Trong đau thương, thầy cô như một gia đình
Thời gian qua, bão lũ xảy ra tại miền Trung không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến cơ sở vật chất nhà trường như phòng học, trang thiết bị, sách vở, đồ dùng học sinh (HS) mà còn gây ảnh hưởng tới kế hoạch học tập chung.
Nhiều địa phương như Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Quảng Bình, Hà Tĩnh... đã cho HS nghỉ học từ 1 - 4 tuần để phòng tránh bão, lũ lụt. Với tình hình mưa và ngập lụt kéo dài như hiện nay, tình trạng HS nghỉ học ở một số nơi sẽ tiếp tục kéo dài.
Tại buổi giao lưu trực tuyến “Thầy trò vùng lũ bắt nhịp dạy, học” do Báo Giáo dục và Thời đại tổ chức vừa qua, thầy Hà Thanh Quốc, Giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Nam cho biết: Trước mắt, chúng tôi tập trung ổn định tâm lý cho HS. Các trường học đã nhanh chóng bố trí chỗ ở cho HS sớm ổn định nơi ăn ở, sinh hoạt.
Sở đã chỉ đạo cho các điểm trường tổ chức hướng dẫn học tập tại nơi ở của HS trong điều kiện các trường chưa thể tổ chức hoạt động dạy - học được. Ưu tiên trước nhất là phải giữ HS ở lại trường để vừa đảm bảo an toàn cho HS vừa ổn định sĩ số. Các trường có thể linh động sử dụng phòng học để làm chỗ ở tạm thời cho GV và HS trong thời gian chưa thể khắc phục được nhà bán trú.
Về việc học bù, Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo và giao quyền chủ động cho ngành trong việc thực hiện kế hoạch - chương trình giảng dạy. Ngoài sử dụng 2 tuần dự trữ, các trường chủ động trong việc học tăng ca, học bù vào các ngày nghỉ. Một số nội dung có thể hướng dẫn tự học cho HS. Thời khóa biểu dạy bù, các trường sẽ tổ chức theo phân phối tiết học, đảm bảo bù đủ số tiết đã mất theo môn chứ không bù theo thời khóa biểu hành chính.
Trong những vụ sạt lở kinh hoàng ở các xã Trà Vân, Trà Leng, Phước Thành, một số HS mất cả cha mẹ và người thân, trở thành trẻ mồ côi, người đứng đầu ngành GD Quảng Nam bày tỏ: Hiện nay chỉ còn một số điểm trường thuộc bậc học mầm non, tiểu học ở các vùng núi cao như Trà Leng, Trà Vân của huyện Nam Trà My, Phước Lộc, Phước Kim của huyện Phước Sơn.
Đây là những địa phương bị ảnh hưởng bởi sạt lở, trường lớp bị lũ cuốn trôi. Nhiều gia đình học sinh cũng bị nạn trong và sau cơn bão số 9 do bị sạt lở. Rất đau xót là trong và sau cơn bão số 9, nhiều HS cùng với ba mẹ bị tử nạn do sạt lở đất. Đến nay, Quảng Nam có 8 em HS tử vong cùng với cha mẹ. Nhiều em học sinh khác mất cha mất mẹ, mất người thân. Mất mát của các em là quá bất ngờ, quá lớn.
Sự quan tâm, động viên, an ủi của các thầy cô và bạn bè cũng chỉ mang tính chất chia sẻ chứ không thể giúp các em vơi bớt được nỗi đau này. Các trường học có HS có người thân bị nạn trong những vụ sạt lở ở Trà Leng, Trà Vân, Phước Thành, trong những ngày qua, đã chia nhau chăm sóc HS bị thương đang điều trị tại bệnh viện; sát cánh cùng HS trong đau thương, mất mát; nhận đỡ đầu để các em có thêm một gia đình, một chỗ dựa tinh thần.
Tương tự, thầy Nguyễn Quang Hùng, GV Trường Tiểu học, THCS Hướng Linh, Hướng Hóa, Quảng Trị cũng bày tỏ: Thiên tai, mưa lũ thì không thể nói trước được điều gì cả, rất nhiều năm rồi chúng tôi mới chứng kiến một đợt mưa lũ lịch sử như vậy, địa bàn huyện Hướng Hoá là một trong những địa bàn thiệt hại nặng nề nhất.
Có lẽ những hình ảnh nước lũ cuốn trôi mọi thứ, hình ảnh sạt lở, hình ảnh tang thương trong những trận bão lụt xảy ra làm các em học sinh đã rất sợ, hoang mang, lo lắng và cảm thấy bất an khi phải sống trong môi trường như thế.
Để ổn định lại tâm lí, động viên các em học sinh an tâm học tập khi trở lại trường học sau nghỉ tránh lũ, các thầy cô đã đến tận từng gia đình học sinh thăm hỏi, chia sẻ những khó khăn, thiệt hại của gia đình các em, an ủi, động viên các em và gia đình khắc phục thiệt hại và vượt qua khó khăn để trở lại trường lớp tiếp tục học tập. Những lúc như thế này chính đội ngũ giáo viên chúng tôi là chỗ dựa tinh thần động viên các em học sinh vượt qua khó khăn, đặc biệt là những em có hoàn cảnh éo le do mưa lũ.
Và ngổn ngang khó khăn sau lũ
Cùng với đó, là những khó khăn trong việc dạy chương trình lớp một mới, khi thời gian nghỉ quá dài. Thầy Lê Minh Quốc, Hiệu trưởng Trường Tiểu học -THCS Hướng Linh, Hướng Hóa, Quảng Trị cho biết: Trên thực tế có một số trường do mưa bão đã chậm chương trình đến 3 tuần và thậm chí hiện nay vẫn có 1 điểm trường chưa tổ chức dạy học được.
Chính vì vậy nếu tổ chức dạy bù với thời gian trên thì ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến việc bổ trợ kiến thức cho học sinh. Bên cạnh đó năm học này là năm đầu tiên thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới (2018), năm đầu tiên thực hiện đổi mới SKG lớp 1. Theo chương trình này thì lớp 1 phải học 2 buổi/1 ngày nên việc tổ chức dạy bù cho học sinh lớp 1 cũng gặp nhiều khó khăn về mặt thời gian.
Theo thầy Nguyễn Quang Hùng, là địa phương thường xuyên chịu nhiều thiệt hại do thiên tai gây ra, chính vì vậy trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, chúng tôi có những phương án để đối phó với mưa bão và sớm triển khai việc dạy và học cho học sinh đáp ứng yêu cầu của ngành đề ra. Năm 2020 là một năm đặc biệt, học sinh hết nghỉ học do dịch bệnh Covid-19 thì các em lại đối diện với mùa mưa bão lịch sử.
Từ đầu năm học 2020-2021 đến nay đã xảy ra nhiều đợt lũ lụt xảy ra trên địa bàn. Bắt đầu từ cơn bão số 4, tùy theo địa bàn từng trường mà các trường chủ động cho học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn cho giáo viên và học sinh. Riêng đối với Trường TH&THCS Hướng Linh thì nhà trường đã cho học sinh nghỉ học tổng cộng 3 tuần.
Để bù đắp kiến thức cho học sinh sau những ngày nghỉ học, nhà trường đã chỉ đạo dạy bù, đối với bậc tiểu học thì tăng thời lượng môn Tiếng Việt nhằm duy trì việc tăng cường Tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số. Tăng cường rèn Toán cho các em để các em nắm vững kiến thức, đặc biệt là kiến thức cơ bản. Tuy nhiên đối HS lớp 1 là lớp đầu tiên thực hiện chương trình GDPT 2018 nên việc dạy bù đã gặp phải khó khăn về mặt thời gian.
Là người trong cuộc, thầy Hà Thanh Quốc cho biết thêm: Về giáo viên, trở ngại khó khăn lớn nhất là vấn đề đi lại. Con đường từ nhà đến trường phải đi qua rất nhiều điểm sạt lở (vừa được khắc phục tạm) khiến giáo viên bất an khi đi qua những điểm nguy hiểm này (vì chỉ cần một cơn mưa đủ lớn cũng có thể gây ra sạt lở bất cứ lúc nào).
Bên cạnh đó toàn thể cán bộ, giáo viên và nhân viên phải cố gắng hết sức mình để khắc phục hậu quả sau bão lũ. Giáo viên còn phải dạy bù để kịp tiến độ thực hiện khung thời gian và chương trình dạy học. Đây cũng là vấn đề làm cho giáo viên vất vả hơn trong quá trình tổ chức dạy học sau bão lũ…
Không dồn ép kiến thức
Để đảm bảo an toàn và quyền lợi cho HS vùng lũ, PGS-TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD-ĐT cho biết, trong kế hoạch năm học có khoảng thời gian dự phòng dành cho trường hợp thiên tai, bão lũ bất thường.
Do đó, các trường học cần chủ động, linh hoạt trong việc tinh giản chương trình; điều chỉnh các bài kiểm tra giữa kỳ, cuối kỳ phù hợp với đặc điểm từng trường; đảm bảo HS tiếp thu được các kiến thức cơ bản; tuyệt đối không gây quá tải chương trình cho HS khi quay trở lại trường học tập.
Hơn nữa, từ kinh nghiệm của đợt dịch Covid-19, các Sở GD-ĐT cần chỉ đạo trường có nhiều phương án tổ chức dạy học: Trực tiếp, trực tuyến, dạy học qua truyền hình. Trường hợp HS phải nghỉ học dài hơn do mưa lũ thì có thể phải tiếp tục triển khai dạy học qua truyền hình, dạy học trực tuyến tương tự trong dịch Covid-19.
Bộ GD-ĐT sẽ có hướng dẫn chung về việc giảm bớt thời gian thực hiện chương trình. Theo đó, các địa phương có thể chủ động thời gian dạy học, thời điểm kiểm tra học kỳ 1, thực hiện học kỳ 2, chỉ tập trung vào nội dung giáo dục trọng tâm để đảm bảo yêu cầu tối thiểu của chương trình.
Về việc nhiều trường cho học sinh nghỉ dài phòng chống bão lũ, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ lưu ý các trường học có thể linh hoạt sắp xếp kế hoạch dạy học của trường ứng với điều kiện thực tế.
“Sau khi học sinh đi học trở lại, các trường có thể giãn chương trình, xây dựng kế hoạch dạy bù. Tuy nhiên, kế hoạch dạy bù cần phù hợp để học sinh được học nhẹ nhàng, tránh tình trạng dồn ép, đảm bảo học sinh tiếp thu được các kiến thức cơ bản, đồng thời có kế hoạch củng cố kiến thức cho học sinh sau đợt nghỉ do mưa lũ…