Học viện Kỹ thuật Quân sự: Nửa thế kỷ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước

(PLVN) - Đầu những năm 1970, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước còn khốc liệt, Đảng, Nhà nước, Quân đội ta đã chủ trương đưa những học sinh giỏi nhất ra nước ngoài đào tạo, chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao về khoa học và kỹ thuật (KH&KT) để về tái thiết đất nước, xây dựng Quân đội trong tương lai. Đề án đã “ra lò” nhiều tướng lĩnh, thành viên cấp Thứ trưởng hoặc tương đương của các Bộ, ngành.
Các thành viên C196 chụp ảnh lưu niệm. (Ảnh: qdnd.vn).

Hướng đi đột phá

Ngày 12/10/2024, tại Học viện Kỹ thuật Quân sự (KTQS) đã diễn ra cuộc gặp mặt kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập Đại đội 196 (C196) - Đại đội dự bị đi đào tạo nước ngoài thuộc khóa 9, Đại học (ĐH) KTQS (nay là Học viện KTQS).

Ngược dòng lịch sử, vào những năm đầu thập niên 70 thế kỷ XX, một đề án táo bạo ra đời, với mục tiêu tuyển chọn những chiến sĩ có thành tích học tập tốt từ các đơn vị trong toàn quân, cùng các học sinh có chất lượng cao. Học viên được lựa chọn sẽ được đào tạo trong môi trường quân đội 1 năm, sau đó được gửi đi Liên Xô (cũ) và các nước Đông Âu học ĐH, nhằm đào tạo nguồn nhân lực cao về KH&KT cho đất nước.

Ý tưởng của đề án có từ cuối những năm 1950. Khi đó, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã có ý định tuyển chọn những cán bộ ưu tú làm nòng cốt cho lực lượng khoa học KTQS để gửi đi nước ngoài đào tạo. Cố Bộ trưởng Bộ Đại học & Trung học chuyên nghiệp Tạ Quang Bửu đã chọn Trường ĐH KTQS để tạo nên sự “hợp tác” đào tạo đầy đột phá này.

Sau khi Hiệp định Paris được ký kết năm 1972, Thiếu tướng Đặng Quốc Bảo, lúc đó là Hiệu trưởng kiêm Chính ủy Trường ĐH KTQS nhận nhiệm vụ xây dựng và thực hiện đề án. Những học viên thuộc đề án đào tạo này, sau này đều được gọi chung tên là học viên 1x6.

Tất cả trong số họ, có người là bộ đội đã qua huấn luyện chiến đấu, có người là học sinh các trường chuyên trong toàn miền Bắc như các Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội, ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Sư phạm Vinh, Trường Chu Văn An (Hà Nội), Trường Việt Đức (Hà Nội), có người là thành viên đội tuyển Toán quốc tế... Điểm chung, họ đều là những người có thành tích học tập xuất sắc, thi đại học từ 23 điểm trở lên, trong đó môn Toán phải được ít nhất 8 điểm.

Sau 1 năm học tại Trường ĐH KTQS, đa số các học viên đều lên đường sang các nước Liên Xô và Đông Âu. Khóa học đầu tiên được tổ chức thí điểm vào năm 1973 với 40 học viên quân sự. Năm 1973, khóa học thứ 2 đã có 1 trung đội gồm các học sinh hệ dân sự, được đào tạo chung với các quân nhân, gọi là C186. Năm 1974, C196 gồm 181 học viên, trong đó có B2 gồm 40 học viên hệ dân sự. Đây cũng là năm Việt Nam lần đầu tiên cử người tham gia kỳ thi Olympic Toán quốc tế, 3 thành viên của đội tuyển được tuyển thẳng vào đề án.

Trong 10 năm của đề án, có khoảng 1.500 học viên ưu tú được lựa chọn, đào tạo và cái tên 1x6 trở thành một cái tên quen thuộc với nhiều người của thế hệ phát triển đất nước những ngày đầu thống nhất và thời kỳ đổi mới.

Dấu ấn C196

Các thành viên C196 năm xưa thể hiện ca khúc “Chiều hải cảng” bằng tiếng Nga. (Ảnh: Lam Hạnh)

Các thành viên của C196 ngày ấy đã gặt hái được nhiều thành công trên các lĩnh vực. Với 181 học viên, C196 hiện có 4 sĩ quan cấp tướng, 1 Viện sĩ, 4 Giáo sư, 10 Phó giáo sư, 21 Tiến sĩ và nhiều doanh nhân thành đạt.

Thiếu tướng Lê Bá Tấn, thành viên C196, nhớ lại, rời Trường ĐH KTQS, binh Nhất Lê Bá Tấn sang Liên Xô trở thành sinh viên ĐH Bưu điện Leningrad trong 5 năm. Về nước với tấm bằng đỏ (loại giỏi), ông Tấn được phân công vào Binh chủng Thông tin liên lạc (TTLL).

Từ cậu học sinh Trường Việt Đức, có niềm đam mê Toán học, Lê Bá Tấn trở thành một người lính. Kết thúc cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc, ông lại rong ruổi với các thiết bị máy móc chuyên ngành. “Lúc mình về, lúc đó đất nước cần ngành học của mình”, ông Tấn kể. Sau này, ông là Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Binh chủng TTLL, mang hàm Thiếu tướng.

Ông Võ Văn Mai thì khăn gói lên Trường ĐH KTQS từ một vùng quê nghèo ở Nghệ An. Sáng đi làm đồng, chiều đi thi học sinh giỏi Toán toàn miền Bắc, chàng trai vinh dự được chọn vào đề án 1x6. Sau đó, ông được cử sang Hungary học chuyên ngành Đo lường điều khiển. Học được 1 học kỳ thì một ngày, nhóm sinh viên Việt Nam nhận ra mấy bạn học vốn rất giỏi trong lớp đột nhiên không lên lớp nữa. Cả nhóm đi hỏi thì được biết, những người này được chuyển lên lớp nâng cao, chỉ dành cho sinh viên người Hungary.

Các sinh viên Việt Nam liền “khiếu nại”, vì điểm số sinh viên Việt Nam không hề thua kém các sinh viên bản địa. Ngay sau đó, lần đầu tiên, nhà trường đặc cách cho các sinh viên Việt Nam cũng học lớp nâng cao. “Đến lớp đó không phải để nghe và chép bài thụ động, mình chuẩn bị câu hỏi trước, đó mới là học ĐH”, ông Mai nói. Tốt nghiệp ĐH, ông Mai trở về công tác tại Viện Vũ khí, Bộ Quốc phòng.

Mang tinh thần vươn lên của dân tộc, trong số các học viên 1x6 đã có nhiều gương mặt thành công.

Lĩnh vực quân đội có Trung tướng Trần Phước Tới (nguyên Viện trưởng VKSQS Trung ương, nguyên Viện phó VKSND tối cao), Trung tướng GS, TSKH Phạm Thế Long (nguyên Giám đốc Học viện KTQS)…

Lĩnh vực ngoài quân đội cũng ghi dấu ấn với những gương mặt như nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Đoàn Xuân Hưng; Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FPT Trương Gia Bình; Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT Bùi Quang Ngọc; Viện trưởng Công nghiệp phần mềm & Nội dung số Việt Nam (Bộ TT&TT) Hoàng Lê Minh; GS, TSKH Lê Tuấn Hoa, Viện trưởng Toán cao cấp Việt Nam; Võ Văn Mai, Chủ tịch Hội đồng quản trị Cty CP Tập đoàn HiPT, Nguyễn Hồng Lam, chủ thương hiệu ô mai Hồng Lam…

Đọc thêm