Có một 'khu rừng xanh' nơi đảo xa...

(PLVN) - Mọi ánh mắt, mọi cảm xúc, mọi hành động của các thành viên trong đoàn chúng tôi đều hướng về những mảnh xanh trên mỗi đảo mà đoàn dừng chân trên hải trình đến với Trường Sa.
Những mảng xanh kỳ vỹ giữa đại dương như kéo chúng tôi lại gần hơn sau bao ngày lênh đênh trên hải trình dài.
Những mảng xanh kỳ vỹ giữa đại dương như kéo chúng tôi lại gần hơn sau bao ngày lênh đênh trên hải trình dài.

Hơn 30 giờ xuất phát từ cảng Quốc tế Cam Ranh, rẽ sóng vượt đại dương, tàu KN-390 đã cập đảo Song Tử Tây. Đoàn công tác chúng tôi hướng mắt nhìn về phía đảo, từng mảng xanh của cây phong ba, cây bàng vuông… như kéo chúng tôi gần lại hơn.

Giữa cái nắng vàng tháng 5, biển lặng, xanh rì… đoàn chúng tôi khi đặt chân lên đảo ai ai cũng áo dài tay, mũ che nắng, ô lớn, ô nhỏ cầm tay. Nhưng điều khiến chúng tôi ngỡ ngàng nhất là những mảng xanh trên đảo.

Được biết, với khí hậu khắc nghiệt ở Trường Sa, số ngày nắng nhiều hơn số ngày mưa, đất bề mặt chủ yếu được mang từ đất liền ra đảo, trong khi phía dưới chủ yếu là cát và san hô nên khả năng giữ nước là không tốt. Chưa kể khi gió bão cũng “hạ gục” cây lớn, khiến các cây xanh trên đảo cũng vì thế mà chậm lớn hơn.

Trung tá Đào Xuân Nam - Chỉ huy trưởng đảo Song Tử Tây thông tin: “Hệ thống cây xanh mà đoàn đã thăm quan trên đảo là thành quả bền lâu của lớp lớp thế hệ cán bộ, chiến sĩ đã công tác trên đảo. Cây xanh rợp bóng giúp đảo có cảnh quan xanh mát, góp phần giúp khí hậu mát mẻ, chiến sĩ cũng vơi bớt nỗi nhớ nhà. Đây như những công trình xanh kỳ vỹ trên biển đó các anh chị”.

Không chỉ vậy, dạo quanh một vòng các vườn rau của chiến sĩ, chúng tôi đều phải ngỡ ngàng vì vườn nào cũng tốt tươi, xanh mát. Nhiều luống rau mùng tơi xanh tốt, có chiếc lá to hơn bàn tay người lớn, ngọn rau muống cũng vươn mình cao hơn 20cm… Phía trên cao là những trái bí xanh, mướp đang phủ trái.

Trung tá Đỗ Văn Diễn - Chỉ huy trưởng đảo Sinh Tồn Đông thông tin, trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Quân uỷ Trung ương, Bộ Quốc phòng, nhiều công trình trên đảo đã được đầu tư khang trang, vững chắc. Cùng với đó, việc trồng cây xanh trên đảo cũng được quan tâm đặc biệt, góp phần chống biến đổi khí hậu, che chắn khi sóng to gió lớn, cải tạo môi trường sống cũng như tạo cảnh quan trên đảo.

Cây xanh rợp bóng giúp đảo có cảnh quan xanh mát, góp phần giúp khí hậu mát mẻ, chiến sĩ cũng vơi bớt nỗi nhớ nhà.

Cây xanh rợp bóng giúp đảo có cảnh quan xanh mát, góp phần giúp khí hậu mát mẻ, chiến sĩ cũng vơi bớt nỗi nhớ nhà.

Việc bảo vệ màu xanh của đại dương, bảo vệ môi trường sống trên đảo cũng không thể bỏ qua việc phân loại rác. Tại đảo đá Đông A, ngoài khu nhà làm việc, sinh hoạt của cán bộ, chiến sĩ điều làm tôi ấn tượng đó là khu vực phân loại rác thải cũng được các chiến sĩ thực hiện nghiêm túc. Nơi đây có ô rác thải hữu cơ, rác thải vô cơ, vỏ lon, chai nhựa được phân khu cụ thể. Một hành động nhỏ nhưng rất thiết thực để bảo vệ môi trường biển.

Hay như cách làm của Hội Phụ nữ thị trấn Trường Sa cũng là một cách làm hay. Trò chuyện với chúng tôi, chị Phạm Thị Bảy - Hội trưởng Hội Phụ nữ thị trấn Trường Sa cho biết: Mỗi đợt biển động hoặc sau mỗi cơn bão, rác thải từ đâu dạt vào đảo rất nhiều, chủ yếu là rác thải nhựa, mảnh gỗ, phao xốp… quân và dân trên đảo lại ra quân thu dọn và tập hợp đưa về khu quy hoạch rác thải để phân loại, chủ yếu rác thải nhựa và lon nước các loại sẽ được đưa vào máy ép thủy lực thành khối và đợi có tàu ra đảo sẽ đưa vào đất liền tái chế.

Sau khi tham quan nơi ăn, chốn ở, phòng tập thể dục… của các cán bộ, chiến sĩ, nơi mà chúng tôi luôn muốn chinh phục đó là các điểm đặt trụ điện gió, đặt các tấm pin năng lượng mặt trời. Đây là khu vực tạo ra năng lượng, “mạch sống” đảm bảo duy trì các thiết bị sử dụng điện phục vụ hoạt động cho các cán bộ, chiến sĩ, Nhân dân trên đảo.

Việc phân loại rác tại nguồn rất được coi trọng tại các đảo, điểm đảo, nhà giàn tại Trường Sa.
Việc phân loại rác tại nguồn rất được coi trọng tại các đảo, điểm đảo, nhà giàn tại Trường Sa.

Giữa tiết trời nắng nóng tháng 5, một chiến sĩ mời chúng tôi ly nước mát lấy từ tủ lạnh ra và kể. “Những lúc rảnh rỗi, chúng em được các chú, bác kể ngày xưa đảo còn khó khăn chưa có hệ thống điện năng lượng mặt trời, cuộc sống quân và dân còn nhiều vất vả, gian nan, nhưng mỗi người đều nỗ lực vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt, xuất sắc nhiệm vụ. Ngày nay, ở đảo, những ngày nắng điện luôn đầy đủ, những ngày mưa thì phải sử dụng có kế hoạch và tiết kiệm anh ạ. Nhưng được như vậy cũng vui và hạnh phúc lắm rồi”, chiến sĩ Trần Đức Cảnh làm nhiệm vụ trên đảo Đá Đông A chia sẻ.

Qua đó, đủ thấy rằng việc khai thác và sử dụng nguồn năng lượng mặt trời, năng lượng gió không chỉ đáp ứng tốt nhu cầu sản lượng điện mà còn giảm thiểu ô nhiễm môi trường góp phần vào sự phát triển bền vững vùng biển, đảo, nhà giàn tại Trường Sa.

Ông Hồ Thái Yên Kha, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Ninh Thuận kiêm Giám đốc Điện lực Trường Sa thông tin: Năm 2024 chúng tôi tiếp tục đầu tư cải tạo, sửa chữa 6 công trình trạm năng lượng sạch cho quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1 với tổng mức đầu tư 88,7 tỷ đồng. Trong đó, tập trung cải tạo đổi mới công nghệ hoàn toàn cho hệ thống năng lượng sạch tại 11 điểm đảo và bốn Nhà giàn DK1; đồng thời, thay mới những bình ắc quy không còn lưu trữ điện và thay sạc FM80, Inverter hỏng tại tất cả các điểm đảo và Nhà giàn DK1.

Chia tay Trường Sa và Nhà giàn DKI, đoàn chúng tôi sau mỗi bước chân trên đảo, được ngắm nhìn Tổ quốc từ phía biển, được nắm chặt phần đất làm nên những công trình xanh kỳ vĩ, được uống ngụm nước ngọt trên đảo, được ôm những chiến sĩ, đồng bào… chúng tôi tin tưởng rằng, Trường Sa luôn ở trong tim mỗi người dân Việt Nam.

Đọc thêm