Học Sử đâu chỉ ở nhà trường…

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Mỗi dân tộc đều có hồn thiêng oai linh. Lịch sử nước Việt có thần Tản Viên, thần sông Đà, Lạc Long Quân, Âu Cơ, Quốc tổ Vua Hùng, có những vị thánh hiền thời Lý, thời Trần… - thiêng liêng mà vô cùng gần gũi qua các câu chuyện kể, các địa danh, di vật còn lưu danh. Do đó, lòng yêu mến quê hương, yêu cội nguồn dân tộc trong mỗi người con đất Việt, không đợi phải cắp sách đến trường mới có, mà hàng ngày, hàng giờ đã được hun đúc từ chiếc nôi gia đình, làng xóm…
Trong khi chờ đợi chương trình Lịch sử hoàn thiện hơn, mỗi bậc cha mẹ hoàn toàn có thể dạy những bài học gần gũi đời thường cho con mình để hun đúc trong con tình yêu lịch sử.
Trong khi chờ đợi chương trình Lịch sử hoàn thiện hơn, mỗi bậc cha mẹ hoàn toàn có thể dạy những bài học gần gũi đời thường cho con mình để hun đúc trong con tình yêu lịch sử.

Yêu đất nước qua lời ru của mẹ

Trong ca khúc “Đất nước lời ru” của nhạc sĩ Văn Thành Nho có câu: “Ru con mẹ ru con tiếng ru cả cuộc đời/ Ru con lời ru cất lên từ ngàn đời/Mẹ Âu Cơ từ xa xưa đi khai thiên lập địa/Lạc Long Quân cùng bao con đi ra nơi biển cả/Ðể đất nước mãi rực rỡ/Một gấm vóc mãi rạng rỡ/Qua bao gian lao Việt Nam ta/Ôi bao yêu thương Việt Nam ta/Ngàn lời ru trong bão giông/Mà ngọt ngào sao câu dân ca”…

Quả đúng là như vậy, Việt Nam - đất nước của tình yêu, thơ ca, cũng là đất nước thấm đượm các bài ca dao và lời ru của mẹ, thế nên, với mỗi người Việt Nam, qua những lời ru tha thiết, tình yêu đối với cha mẹ, ông bà, anh em, tình vợ chồng thủy chung son sắt đến lòng yêu quê hương, đất nước được nuôi dưỡng, hun đúc.

Yêu quê hương, đất nước là yêu nơi có mẹ và lời ru của mẹ: “Hải Vân bát ngát nghìn trùng/Hòn Hồng ở đấy là trong Vịnh Hàn/Nhà Bè nước chảy phân hai/Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về/Đồng Tháp Mười cò bay thẳng cánh/Nước Tháp Mười lóng lánh cá tôm”… Thật vậy, bởi ngay từ tấm bé, qua lời ru của mẹ, tình yêu quê hương như tấm gương phản chiếu tâm hồn dân tộc, là tinh thần tự hào, tự tôn về vẻ đẹp và cảnh trí non sông, như nhà thơ Nga Êrenbua đã từng nói: “Lòng yêu nhà, yêu làng xóm trở nên tình yêu Tổ quốc”…

Có một thực tế rằng, ở thời đại ngày nay, tiếng ru mai một dần nơi các bà mẹ, khiến nhiều người lo lắng. Nhưng, “người ta có thể tách con người ra khỏi quê hương, nhưng không thể tách quê hương ra khỏi con người”, thế nên, dòng chảy của tình yêu đất nước, yêu lịch sử quê nhà vẫn âm ỉ tuôn trào trong những con người Việt Nam.

Còn nhớ, vào những giai đoạn căng thẳng chống dịch của năm 2021, câu chuyện của nữ điều dưỡng Phùng Thị Hạnh - Bệnh viện Quân y 103 đã khiến nhiều người xúc động. Người mẹ ấy xung phong vào tuyến đầu chống dịch ở Bắc Giang với nỗi nhớ con da diết, mỗi lần nhớ con bầu ngực nhói đau vì sữa tràn về. Chung một nỗi niềm, nhớ lại những lần xa con nhỏ nhận nhiệm vụ lên đường, nữ Trung tá quân nhân chuyên nghiệp Vũ Thị Huyền Ngọc - Nhà Văn hóa, Cục Chính trị, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã viết lên ca khúc “Lời ru nơi tuyến đầu” dựa theo ý thơ của nghệ sĩ Bá Môn” “Ngủ đi con yêu đêm nay mẹ không về/Nơi tuyến đầu Tổ quốc gọi tên/Ngủ đi con yêu bao bệnh nhân nguy kịch từng giờ/Từng mạng sống đang cần mẹ, con ơi!...”.

Dẫn dắt con tìm về với lịch sử dân tộc

Hiện nay nhiều cha mẹ khuyến khích con học những môn thực tế như Ngoại ngữ, Toán, Kinh tế… vì cho rằng Sử chỉ là môn phụ. Tuy nhiên, họ không hiểu, có rất nhiều bài thi ở những môn học khác cũng có các câu hỏi, kiến thức yêu cầu người học phải có hiểu biết về các khía cạnh lịch sử. Và như GS - Viện sĩ Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã chia sẻ, nhiều em chọn một nghề nghiệp khác để theo đuổi nhưng vẫn yêu quý và tìm hiểu lịch sử, như vậy kiến thức không bị lệch lạc. Vì vậy, hun đúc cho con lòng yêu quý lịch sử dân tộc ngay từ trong gia đình là điều đáng làm và đáng trân trọng.

Truyền đạt và bồi đắp tình yêu cội nguồn dân tộc - đó là trách nhiệm của mỗi người chứ không riêng gì ngành giáo dục, giáo viên.

Truyền đạt và bồi đắp tình yêu cội nguồn dân tộc - đó là trách nhiệm của mỗi người chứ không riêng gì ngành giáo dục, giáo viên.

Nhiều ông bố, bà mẹ đã và đang làm được điều đó. Trong gia đình của cô Phạm Thị Kim Duyên - giáo viên môn Vật lý, Trường THCS dân lập Đoàn Thị Điểm, Hà Nội, những bài học Lịch sử được thu xếp để xuất hiện mọi lúc, mọi nơi. Đó là các dịp lễ lớn, khi cả nhà quây quần xem các thước phim tài liệu hay về các giai đoạn lịch sử dân tộc. Cùng xem với con và giải thích thêm cho con về bối cảnh lịch sử của đoạn phim, hai người con của cô giáo Kim Duyên đã lớn lên, tắm mình trong bầu không khí của tình yêu lịch sử nước nhà như thế.

Với bà mẹ Cúc Hà - Trường Mầm non song ngữ Justkids (Hà Nội) khi thấy các con làm bài tập về nhà, sưu tầm tài liệu và hình ảnh liên quan đến bài học Sử, chị vẫn thường vào mạng tìm tài liệu cùng con. Hàng ngày, chị thường kể những câu chuyện thú vị liên quan đến các sự kiện để các con nắm. Thậm chí, đó là những câu chuyện thời bao cấp mà bố mẹ đã trải qua để các con không quên một thời gian khổ của dân tộc.

Với chị Nguyễn Thùy, chị không có tham vọng rèn cho con có bộ nhớ hoàn hảo bằng cách dồn ép một khối lượng lớn kiến thức lịch sử. Chỉ là khi sự tò mò tìm hiểu, khám phá trong con trỗi dậy, chị đã tỉ mỉ “mớm” cho con những câu chuyện hay trong tầm hiểu biết để con lắng nghe.

“Tôi và con gái mình có cách học sử khá đặc biệt qua từng vòng xe lăn bánh. Những bảng tên đường phố có sức hút đặc biệt với bé con. Xe qua con đường nào, tiếng thỏ thẻ sau lưng tôi lại vang lên: “Huỳnh Thúc Kháng là ai hở mẹ?”, “Hùng Vương là ai hở mẹ?”, “Lê Lợi là ai hở mẹ?”. Tôi và con thỏa thuận sẽ chọn một câu chuyện hay về danh nhân được đặt tên cho con đường mình đi qua. Lúc thì con kể về Trần Hưng Đạo hai lần đại thắng quân Nguyên - Mông, lúc thì tôi kể về người anh hùng áo vải phất ngọn cờ đánh thắng giặc Minh, khi thì con ngân nga bài thơ về Bà Triệu cưỡi voi ra trận, khi thì tôi đọc bài thơ “Qua đèo Ngang” nổi tiếng của Bà Huyện Thanh Quan… Những câu chuyện về người xưa nối dài hành trình yêu thương của hai mẹ con. Giờ thì con đã nhớ về Mạc Đĩnh Chi với nghị lực của con nhà nghèo bắt đom đóm bỏ vào vỏ trứng để học, về Cao Bá Quát với quyết tâm rèn nét chữ - nết người, về Hồ Xuân Hương với danh xưng “Bà Chúa thơ nôm”… Dòng xúc cảm trong trẻo lúc ban sơ của các cô bé, cậu bé mới chập chững làm quen việc học ấy đáng quý vô cùng. Các con bắt đầu mường tượng về trang sử hào hùng của dân tộc qua những câu chuyện lịch sử lồng ghép trong các bài tập đọc ở trường và qua các câu chuyện kể của mẹ. Con tôi thì vẫn đang cố gắng vun bồi tình yêu sử trong con trẻ bằng lòng kiên nhẫn của một người mẹ” – chị Thùy cho biết.

Chị Lý Kim Phong Lan – một bà mẹ thế hệ 8X nêu quan điểm: “Trong khi chờ đợi chương trình Lịch sử hoàn thiện hơn, mỗi bậc cha mẹ hoàn toàn có thể dạy những bài học gần gũi, đời thường cho con mình. Suy từ cá nhân mình, tôi còn nhớ học Lịch sử ở trường chỉ qua một quyển sách khá cũ và cô dạy gì thì ghi chép, học thuộc rồi kiểm tra, đi thi. Thỉnh thoảng cô giáo sẽ kể một vài câu chuyện thật hay. Trong suốt những năm tháng học sinh sẽ có những thầy có giọng kể hay, nội dung chuyện kể hấp dẫn thì tiết học thêm sinh động. Đến giờ đã trung niên tôi vẫn còn nhớ những sự kiện đó”.

Theo chị Phong Lan, phụ huynh đừng nên giao phó con hoàn toàn cho nhà trường. Chúng ta là phụ huynh, ít nhiều nên biết con đang được học gì, con còn thiếu gì cần bổ sung, nhu cầu về hiểu biết lịch sử của con ra sao. “Tôi có hai con, một lớp một và một lớp ba. Với lớp ba, chưa có môn Lịch sử, nhưng thông qua môn Tiếng Việt, môn tự nhiên xã hội, cô giáo giới thiệu cho con rất nhiều vị anh hùng của dân tộc. Mỗi tối về, con đều kể lại cho tôi nghe những gì con nghe được. Tuy nhiên, tôi luôn hỏi con là con có muốn nghe thêm không, mẹ kể cho con nghe. Hay khi con đi ngang tượng Đức Thánh Trần Hưng Đạo, con sẽ hỏi ai vậy mẹ, đi qua con đường Lý Tự Trọng con sẽ hỏi ai vậy mẹ… Và nhiệm vụ của tôi sẽ tìm tài liệu trên Google rồi kể thật súc tích, đơn giản cho con nghe vì tuổi con còn nhỏ lắm, con không thể tiếp nhận thông tin quá phức tạp.

Mỗi khi đi du lịch, tôi luôn tìm xem ở nơi đó có bảo tàng hay địa điểm lịch sử nào không, ví dụ đi Vũng Tàu sẽ có Bạch Dinh, bảo tàng vũ khí, tôi sẽ nói để con biết bảo tàng là gì, nơi đó có gì, rồi đi Phan Thiết tôi cho con ghé Trường Dục Thanh, bé rất háo hức vì trước đó được kể Bác Hồ từng dạy ở đó. Hoặc đang xem thời sự, tôi thấy có bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ sẽ gọi con ra xem cùng vì con đã biết về trận đánh lịch sử... Còn rất, rất nhiều cách để dạy con hiểu biết về sử. Quan trọng là ba mẹ có thời gian nói cho con biết, hay dạy con cách tìm hiểu hay không” – chị Lan bày tỏ.

Vĩ thanh

… Có thể nói, không to tát, nhưng những bà mẹ nói trên qua các bài học lịch sử truyền tới các con mình đã chứng minh một điều rằng trong lúc việc dạy Sử chưa được đánh giá cao như mọi người mong muốn thì hãy tự thân vận động để dạy con lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc với lịch sử hào hùng của nước nhà. Truyền đạt và bồi đắp tình yêu với cội nguồn dân tộc - đó là trách nhiệm của mỗi người chứ không riêng gì ngành Giáo dục hay giáo viên môn Lịch sử.

Bởi, từ tình yêu quê hương, đất nước sẽ làm nên một con người tốt đẹp. Yêu quê hương, yêu đất nước là ta biết trân trọng những gì xung quanh ta, yêu những điều giản dị nhỏ nhặt mà góp lại thành tình cảm lớn lao. Một người yêu nơi mình sinh ra, yêu nơi đã cho mình hòa bình và hạnh phúc là một người sống có trước, có sau, sẽ được người khác yêu quý. Còn một kẻ sống vô tâm, thờ ơ với xứ sở của mình, sẽ sớm bị xa lánh, bị lên án, ghét bỏ, ruồng rẫy mà thôi...

Đọc thêm