, một cây râm bụt mọc bên bờ ao, nhắc nhở anh em giúp việc không chặt cây, bẻ cành, bởi việc chặt bỏ một cây thì dễ nhưng trồng được cây to bóng mát thì phải mất hàng chục năm. Có người kể lại rằng, nhà nhiếp ảnh Đinh Đăng Định khi chụp ảnh định bẻ một cành cây nhỏ cho khỏi vướng ống kính liền được Bác ngăn lại. Hay trong Lễ chào mừng ngày Quốc khánh 2/9/1957, Ban Tổ chức cho duyệt binh thử tại Quảng trường Ba Đình, định chặt một cái cây vì vướng đường đi, Bác liền khuyên: “Các cô, các chú chịu khó khắc phục, cây ấy là do ông cha ta trồng chứ có phải Bác cháu ta trồng đâu mà đòi chặt”.

Lúc Bác còn sống, Nhân dân cũng luôn thấy được hình ảnh thân thuộc của Bác gương mẫu cầm cuốc, xẻng để trồng cây, chăm sóc cây. Những cây đa tự tay Bác trồng ở công viên Thống Nhất (11/1/1960), ở xã Đông Hội huyện Đông Anh (31/1/1965), ở xã Vật Lại huyện Ba Vì (Xuân Kỷ Dậu 1969) vẫn còn hiên ngang, sừng sững đến nay. Bác đã đề xướng, phát động Phong trào “Tết trồng cây”, trồng cây gây rừng, phủ xanh đất trống, đồi trọc. “Việc này ít tốn kém mà lợi ích lại nhiều” - Bác viết trong bài báo “Tết trồng cây” kêu gọi người người trồng cây, nhà nhà trồng cây vào tháng 1/1959. Trong bài báo khác của Người, “Nông dân phải trồng cây chuẩn bị làm nhà ở” vào khoảng tháng 5/1959, Bác viết: “Muốn làm nhà cửa tốt/Phải ra sức trồng cây/Chúng ta chuẩn bị từ rày/Dăm năm sau, sẽ bắt tay dựng nhà”.

Chắc hẳn, hầu như ai cũng biết đến câu nói nổi tiếng của Bác “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”. Theo lời Người căn dặn, phải bắt đầu từ việc chăm sóc cây mới trồng, từng con người mới lớn, từng tấm gương người tốt, việc tốt xuất hiện ở trong cuộc sống hàng ngày của hàng triệu triệu quần chúng Nhân dân lao động trong cả nước. Phải có nhiều cây mới thành rừng, phải có nhiều người tốt mới thành một xã hội tốt đẹp.

Trong Di chúc, Bác cũng không quên nhắc nhở mọi người trồng cây: “... Nên có kế hoạch trồng cây trên đồi. Ai đến thăm thì trồng một cây làm kỷ niệm. Trồng cây nào phải tốt cây ấy. Lâu ngày, cây nhiều thành rừng sẽ tốt cho phong cảnh và lợi cho nông nghiệp” (trích Hồ Chí Minh toàn tập).

“Hãy là một phần của kế hoạch đa dạng sinh học”

Bác Hồ trồng cây đa tại xã Vật Lại, Ba Vì (Hà Tây cũ). (Ảnh tư liệu)

Bác Hồ trồng cây đa tại xã Vật Lại, Ba Vì (Hà Tây cũ). (Ảnh tư liệu)

Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm đến bảo vệ môi trường trước cả khi có những công ước quốc tế về môi trường, đa dạng sinh học hay biến đổi khí hậu - thậm chí tại thời điểm đó những vấn đề này vẫn chưa nổi cộm, nhức nhối như hiện giờ. Bác cũng đã sớm cảnh báo hậu quả của việc khai thác rừng bừa bãi, gây tác hại đến tài nguyên, môi trường sinh thái của con người. Bác gọi tệ nạn phá rừng là hành vi “đem vàng đổ xuống biển”.

Quả thực, đến nay khi nạn phá rừng trở thành vấn đề nhức nhối, ô nhiễm nguồn nước diễn ra ở nhiều nơi với tốc độ đáng báo động, môi trường đất ngày suy thoái trầm trọng, con người phải hứng chịu những hậu quả ngày càng cực đoan hơn từ thời tiết, thiên tai, dịch bệnh,… Bối cảnh hiện tại yêu cầu con người phải bỏ ra nhiều tiền của, công sức, nguồn lực hơn nữa để phục hồi lại rừng và hệ sinh thái. Những lời răn dạy của Bác vượt qua các thời đại, đến nay vẫn còn khiến chúng ta phải thấm thía, suy ngẫm.

Sắp tới đây là Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học 22/5/2024, Liên hợp quốc đã lựa chọn chủ đề “Hãy là một phần của kế hoạch đa dạng sinh học”. Đây là thông điệp và cũng là lời kêu gọi các bên liên quan cùng tham gia, đóng góp vào việc thực hiện “Khung Đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh - Montreal (GBF)”, hướng tới ngăn chặn, giảm bớt sự suy giảm đa dạng sinh học trong thập kỷ “Phục hồi hệ sinh thái”.

Hưởng ứng, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đề ra nhiều khẩu hiệu như: “Đa dạng sinh học là nền tảng của mọi sự sống trên trái đất”, “Đa dạng sinh học - Giá trị cuộc sống từ thiên nhiên”, “Bảo vệ muôn loài, bảo vệ cuộc sống”, “Hợp tác xuyên biên giới vì sự sống trên trái đất”, “Bảo tồn thiên nhiên là tiền đề của phát triển bền vững”…

Trong nỗ lực thực hiện các mục tiêu đầy tham vọng trong GBF, thời gian qua, Việt Nam đã và đang triển khai nhiều hành động cụ thể. Trong đó, việc hoàn thiện hành lang pháp lý để hỗ trợ công tác bảo tồn đa dạng sinh học là một trong những hành động tiên quyết, bao gồm: tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các cơ chế, chính sách liên quan đến quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia, xác định các đối tượng cần phải ưu tiên bảo vệ, bảo tồn từ nay tới 2030; vấn đề về bảo tồn các loài nguy cấp, quý hiếm, được ưu tiên bảo vệ; kiểm soát các loài ngoại lai xâm hại; xây dựng cơ sở dữ liệu quan trắc đa dạng sinh học...

Đồng thời, Việt Nam cũng chú trọng việc xây dựng năng lực cho cán bộ; nâng cao nhận thức về bảo tồn đa dạng sinh học; khởi xướng những vấn đề liên quan đến lồng ghép đa dạng sinh học trong các ngành, lĩnh vực, như gắn bảo tồn đa dạng sinh học với du lịch dựa vào thiên nhiên, hoặc những dự án, nhiệm vụ áp dụng các sáng kiến giải pháp dựa vào thiên nhiên vừa bảo tồn đa dạng sinh học, vừa thích ứng, giảm nhẹ biến đổi khí hậu; tiếp cận dựa vào hệ sinh thái...

Ngày nay, các chính phủ và dư luận kêu gọi lối sống xanh, chuyển đổi xanh, tăng cường cam kết trồng cây, gây rừng, bảo vệ môi trường, phục hồi hệ sinh thái. Ngẫm lại, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã từng căn dặn anh em và Nhân dân cả nước những điều như vậy và chính Bác cũng làm gương cho mọi người noi theo về lối sống gần gũi với thiên nhiên, cũng như nỗ lực bảo vệ và sống hài hoà với tự nhiên.

Đọc thêm