Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 38 và 39: Quyết định các vấn đề then chốt trong thực hiện các mục tiêu của ASEAN

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) – Từ ngày 26-28/10, Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 38 và 39, các hội nghị cấp cao liên quan giữa ASEAN với các đối tác (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Hoa Kỳ, Australia và Nga), Hội nghị cấp cao ASEAN+3 và Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) sẽ diễn ra theo hình thức trực tuyến.
Lễ thượng cờ ASEAN tại Hà Nội. Ảnh: VGP
Lễ thượng cờ ASEAN tại Hà Nội. Ảnh: VGP

Cũng trong dịp này, sẽ diễn ra một số hội nghị cấp cao của các nước tiểu vùng ASEAN.

Hội nghị Cấp cao lần này dự kiến sẽ công bố/thông qua/ghi nhận 101 văn kiện (công bố 10 văn kiện, thông qua 25 văn kiện, ghi nhận 66 văn kiện), bao gồm các tuyên bố, chiến lược, khung hợp tác, kế hoạch hành động, báo cáo, tài liệu tầm nhìn… trên nhiều lĩnh vực ở 3 trụ cột hợp tác của ASEAN.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

TNhận lời mời của Quốc vương Brunei Darussalam, Chủ tịch ASEAN năm 2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự 14/17 hoạt động trong chuỗi Hội nghị Cấp cao lần này. Tháp tùng Thủ tướng Chính phủ tham dự có đại diện Lãnh đạo nhiều bộ, ngành trong Chính phủ.

Đây cũng là hoạt động đối ngoại đa phương chính thức có quy mô nhất trong năm 2021 mà Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự sau khi Ban Lãnh đạo mới của Việt Nam được thành lập từ Đại hội XIII của Đảng.

Hội nghị diễn ra trong bối cảnh năm 2021 tiếp tục là năm khó khăn đối với ASEAN. Trong bối cảnh như trên, đây sẽ là dịp đầu tiên trong năm 2021, Lãnh đạo các nước ASEAN trao đổi và chỉ đạo về chính sách, cũng như quyết định tất cả các vấn đề then chốt liên quan đến thực hiện các mục tiêu của ASEAN.

Trước đó ASEAN đã tổ chức Hội nghị các nhà Lãnh đạo ASEAN vào ngày 24/4/2021 tại Jakarta, Indonesia. Tuy nhiên, Hội nghị Cấp cao đặc biệt này chủ yếu tập trung trao đổi và thảo luận về tình hình chính biến tại Myanmar.

Trong đó, các nội dung về Xây dựng Cộng đồng năm 2020 trong nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN của Việt Nam cũng được duy trì và thúc đẩy, nổi bật là sáng kiến xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2025 và Đánh giá triển khai Hiến chương ASEAN.

ASEAN đã thông qua Lộ trình xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2025 và Quy chế hoạt động của Nhóm đặc trách cao cấp (HLTF) xây dựng Tầm nhìn. Theo Lộ trình, các nước sẽ cử đại diện tham gia Nhóm HLTF trước ngày 15/12/2021 và sẽ bắt đầu hoạt động từ tháng 1/2022. Nguyên Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh được cử làm Trưởng đoàn Việt Nam tham gia Nhóm HLTF xây dựng Tầm nhìn.

Bên cạnh đó, có ba nội dung lớn nổi lên tại chuỗi Hội nghị Cấp cao lần này, cũng là ba thách thức lớn đặt ra cho ASEAN trong năm 2021. Đó là kiểm soát đại dịch COVID-19, song song thúc đẩy phục hồi bền vững tiếp tục là trọng tâm trong tiến trình Xây dựng Cộng đồng ASEAN; Củng cố và phát huy vai trò trung tâm của ASEAN trong quan hệ với các Đối tác; Ứng xử của ASEAN trước các thách thức an ninh khu vực.

Thúc đẩy các ưu tiên, đóng góp vào công việc chung của ASEAN

Các hoạt động cấp cao của ASEAN sẽ diễn ra là dịp để Việt Nam tiếp tục khẳng định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng.

Phát huy kết quả tốt đẹp của nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam tiếp tục tham gia chủ động, tích cực, đóng góp trách nhiệm vào công việc chung của ASEAN, phối hợp với Chủ tịch Brunei thúc đẩy các ưu tiên của Việt Nam trong năm ASEAN 2020 gắn với các ưu tiên của năm 2021, đặc biệt về ứng phó COVID-19, đánh giá triển khai Hiến chương ASEAN, xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2025 và thúc đẩy vai trò của ASEAN trong hợp tác tiểu vùng.

Chủ trương tham gia các Hội nghị Cấp cao ASEAN lần này của Việt Nam là “đóng góp chủ động, ứng xử tích cực và sẻ chia trách nhiệm”, hướng tới vai trò nòng cốt, dẫn dắt trên các lĩnh vực, nội dung phù hợp, và hòa giải khi điều kiện thuận lợi. Chủ trương này phù hợp với tinh thần chung và mong muốn của Việt Nam: đồng hành cùng các nước ASEAN vượt qua khó khăn; giữ vững đoàn kết, thống nhất ASEAN; tiếp nối đà xây dựng Cộng đồng và đẩy mạnh liên kết khu vực; ứng phó hiệu quả các thách thức đang nổi lên; củng cố vai trò trung tâm và vị thế, tiếng nói quốc tế của ASEAN.

Biển Đông tiếp tục là vấn đề quan tâm của các nước ASEAN và các Đối tác

Biển Đông tiếp tục là vấn đề được các nước ASEAN và các Đối tác quan tâm và trao đổi sâu rộng. Trong thời gian gần đây, Biển Đông không xảy ra các sự cố nghiêm trọng song vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro do các hành động cả trên thực địa và pháp lý.

Nhìn chung, ASEAN duy trì quan điểm từ năm 2020, đề cao giá trị của luật pháp quốc tế bao gồm Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982, coi đây là khuôn khổ pháp lý cho mọi hoạt động trên biển và đại dương; nhấn mạnh tầm quan trọng của duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông;

Kêu gọi tự kiềm chế, không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình; thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử các bên ở Biển Đông (DOC), sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) thực chất, hiệu quả, phù hợp luật pháp quốc tế.

Tiến trình thực hiện DOC và đàm phán COC có một số tiến triển so với năm 2020 bị đình trệ vì dịch COVID-19. ASEAN và Trung Quốc đã tổ chức 03 cuộc họp Tiểu nhóm công tác (SWG) theo hình thức trực tuyến và 01 cuộc họp SOM ASEAN-Trung Quốc về thực hiện DOC (SOM-DOC) theo hình thức trực tiếp.

Đặc biệt, trong Hội nghị đặc biệt Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN- Trung Quốc (Trùng Khánh, tháng 6/2021), Trung Quốc lần đầu tiên công khai đề cập xây dựng COC phù hợp luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982, mong đạt được COC trong năm 2022 nhân kỷ niệm 20 năm DOC.

Đọc thêm