Hồi hộp chờ kết quả cuộc họp Tiên Lãng do Thủ tướng chủ trì

Độc giả đang hồi hộp chờ đợi kết quả cuộc họp liên quan đến các vấn đề xung quanh vụ cưỡng chế thu hồi đất tại xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng (Hải Phòng). Người nhà của ông Đoàn Văn Vươn, Đoàn Văn Quý nói với báo giới họ mong chồng họ sớm được trở về.“Ai làm sai đến đâu thì phải chịu đến đấy. Với chồng tôi nếu sai thì cũng phải nhìn nhận khuyết điểm để xử chứ không né tránh. Còn cán bộ liên quan đến vụ việc cũng cần phải công tư rõ ràng để lấy lại lòng dân…”, vợ ông Đoàn Văn Vươn chia sẻ với báo giới.

[links()]Thủ tướng chủ trì họp giải quyết vụ Tiên Lãng

 Theo kế hoạch, hôm nay (10-2) Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì cuộc họp liên quan đến các vấn đề xung quanh vụ cưỡng chế thu hồi đất tại xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng (Hải Phòng).

Trước đó, Văn phòng Chính phủ đã truyền đạt ý kiến của Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành liên quan và lãnh đạo TP Hải Phòng làm rõ ba nội dung: thứ nhất, việc giao đất, thu hồi đất của ông Vươn đúng sai thế nào, trách nhiệm thuộc cơ quan, cá nhân nào; thứ hai, quá trình tổ chức cưỡng chế có đúng quy định không, nếu sai thì cấp nào chịu trách nhiệm; thứ ba, những tài sản như ao cá, nhà bị phá hủy có chủ trương không, nếu có thì của ai, cấp nào.

Người nhà ông Vươn đang trông chờ kết quả cuộc họp sáng nay- ảnh MH
Người nhà ông Vươn đang trông chờ kết quả cuộc họp sáng nay- ảnh MH

Đến nay, các bộ Tài nguyên - môi trường, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Tư pháp, Thành ủy và UBND TP Hải Phòng, các cơ quan tham gia ý kiến như MTTQ VN, Hội Nông dân VN đều đã có văn bản thể hiện quan điểm.

Trong ngày hôm qua, cơ quan điều tra đã làm việc với các đương sự liên quan đến vụ án hủy hoại tài sản công dân. Điều tra viên về tận nhà gặp bà Nguyễn Thị Thương (vợ ông Vươn), Phạm Thị Hiền (vợ ông Quý) để xác minh các tài sản còn lại sau khi ngôi nhà bị phá hủy.

Luật sư Nguyễn Việt Hùng cho biết cơ quan điều tra đã cấp giấy chứng nhận bào chữa cho các ông Đoàn Văn Vươn, Đoàn Văn Quý. Luật sư Hùng đề nghị được gặp thân chủ nhưng cơ quan điều tra còn bận nhiều việc, chưa sắp xếp được trong tuần này và hẹn sang tuần sau.

Chiều qua, phó chủ tịch Liên chi hội nuôi trồng thủy sản nước lợ huyện Tiên Lãng Lương Văn Trong nói bản thân đang “rất hồi hộp” chờ đợi kết quả cuộc họp do Thủ tướng chủ trì. “Thủ tướng là người đứng đầu Chính phủ, đồng thời cũng là đại biểu Quốc hội của nhân dân huyện Tiên Lãng nên chúng tôi tin tưởng Thủ tướng xem xét, xử lý vụ việc thấu tình đạt lý, đem lại niềm tin cho chúng tôi là những người nuôi trồng thủy sản nói riêng và nhân dân huyện Tiên Lãng nói chung” - ông Trong nói.

Ông Trong tâm sự: “Tôi đề nghị cần phải làm rõ trách nhiệm ông bí thư Huyện ủy Tiên Lãng vì những vấn đề giao đất, thu hồi đất đã tồn tại khiếu kiện, bức xúc kéo dài, không thể nói là ông ấy không biết. Ngoài ông bí thư ra, nhiều cán bộ chuyên môn như trưởng phòng tài nguyên - môi trường, trưởng phòng pháp chế, chánh văn phòng UBND... cũng không thể chối bỏ trách nhiệm. Vấn đề chúng tôi chờ đợi nhất là mong được Thủ tướng kết luận rõ, nhất là các quyết định liên quan đến giao đất, thu hồi đất của chính quyền huyện Tiên Lãng”.

Trở về Hà Nội sau chuyến đi thực tế tại huyện Tiên Lãng, PGS.TS Võ Văn Trác - phó chủ tịch Trung ương Hội Nghề cá Việt Nam - nói: “Tôi cho rằng đây là vụ việc cần phải xử lý nghiêm. Cá nhân tôi nghĩ từ thực tế tại huyện Tiên Lãng, không chỉ có gia đình anh Vươn mà nhiều hộ gia đình khác cùng nuôi trồng thủy sản đều có tâm tư, có bức xúc đè nén nhưng không được xã và huyện giải quyết thỏa đáng”.

Theo ông Trác, 38 hộ nuôi trồng thủy sản của huyện Tiên Lãng đều bị thu hồi đất cần được làm rõ đúng sai, hướng xử lý không chỉ đối với vấn đề đất đai của gia đình ông Vươn và đối với cả số đông người nuôi trồng thủy sản của huyện. “Việc giao đất nuôi trồng thủy sản không phải chỉ riêng ở Tiên Lãng, đây là chuyện chung có thể xảy ra ở nhiều vùng miền. Trung ương hội kiến nghị cần sớm định hướng rõ việc sửa Luật đất đai, đặc biệt là sửa đổi về chính sách, thời hạn giao đất nông nghiệp. Tôi nghĩ nếu giải quyết tốt câu chuyện ở Tiên Lãng, người dân nuôi trồng thủy sản ở nhiều nơi khác sẽ tin tưởng và dám mạnh dạn đầu tư”- ông Trác nói.

Người nhà ông Vươn kỳ vọng phiên họp của Thủ tướng

Nếu vợ ông Đoàn Văn Quý hy vọng Thủ tướng sớm giải quyết công bằng để người dân Tiên Lãng được nhờ, thì vợ ông Đoàn Văn Vươn chỉ mong chồng sớm trở về để nuôi con trưởng thành.

Tối 9/2, chị Nguyễn Thị Hiền, vợ bị can Đoàn Văn Quý trong vụ án giết người, chống người thi hành công vụ đã đến trước cổng UBND huyện Tiên Lãng, để trao đổi với mọi người trước phiên họp của Thủ tướng với các bộ ngành và lãnh đạo Hải Phòng.

Người phụ nữ 30 tuổi chia sẻ, do không trực tiếp được gặp Thủ tướng nên chỉ biết nhờ báo chí gửi đến Thủ tướng mong muốn sớm giải quyết nhanh chóng vụ việc. “Mong Thủ tướng có thể lấy lại công bằng cho nhiều người dân có cùng cảnh ngộ như tôi…”, chị nói.

Sau vụ cưỡng chế ngày 5/1, cơ quan điều tra đã khởi tố bị can Nguyễn Thị Hiền cùng chị dâu Nguyễn Thị Thương (vợ bị can Đoàn Văn Vươn) về tội chống người thi hành công vụ.

Chị Thương cho hay, sau khi ngôi nhà bị phá dỡ, chị cùng hai con phải về ở nhờ người thân. Trong căn nhà mái bằng ở thôn Tân Thắng, xã Tân Hưng (Tiên Lãng), vừa gấp những bộ quần áo cho con, người phụ nữ với dáng vẻ khắc khổ cho biết: “Nghĩ cũng thương chúng nó ở tuổi ăn tuổi học mà giờ phải đi ở nhờ như thế này. Tôi đã phải động viên các con sớm vững tâm để vượt qua khó khăn…”.

Đêm trước khi Thủ tướng cùng các bộ, ngành mổ xe vấn đề như tính hợp lý của quyết định giao, thu hồi đất; tổ chức cưỡng chế có đúng quy định và có hay không chủ trương phá nhà ông Vươn, chị Thương bảo chỉ mong sao các cấp, các ngành điều tra rõ vụ việc để xử đúng người, đúng tội.

“Ai làm sai đến đâu thì phải chịu đến đấy. Với chồng tôi nếu sai thì cũng phải nhìn nhận khuyết điểm để xử chứ không né tránh. Còn cán bộ liên quan đến vụ việc cũng cần phải công tư rõ ràng để lấy lại lòng dân…”, chị Thương nói và cho biết mong chồng sớm trở về để tiếp tục được làm trên diện tích đầm đã đổ bao công sức gây dựng.

Là người cùng ông Vươn khiếu nại quyết định thu hồi đất của huyện Tiên Lãng, ông Vũ Văn Luân bảo vẫn còn may mắn được nuôi trồng thủy hải sản trên diện tích hơn 17 ha. Trước quyết định xử phạt của Thành ủy Hải Phòng với cán bộ vi phạm trong việc cưỡng chế cũng như dỡ nhà, ông Luân tỏ ra chưa hài lòng và đề nghị cơ quan chức năng cần làm rõ sai phạm của nhiều cán bộ khác.

Ông Luân bảo đã chuẩn bị sẵn gần chục câu hỏi và mong ý kiến này được gửi đến người đứng đầu Chính phủ. "Tôi mong Thủ tướng sẽ cử các đoàn trung ương xuống để lắng nghe tâm tư nguyện vọng của những người đang hành nghề nuôi trồng thủy sản”, ông nói thêm.

Bên cạnh đòi hỏi quyền lợi cho gia đình ông Vươn và các hộ nuôi trồng, làm rõ sai phạm và trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức, ông Luân đề nghị vụ việc sớm được chuyển giao để Bộ Công an điều tra bởi đây là vụ cưỡng chế lùm xùm kể từ trước đến nay ở Hải Phòng.

“Không riêng tôi, giờ có khá nhiều người muốn biết ai sai, ai đúng. Hy vọng với những chính sách thay đổi chung sẽ không để lại hệ lụy đáng tiếc”, ông Luân nói và cho rằng vụ việc này là bài học đau xót trong cách quản lý cán bộ cũng như quản lý kinh tế, xã hội cho nhiều địa phương khác.

Trong cuộc họp báo ngày 7/2, Bí thư Thành ủy Hải Phòng Nguyễn Văn Thành đã thừa nhận, dù chính quyền địa phương đúng hay sai thì vụ việc cũng gây dư luận không tốt trong nhân dân. Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng nghiêm túc kiểm điểm, nhận trách nhiệm trước Bộ Chính trị, Ban Bí thư, trước Đảng bộ và nhân dân thành phố.

Hàng loạt cán bộ huyện Tiên Lãng đã bị đình chỉ chức vụ. Công an cũng đã khởi tố vụ án hủy hoại nhà của ông Vươn.

Ngày 5/1/2012, khi hơn 100 cảnh sát, bộ đội cưỡng chế, thu hồi đất của gia đình ông Đoàn Văn Vươn, một số người đã gài mìn tự chế trong vườn, cầm súng hoa cải chống lại. Bốn cảnh sát và hai cán bộ huyện đội bị thương, trong số này có người đứng đầu công an huyện Tiên Lãng. Một ngày sau, ngôi nhà của ông Vươn đã bị phá hủy.

Ngày 10/1, 4 bị can gồm: Đoàn Văn Quý (46 tuổi), Đoàn Văn Vươn (49 tuổi), Đoàn Văn Sịnh (55 tuổi) và Đoàn Văn Vệ (38 tuổi) bị khởi tố, bắt tạm giam về tội giết người. Phạm Thị Báu (tức Hiền, vợ ông Quý) và Nguyễn Thị Thương (vợ ông Vươn) bị khởi tố về tội chống người thi hành công vụ, song được tại ngoại và cho áp dụng biện pháp ngăn chặn là cấm đi khỏi nơi cư trú.

Theo TTO và VNE
 

Đọc thêm