Hội nghị APPF-26 kết thúc tốt đẹp: Biến lời nói thành hành động

(PLO) - Chiều 20/1, dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội (QH) Việt Nam- Chủ tịch APPF- 26 Nguyễn Thị Kim Ngân, Hội nghị thường niên lần thứ 26 Diễn đàn Nghị viện châu Á- Thái Bình Dương (APPF-26) với chủ đề “Quan hệ đối tác nghị viện vì hòa bình, sáng tạo, tăng trưởng bền vững” đã bế mạc tại Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chương trình nghị sự đề ra.
APPF 26 đã kết thúc sau 3 ngày làm việc khẩn trương và thông qua Tuyên bố Hà Nội về Tầm nhìn mới của quan hệ đối tác nghị viện châu Á – Thái Bình Dương
APPF 26 đã kết thúc sau 3 ngày làm việc khẩn trương và thông qua Tuyên bố Hà Nội về Tầm nhìn mới của quan hệ đối tác nghị viện châu Á – Thái Bình Dương

Hoàn thành tốt đẹp các công việc đề ra

Phát biểu bế mạc Hội nghị, Chủ tịch QH Việt Nam, Chủ tịch APPF-26 Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, Hội nghị APPF-26 đã hoàn thành tốt đẹp các công việc đề ra trong Chương trình nghị sự. Cùng với những kết quả đã đạt được của những Hội nghị trước, APPF-26 là bước tiến tiếp theo quan trọng trong quá trình thực hiện tôn chỉ, mục đích của Diễn đàn đã được đề ra trong Tuyên bố Vancouver và Tuyên bố New Tokyo. Các nghị quyết đã được thông qua, cũng như các cuộc trao đổi, thảo luận đã cho thấy vai trò quan trọng của các nghị viện trong việc tham gia vào tiến trình thực hiện những cam kết quốc tế để bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh và phát triển bền vững, vì lợi ích của nhân dân trong khu vực châu Á- Thái Bình Dương.

Theo Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân, hiện nay các quốc gia trong khu vực đang phải đối mặt với những vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống, cùng với những thách thức về chất lượng phát triển của mỗi quốc gia, đặt ra một yêu cầu quan trọng đối với APPF là phải cải cách để thích ứng với tình hình, phải xây dựng một tầm nhìn chiến lược. “Hòa bình, ổn định và an ninh là điều kiện tiên quyết, nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững. Bất bình đẳng, nghèo đói, thất học… khiến cho chủ nghĩa khủng bố quốc tế, tội phạm xuyên quốc gia, tư tưởng cực đoan ngày càng trở nên phức tạp, do vậy không một quốc gia đơn lẻ nào có thể tự mình đối phó mà đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa các quốc gia và các nghị viện, tăng cường năng lực cho các cơ quan thực thi pháp luật”, bà Nguyễn Thị Kim Ngân nói.

Về kinh tế thương mại, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ APPF là một cơ chế hợp tác mở, ủng hộ, bổ trợ và không thể tách rời khỏi cơ chế APEC. APPF có nhiệm vụ quan trọng là tiếp tục thúc đẩy mở rộng tự do hóa thương mại, đổi mới hình thức liên kết kinh tế, thương mại phù hợp với tình hình mới. Tại Hội nghị, các đại biểu đã nhấn mạnh sự cần thiết phải “biến lời nói thành hành động”, kêu gọi sự hỗ trợ của các quốc gia phát triển đối với các nước đang phát triển trong việc chung tay thực hiện Chương trình nghị sự về Phát triển bền vững 2030 và Thỏa thuận Paris; đẩy mạnh đối thoại và hành động chung nhằm ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống… 

Tuyên bố Hà Nội – thành công lớn nhất của Hội nghị

Chủ tịch QH nhận định, thành công của Hội nghị là đã thông qua bản Tuyên bố Hà Nội về “Tầm nhìn mới của quan hệ đối tác nghị viện châu Á - Thái Bình Dương”. Kế thừa các bản Tuyên bố dấu ấn khác của APPF, Tuyên bố Hà Nội có ý nghĩa quan trọng, xác định tầm nhìn mới của APPF sau 1/4 thế kỷ hình thành và phát triển. Việt Nam sẽ tiếp tục hợp tác tích cực cùng APPF và Nghị viện các nước hiện thực hóa tầm nhìn đã đề ra, đưa các khuyến nghị, nghị quyết của APPF trở thành hành động cụ thể. 

Phát biểu tại cuộc họp báo quốc tế về kết quả Hội nghị diễn ra chiều cùng ngày, Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng – Trưởng ban tổ chức Hội nghị APPF-26 – cũng cho rằng thành công lớn nhất và là dấu ấn của Hội nghị lần này là các nghị viện thành viên đã thông qua Tuyên bố APPF Hà Nội về “Tầm nhìn mới cho quan hệ đối tác nghị viện châu Á-Thái Bình Dương. “Tuyên bố Hà Nội đánh dấu 25 năm thành lập và định hướng tương lai của Diễn đàn trong thập niên tiếp theo đến năm 2030; đánh giá những thành tựu nổi bật trong 25 năm qua, góp phần duy trì môi trường hoà bình, ổn định vì hợp tác và phát triển bền vững ở châu Á – Thái Bình Dương và trên thế giới”, Phó Chủ tịch QH nhận xét.

Theo bà Phóng, Tuyên bố cam kết tiếp tục tinh thần của các Tuyên bố APPF trước đây tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, sự đa dạng về thể chế, chính trị, văn hóa, tôn giáo; tôn trọng các nguyên tắc của Hiến chương Liên Hợp quốc và luật pháp quốc tế. Tuyên bố cũng khẳng định tầm quan trọng duy trì tự do hàng hải an toàn, an ninh hàng hải và hàng không, kinh tế đối thoại và hành động chung ứng phó với an ninh phi truyền thống…

Trả lời tại họp báo, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cũng nêu bật việc Hội nghị đã nhất trí sửa đổi quy chế APPF, đưa Hội nghị Nữ nghị sỹ trở thành một cơ chế chính thức tại các Hội nghị thường niên của APPF. Đây là thành công và là nỗ lực chung của tất cả các nước thành viên trên cơ sở sáng kiến của Nhật Bản nhằm thúc đẩy bình đẳng giới vì phát triển bền vững và thịnh vượng chung. APPF sẽ tiếp tục đấu tranh cho tiếng nói của nữ nghị sĩ trong thúc đẩy bình đẳng giới. 

Đọc thêm