Đoạt mạng bạn thân
Nội dung vụ án thể hiện, ngày 5/1/2016, Phạm Hữu Phú (SN 1998) đi làm ăn xa về nên rủ nhóm bạn khoảng 10 người tới nhà người quen để nhậu. Sau cuộc nhậu này, cả nhóm tiếp tục mua thêm 3 lít rượu và mồi, rồi kéo nhau tới một chòi rẫy trong buôn Cuôr Đăng B (xã Cuôr Đăng) để “đấu tửu”. Cuộc nhậu kéo dài đến hơn 21h cùng ngày thì cả nhóm rủ nhau ra về.
Mọi chuyện có lẽ sẽ kết thúc êm đẹp nhưng Y WiNa (SN 1996) vô cớ bỏ lại Phú trong rẫy mà không chịu chở về. Bởi vậy giữa Phú và Y WiNa xảy ra mâu thuẫn. Thấy người anh họ của mình bị bạn chơi trong nhóm “bắt nạt”, Y Thương chạy đến bênh vực và hô cả nhóm đánh Y Wina.
Bức xúc vì Phú đã bỏ tiền ra mua rượu và mồi cho cả nhóm cùng uống, hơn nữa chính Phú cũng đã đổ xăng vào xe của bạn mà bây giờ lại không được đi “ké” về, Y Thương tuyên bố: “Nếu thằng nào vào can, tao sẽ đâm chết thằng đó”.
Tình thế lúc đó diễn ra căng thẳng, Y Lơi thấy Y Wina bị đánh thì chạy vào can ngăn, đẩy Y Thương ra. Bị xô, Y Thương liền rút bấm móng tay sẵn có trong túi quần ra đâm Y Lơi, khiến Y Lơi gục xuống đất bất tỉnh.
Lúc này, Y Thương sợ hãi nên cùng bạn chở Y Lơi về nhà. Tuy nhiên trên đường về, cả ba bị té xe, Y Lơi nằm úp mặt xuống đất. Thấy vậy, những người bạn khác chạy tới đỡ và chở Y Lơi về để người nhà đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk. Nhưng do vết thương nặng, lại mất quá nhiều máu nên Y Lơi tử vong sau đó.
Về phía hung thủ, sau khi nạn nhân được đưa đi khỏi, hối hận vì đã đâm bạn, Y Thương đã dùng con dao gây án tự đâm vào ngực mình không may lưỡi dao gấp lại cắt trúng vào mặt ngoài bàn tay phải, Y Thương được bạn bè đưa đến bệnh viện cấp cứu, hung khí gây án bị vứt lại trên đường.
Ngày 18/5/2016, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã ban hành bản Cáo trạng truy tố bị can Y Thương Niê về tội “Giết người”.
Sáng 21/6/2016, tại trụ sở UBND xã Cuôr Đăng (huyện Cư M’gar), TAND tỉnh Đắk Lắk mở phiên toà lưu động xét xử sơ thẩm tuyên và tuyên phạt mức án 18 năm 6 tháng tù đối với bị cáo Y Thương Niê về tội “Giết người”.
Tâm sự của hai người cha mất con
Trao đổi với phóng viên, ông Y Khik Niê (SN 1955, cha đẻ nạn nhân) tâm sự: “Gia đình tôi quá khó khăn nên không nuôi được thằng Y Lơi ăn học đến nơi đến chốn. Không được đi học nữa, nó ở nhà với bố mẹ. Tôi bảo gì thì nó làm nấy, không bao giờ cãi nửa lời”.
Cha ruột nạn nhân trong nỗi đau đớn vì mất con |
Theo lời người cha, vì tuổi còn trẻ nên Lơi hay cùng bạn bè tụ tập chơi bời, đôi khi có đi uống rượu. Có hôm đi chơi với bạn bè về khuya, Lơi ngủ lại nhà bạn luôn, sáng hôm nhau mới về. Hôm xảy ra chuyện, chờ đến khuya chưa thấy con về, vợ chồng ông Niê đinh ninh con ở lại nhà bạn nên tắt điện đi ngủ. Đang chập chờn còn chưa say giấc, nghe tiếng người gọi, ông dậy mở cửa thì thấy Lơi bị đâm bất tỉnh, gần như tắt thở rồi.
“Dù còn một tia hy vọng tôi cũng muốn cứu sống con nên giục mọi người đưa nó đi cấp cứu. Nhưng số nó đoản mệnh không qua khỏi. Mẹ nó từ hôm mất con đến nay suy sụp nhiều, không ăn không ngủ được. Không biết nơi cửu tuyền nó có luyến tiếc hay oán trách điều gì không”, Niê nói.
Cũng theo ông Y Khik Niê thì Y Lơi và Y Thương chơi thân với nhau từ khi còn nhỏ. Ông Niê coi Y Thương như con của mình. Mỗi lần đi chơi về muộn, hai đứa thường lui tới nhà nhau để ngủ. Giữa đôi bạn này chưa bao giờ xảy ra xích mích, hay mâu thuẫn gì cả.
Ngày làm đám tang con trai ông, gia đình Y Thương có tới thắp nhang xin lỗi và xin được bồi thường số tiền khoảng 50 triệu đồng. Chuyện không may xảy ra với Y Lơi, mặc dù nỗi đau chưa thể nguôi ngoai nhưng âu cũng là số phận nên ông Y Khik không oán trách người gây nên tội. Chỉ mong người con xấu số của mình nơi chín suối sớm được siêu thoát.
Trước ngày xét xử, ông Y Cương Arul (SN 1967, cha ruột hung thủ) thường xuyên đến thăm và động viên con trong trại giam, cố gắng hợp tác với cán bộ thành khẩn khai báo với cơ quan công an cũng như hội đồng xét xử để được hưởng sự khoan hồng của pháp luật.
Trao đổi với phóng viên, ông Y Cương cho biết: “Thằng Y Thương hồi giờ nó ngoan ngoãn, vợ chồng tôi không có gì phàn nàn về nó cả. Đi làm được bao nhiêu tiền, nó đều mang về đưa cho mẹ cất, chỉ giữ lại một hai trăm ngàn phòng thân. Đồ đạc trong nhà phần lớn đều do nó tự sắm, tôi định sau này nó có lấy vợ cũng để nó mang đi cả nhưng bây giờ lại như vậy không biết tương lai nó sẽ ra sao?”.
“Chúng tôi cũng đã có tuổi. Nuôi con lớn đến từng này, tưởng sắp được nhờ con, không ngờ bây giờ hàng ngày lại phải nhìn con trong trại giam. Cháu đã biết tội và có trách nhiệm cải tạo tốt. Gia đình bên nạn nhân có làm giấy bãi nại, chỉ mong pháp luật xem xét giảm nhẹ án cho cháu”, tiếp lời cha hung thủ.
Khi đưa con vào viện cấp cứu, ông Y Cương không hề hay biết chuyện con mình vừa đâm chết người. Nhập viện cho con xong, nghe mấy đứa bạn của con kể lại người cha già mới bàng hoàng bởi con trai mình mới vừa gây nên tội ác tày trời. Ngay sau đó, ông chạy đến xin lỗi rồi cùng gia đình nạn nhân lo hậu sự cho chàng trai xấu số.
“Chuyện xảy ra là ngoài ý muốn, gia đình người ta mất con tôi cũng hết sức tiếc nuối và chia buồn. Gia đình tôi cũng đã khuyên Y Thương phải nhận trách nhiệm về hành vi tội lỗi của mình trước pháp luật. Từ hôm xảy ra chuyện, vợ tôi cứ ngẩn ngơ như người mất trí, vài ngày bà ấy lại gom quần áo Y Thương đi giặt một lần cho đỡ nhớ con”, ông Cương chia sẻ thêm.
Cha ruột Y Thương kể lại sự việc. |
Y Thương là con út trong gia đình. Cũng như người bạn của mình, Y Thương chỉ học đến lớp 6 rồi nghỉ học, ở nhà làm nông với cha mẹ. Trong mắt mọi người, Y Thương luôn tỏ ra ngoan ngoãn và nghe lời cha mẹ, với bạn bè thì hòa đồng, vui vẻ. Buổi sáng hôm gây án, Y Thương còn cùng người anh rể đi bốc vác thuê ở kho hàng Tây Nguyên. Vì hết hàng nên đến trưa Y Thương về. Vừa về đến nhà thì có bạn tới rủ đi nhậu, không ngờ ngày đó, Y Thương lại trở thành kẻ giết người.
Hôm đó, sau khi đã “chén chú chén anh”, cả nhóm đều ngà ngà say, sau đó cả đám rủ nhau ra nghĩa địa chơi. Khi ra đến nơi, Y Lơi đã quỳ xuống trước một nấm mồ mà khấn vái, rồi quay ra thắp nhang cho chiếc xe máy của mình, lẩm bẩm những câu từ khó hiểu. Trong lúc không tỉnh táo, cả nhóm coi đó như một trò chơi mang tính hài hước, thể hiện bản lĩnh tại nơi an nghỉ của những người đã khuất không ngờ lại gặp “xui xẻo”.
Với hành vi coi thường tính mạng con người của Y Thương, bị cáo đã phải nhận một bản án thích đáng. Sau hành động thiếu nông nổi và vi phạm pháp luật này, Y Thương sẽ phải trả giá bằng những tháng ngày cải tạo trong trại giam. Dù anh ta có hối hận và thành tâm đền tội nhưng người bạn thân đã không còn trên thế gian này nữa. Đó cũng là bài học cho những thanh niên bị men rượu làm mờ lý trí.