Hội chứng ồn ào và “ném đá”

(PLO) - “Ném đá” hiện nay đã trở nên ồn ào hơn bao giờ hết, khi có bất kì một sự kiện mới nào đó đang xảy ra, hay những chuyện thị phi đời tư của nghệ sỹ… Và điều đáng buồn, “ném đá” không chỉ còn trên thế giới mạng mà còn  ít nhiều sóng gió từ truyền thông…
Hội chứng ồn ào và “ném đá”
Đỉnh cao và… “vực sâu”
Những ngày gần đây, truyền thông và thế giới mạng ồn ào về ca sỹ Hồ Ngọc Hà, cậu bé Đỗ Nhật Nam nhận thư khen của Tổng thống Mỹ Obama, cô gái “vàng” Ánh Viên, và trước đó là sự kiện ra mắt Bphone của Bkav… 
Nếu bạn đang là niềm tự hào, bạn sẽ được tung hô quá phấn khích. Nhưng đã là “nhân vật của công chúng” thì khi bạn vướng vào những chuyện không mong muốn, bạn sẽ bị quay lưng… 180 độ. 
Chữ “ném đá” đã xuất hiện từ xưa trong câu thành ngữ “Ném đá giấu tay”, nhưng mang một nét nghĩa hoàn toàn khác ngày nay, gần với nghĩa đen hơn: đó là một hành vi gây hại có chủ đích. Ngày nay, “ném đá” còn có nghĩa là chỉ trích cho... sướng miệng đầy tàn nhẫn và vô cảm.
Lý do Hồ Ngọc Hà đang đứng trước nguy cơ bị tẩy chay khi vướng vào scandal lớn nhất trong sự nghiệp của mình với nghi án cặp kè với đại gia đã có gia đình. Dù cho khi cô vướng vào tình cảm với người khác thì cô đang trong tình trạng ly thân, nhưng sự lên án lại lớn hơn rất nhiều so với chồng cũ. Trong xã hội hiện đại, hôn nhân của những người nổi tiếng hiếm khi kéo dài được lâu và chuyện của cô với Cường đô la không phải là ngoại lệ. 
Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Kim Quý, nghệ sĩ có hai cuộc đời: Một cuộc đời bình thường như bao người khác và một cuộc đời dưới ánh đèn sân khấu. Họ phải nhập vai như đang sống trong cuộc đời của các nhân vật thì mới có thể thành công trong lĩnh vực nghệ thuật. 
Thông thường, những nhân vật mà họ nhập vai sẽ có  lối sống, tính cách “điện ảnh”, tức là mọi thứ đều rất hoàn mỹ và bay bổng. 
Tuy nhiên, khi bước ra khỏi sân khấu, họ buộc lòng phải trở lại là chính con người mình, trở lại với cuộc đời thật. Điều đó không hề đơn giản. “Một nửa” của họ nên thông cảm trong vấn đề này vì đôi khi, họ vẫn còn quá “lưu luyến” cuộc đời trên sân khấu nên dường như quên mất cuộc đời thật sự mình đang sống.
Yêu là một chuyện, nhưng làm sao để có thể duy trì được tình yêu một cách lâu dài lại là điều không hề dễ dàng. Yêu là một hiện tượng tâm lý và sẽ thay đổi theo thời gian, đâu phải là bây giờ yêu nhau thì cả đời sẽ yêu nhau? Vậy tại sao mọi người lại xâu xé vào đời tư của người khác quá nhiều đến thế? Điều mình không thích thì cũng đừng bắt người khác thích…
Nếu như vài năm trước, cậu bé Đỗ Nhật Nam bị “ném đá” không thương tiếc chỉ vì một phát ngôn “ truyện tranh là con sâu làm mục ruỗng tâm hồn” thì những ngày này, truyền thông “tung hô” trước tin cậu bé được Tổng Thống Mỹ viết thư khen vì thành tích học tập xuất sắc. Dù cho hàng năm con số thư khen đó có khoảng 3 triệu và cũng không thể không ngưỡng mộ sự giỏi giang của cậu bé. 
Thế nhưng người ta vỗ tay, truyền thông tâng bốc, được bao lâu thì công chúng chán? Tài năng, trí thông mình dễ làm cho người ta tưởng em cũng mau trưởng thành về tình cảm để đương đầu với sự bỏ rơi, trong khi thật sự em cũng chỉ là một đứa bé…
Những ngày này, từ khóa được tìm kiếm trên mạng nhiều nhất không ai khác chính là “kình ngư”, vận động viên bơi lội Ánh Viên. Hơn cả những ngôi sao nổi tiếng và hơn cả những hot girl đình đám khác. Dường như đã lâu lắm rồi, người Việt Nam mới tìm thấy một thần tượng hoàn hảo như thế để họ yêu thương, tin tưởng và hy vọng. 
Khi rất nhiều ngôi sao mới nổi không thoát khỏi cám dỗ của sự nổi tiếng, khi các vận động được kỳ vọng không thể vượt qua trở ngại tâm lý ở đấu trường khu vực, thì Ánh Viên lại có quá nhiều điều để người ta yêu quý. 
Khi cô trở thành hiện tượng, một tờ báo lớn về thể thao đưa ra dòng tít: “Ánh Viên có thể bỏ túi bao nhiêu tiền với thành tích tại Seagame?”. 
Và, người ta lại hỏi nhau: “Tại sao mới 19 tuổi mà Ánh Viên đã là Đại úy?”. Những câu hỏi thế này trở thành đề tài được bàn luận sôi nổi trên mạng. Tò mò là bản tính của con người, cũng từ đó mà nhu cầu thông tin ra đời. 
Tuy nhiên nó cũng cho thấy một phần bản tính khác của người Việt, đó là xu hướng lục tìm những câu chuyện bên lề xung quanh một ai đó khi họ trở thành biểu tượng mới của công chúng. Và khi cô đã ở đỉnh cao đó, nếu chẳng may cô không giữ được phong độ, búa rìu sẽ lại đổ lên vai cô như rất nhiều ngôi sao thể thao khác…
Và “thật không thể tin nổi”: Ta không… tin ta
Trước và sau sự kiện ra mắt đình đám smartphone đầu tiên của Việt Nam BKAV, nhìn lướt qua facebook, có tới ít nhất 2/3 người Việt ra sức tranh luận và “dìm hàng” sản phẩm công nghệ đầu tiên “made in Việt Nam”. CEO trẻ tuổi Nguyễn Tử Quảng được cho là đang "quăng bom" với câu nói hot không kém “không phải dạng vừa đâu” một thời của Sơn Tùng M-TP: Thật không thể tin nổi!
Dẫu cho họ chưa từng nhìn thấy và trải nghiệm Bphone. Cũng không thấy ai nêu nhận xét rõ ràng, xác minh về các tính năng của điện thoại Bphone hay trải nghiệm thực sự khi sử dụng. Nói rất nhiều, tranh luận và cười nhạo rất nhiều khi chưa có trải nghiệm thực tế về sự việc, phải chăng là thói quen của người Việt chúng ta?
Những thái độ ấy đầy nhỏ hẹp và đố kị, nhưng đôi khi lại nhân danh lòng yêu nước, yêu lẽ phải hay tự tôn dân tộc để những cư xử ấy trông dễ coi và đẹp đẽ hơn. Và rồi trên các diễn đàn và mạng xã hội, người Việt vẫn tiếp tục đối xử với nhau như thế, cho phép mình là người “chiếu trên”, người phán xét, người biết tuốt tất cả để được phép khinh thường và chỉ trích người khác. Mà không biết rằng điều đau lòng nhất chính là sự tự tôn của mình ở đâu mà lại tự làm mình đau lòng đến thế?…
Và trước đó nữa là câu chuyện bi hài con ruồi trong chai nước ngọt bị “cưỡng bức” với giá… 500 triệu đồng!!! Khuyến khích hàng nội có chất lượng hay đấu tranh xử lý hàng nội kém chất lượng thì truyền thông có vai trò cực kỳ quan trọng. 
Ở nước ta hiện đang tồn tại hai loại hình truyền thông: Ngoài truyền thông chính thống là hệ thống báo chí của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức nghề nghiệp (bao gồm cả báo in, báo nói, báo hình và báo điện tử), còn có loại hình mạng xã hội. 
Về nguyên tắc thì hai loại hình này bổ trợ cho nhau. Tuy nhiên, nếu như loại hình truyền thông chính thống được quản lý chặt chẽ bởi Luật Báo chí và những quy định khác của pháp luật thì mạng xã hội hiện vẫn chưa có sự kiểm soát phù hợp. Thế nên, bên cạnh mặt tích cực thì trong nhiều trường hợp cụ thể, mạng xã hội (thậm chí kể cả một số cơ quan truyền thông) đã bộc lộ không ít hạn chế như đưa thông tin không kiểm chứng, và dư luận lợi dụng phê phán tạo scandal. 
Vài năm trước, từng có chuyện một “nhà báo” chứng kiến người dân một xã ở huyện Đông Anh (Hà Nội) rửa trứng gà bằng dung dịch pha nước rửa bát (để cho sạch, bảo đảm mẫu mã trước khi xuất ra thị trường) đã biến thành sự kiện “trứng gà ngâm tẩm hóa chất” rùm beng… Hậu quả là trong 6 tháng liền mỗi ngày các hộ chăn nuôi ở Đông Anh thiệt hại khoảng 650 triệu đồng (!)... 
Với vụ việc “con ruồi” trong chai nước ngọt của Tân Hiệp Phát và những dư âm của nó, đành rằng ban đầu truyền thông đấu tranh cho lẽ phải, phê phán hàng hóa kém chất lượng, thế nhưng trong khi cơ quan chức năng chưa có kết luận, đúng sai chưa rõ ràng thì sự vùi dập của truyền thông đã dẫn đến nguy cơ một thương hiệu DN nội bị thiệt hại nặng nề. Và có ai đã và đang trong cơn “lên đồng ném đá” đó dám khẳng định rằng mình không có tâm lý đám đông, thậm chí khẳng định rằng mình hoàn toàn trong sáng?!
Có thể nói, nghề làm báo với ranh giới mong manh của nó là tạo dư luận để đấu tranh cho lẽ phải, cho những điều tốt đẹp thì câu chuyện “con ruồi” quả là bài học để người làm báo biết đâu là điểm dừng… Và đành rằng “ném đá” để xã hội tốt hơn chứ không chỉ vì mục đích cá nhân hay cái tôi hạn hẹp làm tổn thương và tổn hại tới ai đó.  
Minh họa nguồn internet.
Minh họa nguồn internet. 
Cuối năm 2012, một công ty truyền thông rất lớn bắn tin đến các nhân sự có tên tuổi của làng truyền thông xã hội Việt Nam, mời hợp tác trong một dự án. Đó là một trang web mang tên “Ném đá”, hình thức hoạt động như một mạng xã hội và khẩu hiệu của trang web này là “Hãy ném để xã hội tốt hơn”.
“Ném đá” để xã hội tốt hơn - đó không chỉ là quan điểm của những bạn trẻ trên mạng nữa, mà đã được cả những người đóng vai trò dẫn dắt trong làng truyền thông Việt Nam tin tưởng? Hay là đơn giản họ nhìn ra rằng “ném đá” bây giờ là một xu hướng thịnh hành và có thể làm ra nhiều tiền từ việc ấy?
Nhưng nói gì thì nói, Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam và những “hạt sạn” rầu lòng này hy vọng sẽ chỉ là con số ít ỏi trong làng báo. Bởi sức mạnh của truyền thông  là những hiệu ứng tức thời không thể chối bỏ. Ai cũng hiểu, người làm báo với cái tâm trong sáng của mình, điều gì từ trái tim sẽ đi thẳng tới trái tim… 

Đọc thêm