Hội nghị ngành Công thương các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam tại TP Phú Quốc

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ngày 11/10, tại TP Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang), Bộ Công Thương phối hợp UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức Hội nghị Ngành Công thương các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam lần thứ X năm 2024.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng và ông Giang Thanh Khoa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, cùng đại diện các Sở, ngành tham quan các gian hàng tại hội chợ.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng và ông Giang Thanh Khoa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, cùng đại diện các Sở, ngành tham quan các gian hàng tại hội chợ.

Phát biểu tại hội nghị, bà Phan Thị Thắng - Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết: Hội nghị là cơ hội cho các doanh nghiệp trong khu vực gặp gỡ, tìm kiếm cơ hội hợp tác, xúc tiến đầu tư và thương mại, nhằm tăng cường các hoạt động liên kết đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh giao thương giữa các địa phương. Đồng thời, tìm hiểu tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương để định hướng liên kết vùng trong lĩnh vực phát triển công nghiệp, thương mại và dịch vụ.

Thứ trưởng Bộ Công thương Phan Thị Thắng phát biểu tại hội nghị.

Thứ trưởng Bộ Công thương Phan Thị Thắng phát biểu tại hội nghị.

Trong 9 tháng đầu năm 2024, sản xuất công nghiệp khu vực phía Nam tiếp tục duy trì mức tăng trưởng khá so cùng kỳ năm trước. Có 6/20 tỉnh, thành có mức tăng cao hơn mức tăng bình quân của khu vực (tăng 10,73%) gồm: Trà Vinh, Bình Phước, Kiên Giang, Tây Ninh, Vĩnh Long, Bến Tre. Đến hết tháng 9/2024, toàn khu vực phía nam có 186 cụm công nghiệp, tổng diện tích 8.498 ha. Trong đó, 111 cụm công nghiệp đi vào hoạt động, thu hút khoảng 1.618 dự án đầu tư sản xuất kinh doanh, với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 73.809 tỷ đồng, tạo việc làm cho hơn 162.810 lao động.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của khu vực phía Nam đạt hơn 2.442 nghìn tỷ đồng, tăng 12,47% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của khu vực ước đạt 108,4 tỷ USD, tăng 10,41% so với cùng kỳ. Còn kim ngạch nhập khẩu thực hiện 96,41 tỷ USD, tăng 10,66% so với cùng kỳ.

Trong 3 tháng cuối năm 2024, các địa phương tiếp tục phát triển mạnh vùng sản xuất, các khu công nghiệp, khu kinh tế, cụm công nghiệp để chủ động hơn nguồn cung ứng nguyên liệu trong nước. Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp tăng cường tìm kiếm đối tác sản xuất nguyên vật liệu, linh phụ kiện trong nước đủ khả năng sản xuất thay thế nguồn nhập khẩu trong ngắn hạn, trung hạn cũng như dài hạn.

Bộ Công thương khuyến khích các thành phần kinh tế đổi mới công nghệ, ưu tiên công nghệ sạch, phát triển các ngành công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn, sản xuất hàng xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản…, góp phần nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng mẫu mã sản phẩm.

Ông Trương Văn Minh - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Kiên Giang phát biểu.

Ông Trương Văn Minh - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Kiên Giang phát biểu.

Thứ trưởng Bộ Công thương đề nghị các tỉnh, thành khu vực phía Nam cần bám sát biến động của kinh tế thế giới để linh hoạt trong điều hành và rà soát bổ sung quy hoạch kế hoạch sử dụng đất phù hợp với quy hoạch tỉnh tạo cơ sở pháp lý đồng bộ tiếp nhận triển khai các dự án đầu tư.

Các địa phương trong vùng cũng cần chú trọng hướng dẫn doanh nghiệp tiếp cận triển khai thực hiện quy hoạch hạ tầng thương mại dịch vụ, cảng thương mại truyền thống và thương mại hiện đại.

“Sở Công Thương các tỉnh, thành và địa phương cần chú trọng xây dựng thương hiệu, tạo vị trí trên thị trường trong và ngoài nước thì sản phẩm bán vượt trội hơn giá trị đang thực hiện; Công tác phòng vệ thương mại địa phương cần chú trọng hơn, góp phần bảo vệ ngành sản xuất trong nước”, bà Phan Thị Thắng nhấn mạnh.

Long An nhận cờ luân lưu Hội nghị ngành công thương tỉnh, thành khu vực phía Nam lần thứ 11, năm 2025.

Long An nhận cờ luân lưu Hội nghị ngành công thương tỉnh, thành khu vực phía Nam lần thứ 11, năm 2025.

Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, trao đổi kinh nghiệm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc liên quan trong công tác quản lý nhà nước của các sở, ngành ở địa phương; đề ra giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo liên kết, hỗ trợ, hợp tác trong phát triển ngành công thương mỗi tỉnh, thành phố và toàn khu vực. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng trao đổi về các hoạt động liên kết đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh giao thương giữa các địa phương trong khu vực.

Đọc thêm