Học thể chất trực tuyến
Mới đây, Trung tâm Giáo dục Thể chất, Đại học Quốc gia Hà Nội ra mắt kênh Youtube mang tên "Thethao VNU" nhằm số hóa và dạy - học trực tuyến các chương trình học giáo dục thể chất cho sinh viên.
TS Nguyễn Việt Hoà, Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thể chất và Thể thao, ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết: "Với bối cảnh dịch bệnh hiện nay, sinh viên sẽ phải nghỉ dài, để đảm bảo cho các em vẫn có thể hoàn thành các môn học,trong đó có cả môn thể chất, chúng tôi thiết kế các clip bài giảng môn học này, up lên Youtube để sinh viên có thể theo dõi, tham gia học tập".
Hình thức học tập này nhận được sự hưởng ứng tích cực của sinh viên. Em Nguyễn Quang Tuấn (ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn) cho biết: "Thời gian qua phải học trực tuyến ngồi một chỗ, ít được đi ra ngoài, vận động; nên khi tiếp cận với những clip thể thao này em cảm thấy khá hứng thú. Hơn nữa việc được vận động khiến lớp học trở nên sôi động hơn. Em rất ủng hộ sáng kiến này của ĐH Quốc gia Hà Nội”.
Ở bậc phổ thông, tiên phong trong việc dạy học trực tuyến ở môn thể dục là trường THCS &THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội). Môn học này được triển khai bắt đầu từ ngày 10/3. Trước đó, trường vẫn tổ chức dạy học trực tuyến theo đúng thời khoá biểu. Có nghĩa là dù ở nhà nhưng lịch học vẫn như ở trường. 7 giờ sáng học sinh đã có mặt để điểm danh và trong suốt giờ học, học sinh phải tương tác, trả lời các câu hỏi cua giáo viên. Đối với những trường hợp không được hỗ trợ về thiết bị hoặc gặp khó trong việc tương tác gián tiếp này, cuối mỗi buổi sẽ được giáo viên chủ nhiệm trao đổi lại với gia đình.
Bước sang tháng thứ 2 nghỉ học do dịch bệnh COVID -19, các trường tiểu học không tổ chức dạy trực tuyến, nhưng thay vì giao bài tập, nhiều cô giáo đãtạo những trò chơi vui vẻ như thể dục nhịp điệu để học sinh tham gia.
Cô T.L (Trường Tiểu học Archimedes, Cầu Giấy, Hà Nội) mở một cuộc thi nhảy với tên gọi: “Ghen Cô Vy - dancer cover". Học sinh sẽ nhảy theo vũ đạo bài hát “Ghen Cô Vy” của Bộ Y tế đang được ưa chuộng tại Việt Nam cũng như trên toàn thế giới. Cha mẹ, anh chị em đều có thể tham gia nhảy cùng học sinh. Clip sẽ được quay và gửi cho giáo viên.
Lớp học ảo phát huy tối đa
Ngay từ khi sinh viên phải nghỉ học do dịch bệnh COVID -19, ĐH Mở Hà Nội triển khai ngay hình thức học trực tuyến. Tại các lớp học ảo này, sinh viên được tương tác với giáo viên, nhận đầy đủ thông tin về bài học và kiểm tra, đánh giá được công nhận.
PGS TS Nguyễn Thị Nhung, Phó Hiệu trưởng ĐH Mở Hà Nội cho biết: Trên nền tảng hệ thống công nghệ đào tạo, trường đã linh hoạt chuyển đổi hình thức học tập của sinh viên từ tập trung sang trực tuyến. Trong đó, giữ nguyên thời khóa biểu và kế hoạch học tập của sinh viên. Đẩy mạnh hoạt động của 3 trường quay, phục vụ các lớp Vclass, đồng thời tăng cường hỗ trợ công nghệ và kỹ năng cho giảng viên để có thể độc lập tham gia giảng dạy tại các địa điểm khác, nhằm giảm thiểu nguy cơ lây lan của dịch bệnh COVID -19.
Từ 3/2/2020 đến nay, ĐH Mở Hà Nội có hơn 11.000 sinh viên chính quy tham gia học tập trực tuyến theo thời khóa biểu. Đã có 1.612 lớp học được khởi tạo, với hơn 73.589 lượt sinh viên ghi danh vào lớp học, hơn 600.000 lượt đăng nhập, thực hiện hơn 15 triệu thao tác. Tuy nhiên, do chuyển đổi hình thức học khá đột ngột, các môn học thực hành ở một số ngành kỹ thuật vẫn chưa thực hiện được do thiếu học liệu điện tử. Các phần học này sẽ được Nhà trường bố trí vào khoảng thời gian hợp lý để không làm ảnh hưởng đến kế hoạch học tập của sinh viên.
“Từ khi Hà Nội công bố dịch, một số giảng viên đã được chủ động thực hiện các bài giảng trực tuyến tại nhà, tạo điều kiện thuận lợi cho các giảng viên ở xa hoặc ở địa điểm có người nghi nhiễm. Giảng viên dạy trực tuyến tuy có vất vả hơn dạy truyền thống nhưng với tinh thần chung của cả nước quyết tâm “chiến đấu” với dịch, hầu hết cán bộ, giảng viên của Nhà trường đều giữ vững nhiệt huyết. Có thể nói, đào tạo trực tuyến đã giúp cho giảng viên, sinh viên và Nhà trường không bị “vỡ” kế hoạch. Đồng thời, góp phần cùng Hà Nội và cả nước hạn chế việc di chuyển có thể gây nguy cơ lây lan dịch bệnh”, PGS TS Nguyễn Thị Nhung cho biết.
Cô Trần Thu Phương, Giảng viên Khoa Du lịch, ĐH Mở Hà Nội: “Hiệu quả của việc giảng dạy trực tuyến tại ĐH Mở Hà Nội đã được minh chứng qua một thời gian khi giảng dạy nhiều khóa học từ xa. Ở các lớp học ảo, sinh viên vẫn tuân thủ theo thời khoá biểu, giáo viên tương tác như ở lớp học. Tại đây, các em được tiếp cận tài liệu như slide, kiểm tra, đánh giá và kết quả này được nhà trường công nhận. Hình thức này đã xoá đi khoảng cách về địa lý giữa giảng viên, sinh viên và khắc phục được tình trạng tiếp xúc gần hiện nay".
Đến thời điểm này, các lớp học ảo quy mô cũng có một số trường mạnh dạn triển khai. PGS TS Hoàng Anh Tuấn, Phó Hiệu trưởng ĐH KHoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết: “Hiện nay, công tác giảng dạy online như một phần trong chương trình đào tạo của các trường đại học. Trường mới phối hợp với một công ty chuyên về công nghệ giáo dục để thiết kế các bài giảng trực tuyến. Hiện nay trường có 150 lớp học online triển khai khi dịch bệnh COVID -19 còn những diễn biến phức tạp”.
Bên cạnh những trường phổ thông, đại học vẫn duy trì dạy trực tuyến trong mùa dịch, cũng có nhiều trường vẫn chờ ngày học sinh đến học tập trung, bởi vẫn chưa sẵn sàng cơ sở vật chất, hoặc ở bậc phổ thông Bộ GD&ĐT chưa công nhận hình thức học này. Tuy nhiên, với thời đại 4.0 và những diễn biến dịch bệnh phức tạp, thì rất cần sự chủ động của các trường. Bản thân ngành giáo dục cũng cần sớm có kế hoạch về việc học trực tuyến một cách bài bản.