Hội nghị G20 kết thúc trong bất đồng về khí hậu

(PLO) - Các nhà lãnh đạo thế giới đã tỏ ra nhượng bộ Tổng thống Mỹ Donald Trump khi đề cập đến các vấn đề thương mại và khí hậu để đổi lấy sự thống nhất mong manh trong những vấn đề còn lại. Hội nghị năm nay được cho là hội nghị G20 bất đồng nhất và cũng hỗn loạn nhất từ trước đến nay.
Thủ tướng Đức Merkel và Tổng thống Mỹ Trump
Thủ tướng Đức Merkel và Tổng thống Mỹ Trump

Theo AFP, những bất đồng tại G20 được thể hiện ngay ở bản tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo sau cuộc họp. Khác hẳn với những tuyên bố sau cuộc họp thường có xu hướng vạch rõ sự đồng thuận của các bên về những vấn đề từ chống chủ nghĩa khủng bố và quản trị tài chính, tuyên bố sau cuộc họp năm nay cũng đã đề cập tới những điểm khác biệt giữa các nền kinh tế công nghiệp hóa và các nền kinh tế mới nổi về những vấn đề được xem là cốt lõi. 

Ví dụ, tuyên bố thừa nhận quyết định rút nước Mỹ khỏi thỏa thuận Paris năm 2015 của ông Trump và nêu rõ mong muốn của Washington trong việc tiếp tục sử dụng và bán nhiên liệu hóa thạch vốn được xem là nguyên nhân chính thúc đẩy hiện tượng nóng lên toàn cầu. Tuyên bố cũng đã lần đầu tiên nói về quyền của các nước trong việc bảo vệ các thị trường của họ bằng những công cụ phòng vệ thương mại hợp pháp – những từ ngữ cho phép ông Trump có thể thúc đẩy chính sách “Nước Mỹ trên hết” của ông. “Vì có sự không đồng thuận nên bản tuyên bố đã nêu rõ sự bất hòa”, Thủ tướng nước chủ nhà Angela Merkel xác nhận.

Việc ông Trump quyết tâm rút nước Mỹ khỏi thỏa thuận khí hậu đã được 153 nước phê chuẩn cũng đã mở ra khả năng những nước khác tiếp bước. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố Ankara nhiều khả năng cũng sẽ không phê chuẩn thỏa thuận trên. “Sau bước đi của Mỹ, lập trường của chúng tôi đang theo hướng không thông qua thỏa thuận đó tại Quốc hội”, ông Erdogan nói.Bên cạnh đó, ông này cũng úp mở rừng một số nước G20 khác cũng có vấn đề với bản thỏa thuận đạt được năm 2015.

Đe dọa của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã khiến cho hội nghị thượng đỉnh vốn đã bị ảnh hưởng bởi những tranh cãi song phương và xung đột về bảo vệ khí hậu và thương mại càng trở nên lộn xộn. Tình tiết ông Trump rời khỏi cuộc họp và để con gái Ivanka ngồi thế chỗ cũng đã khiến nhiều người chú ý.

Hội nghị G20 năm nay cũng thu hút sự chú ý trong khi những cuộc họp của các nhà lãnh đạo diễn ra ở những địa điểm được bảo đảm an ninh nghiêm ngặt thì ở bên ngoài, cảnh hỗn loạn và bạo lực đầy rẫy ở thành phố lớn thứ 2 của Đức. Chỉ cách nơi diễn ra hội nghị khoảng 10 phút đi bộ, đêm 7/7 đã xảy ra một cuộc đụng độ lớn giữa người biểu tình và cảnh sát. Vụ việc đã khiến Đệ nhất phu nhân Mỹ Melania Trump không thể rời nơi ở và buộc phía ban tổ chức phải thay đổi chương trình thăm các nhà lãnh đạo dự hội nghị của bạn đời của họ. 

Ngày 8/7, hàng chục người biểu tình tiếp tục diễu hành, khiến giới chức Đức phải huy động hàng nghìn cảnh sát chống bạo động và máy bay trực thăng làm nhiệm vụ bảo an. Đến sáng 9/7, khi hội nghị G20 đã kết thúc, những cuộc đụng độ mới vẫn nổ ra trên các đường phố ở Hamburg. Những người biểu tình đã phóng hỏa đốt một số chiếc xe. Phía cảnh sát đã có 1 số người bị thương, một số người biểu tình đã bị bắt giữ.

Trong bối cảnh như vậy, cuộc gặp mặt trực diện đầu tiên giữa ông Trump với Tổng thống Nga Vladimir Putin được nhiều người cho là điểm sáng của hội nghị. Chỉ 1 ngày sau khi ông Trump chỉ trích những hành động của Moscow ở Ukraine và Syria, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson nói rằng, ông Trump và ông Putin đã có cuộc trao đổi “thẳng thắn và kéo dài” về cáo buộc Nga can thiệp vào bầu cử năm 2016 của Mỹ. Tuy nhiên, vẫn theo ông Tillerson, trong cuộc gặp kéo dài 2 tiếng 15 phút đó, 2 nhà lãnh đạo đã kết nối rất nhanh chóng và có trao đổi rất tích cực. 

Ông Trump nói rằng cuộc thảo luận diễn ra rất tốt đẹp trong khi ông Putin đánh giá rất cao về ý nghĩa của cuộc gặp với quan hệ giữa 2 nước trong tương lai. “Có tất cả lý do để tin rằng chúng tôi sẽ ít nhất là có thể một phần thiết lập lại mức độ hợp tác mà chúng tôi cần”, ông Putin tuyên bố. 

Đọc thêm