Hội Luật gia Việt Nam đạt nhiều kết quả tích cực trong công tác phổ biến, xây dựng pháp luật

(PLVN) - Sáng 13/9, Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp đã có buổi làm việc với Trung ương Hội Luật gia Việt Nam về tình hình thực hiện Đề án “Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân” và hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.
Cảnh Buổi làm việc.
Cảnh Buổi làm việc.

Đồng chủ trì buổi làm việc là Phó Cục trưởng, Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật Ngô Quỳnh Hoa và Phó Tổng Thư ký, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tư vấn pháp luật và Trợ giúp pháp lý, Hội Luật gia Việt Nam Dương Đình Khuyến.

Theo báo cáo của Hội Luật gia Việt Nam, với vai trò là tổ chức chính trị - xã hội – nghề nghiệp, Hội đã chủ động phát huy trách nhiệm xã hội của mình trong việc hỗ trợ người dân tiếp cận pháp luật bằng nhiều giải pháp và thông qua nhiều hoạt động thiết thực.

Trong năm 2022 và 2023, Hội Luật gia Việt Nam đã chủ động đề xuất với Chính phủ, Bộ Tư pháp giao Hội chủ trì xây dựng và thực hiện Đề án “Phát huy vai trò của Hội Luật gia các cấp trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) giai đoạn 2024 – 2030”. Phần lớn các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Đề án đều hướng tới việc phát huy vai trò của Hội Luật gia trong công tác PBGDPL, góp phần hỗ trợ người dân tiếp cận pháp luật.

Phó Tổng Thư ký, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tư vấn pháp luật và Trợ giúp pháp lý, Hội Luật gia Việt Nam Dương Đình Khuyến.

Phó Tổng Thư ký, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tư vấn pháp luật và Trợ giúp pháp lý, Hội Luật gia Việt Nam Dương Đình Khuyến.

Từ đầu năm đến nay, Trung ương Hội đã tổ chức triển khai một số nhiệm vụ của Đề án nhằm tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân: đã xây dựng vận hành chuyên mục “Nghiên cứu, xây dựng và phổ biến pháp luật” trên trang Tạp chí Pháp lý điện tử; xây dựng Fanpage “Hội Luật gia Việt Nam – Phổ biến, giáo dục pháp luật” trên mạng xã hội Facebook (đang chờ lãnh đạo Hội duyệt vận hành)…

Bên cạnh đó, Hội tiếp tục triển khai các chương trình phối hợp với các cơ quan, tổ chức trong công tác PBGDPL. Các cấp Hội tổ chức PBGDPL cho người dân với nhiều hình thức phong phú, trong đó chú trọng tổ chức các cuộc thi, hội thi tìm hiểu pháp luật bằng nhiều hình thức: sân khấu hóa, thi trực tuyến, tổ chức phiên tòa giả định…; biên soạn tài liệu hỏi – đáp; tham dự các chương trình trên sóng truyền hình, đài phát thanh của Trung ương và địa phương với vai trò là các chuyên gia trong lĩnh vực pháp luật; tổ chức hội nghị để phổ biến trực tiếp… Nội dung phổ biến đa dạng, bảo đảm phù hợp với các loại đối tượng.

Đặc biệt, hưởng ứng Ngày pháp luật Việt Nam 9/11 năm 2023, Trung ương Hội và các cấp Hội luật gia trong cả nước đã tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến nhằm giáo dục ý thức thượng tôn cho cán bộ, hội viên và người dân. Qua đó nâng cao tinh thần tôn trọng và ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, hội viên và nhân dân.

Đối với công tác tham gia xây dựng chính sách, pháp luật, từ nhiều năm nay, các cấp Hội luật gia luôn đẩy mạnh hoạt động này và đã có những đóng góp tích cực vào việc xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước: Chủ trì xây dựng hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Trọng tài thương mại; tham gia Ban soạn thảo, Tổ biên tập các dự án Luật, pháp lệnh, văn bản quy phạm pháp luật (QPPL); tổ chức hội thảo khoa học, tọa đàm, hội nghị góp ý, phản biện xã hội cho các dự thảo văn bản QPPL.

Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật Ngô Quỳnh Hoa.

Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật Ngô Quỳnh Hoa.

Đối với việc thực hiện các nhiệm vụ của Đề án hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp, theo báo cáo, Trung ương Hội có 10 Trung tâm tư vấn pháp luật (Trung tâm TVPLP); cấp tỉnh, Hội có 68 Trung tâm; cấp huyện, Hội có 35 Trung tâm. Trong những năm qua, các Trung tâm TVPL nêu trên đều tích cực tham gia công tác TVPL cho người dân và doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Đối với công tác tham gia hòa giải ở cơ sở, Trung ương Hội đã chỉ đạo các cấp Hội tham gia tích cực và cử các thành viên tham gia công tác hòa giải ở cơ sở. Trong năm 2023, Hội viên Hội luật gia đã tham gia hòa giải thành ở cơ sở 36.971 vụ việc.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật Ngô Quỳnh Hoa đánh giá cao những kết quả mà Hội Luật gia Việt Nam đã đạt được thời gian qua, đặc biệt là công tác xây dựng pháp luật.

Trong thời gian tới, Phó Cục trưởng Ngô Quỳnh Hoa đề nghị Hội chú trọng hơn nữa tới công tác PBGDPL, tìm và nhân rộng các mô hình tuyên truyền, phổ biến pháp luật có hiệu quả; tìm hiểu nhu cầu của các đối tượng được phổ biến để chuẩn bị nội dung tuyên truyền cho phù hợp, đạt được hiệu quả cao.

Đối với việc thực hiện Đề án “Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân”, bà Hoa đề nghị Hội Luật gia Việt Nam tiếp tục bám sát nhiệm vụ được giao, lên kế hoạch thực hiện các nhiệm vụ; sớm đúc rút mô hình tiếp cận pháp luật hiệu quả; tăng cường nâng cao năng lực cho đội ngũ tư vấn viên pháp luật, đội ngũ hội viên Hội luật gia để thực hiện tốt hơn vai trò của mình.

Đối với việc hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, Hội đã làm rất nhiều nhưng chưa thực sự chủ động tiếp cận với người dân và doanh nghiệp để tư vấn pháp luật, hỗ trợ pháp luật. Do đó, bà Hoa đề nghị Hội cần quan tâm hơn tới vấn đề này, bởi nhu cầu được hỗ trợ của doanh nghiệp là rất lớn nhưng họ không biết tìm tới đầu mối nào để được hỗ trợ…/.

Đọc thêm