Tại họp báo, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ cho biết, đây là hội nghị cấp cao đầu tiên Việt Nam chủ trì trong lĩnh vực tăng trưởng xanh, thể hiện cam kết mạnh mẽ đồng hành cùng cộng đồng quốc tế và các thành viên P4G trong triển khai các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc, cũng như các nỗ lực hợp tác thúc đẩy các chiến lược phát triển xanh - bền vững trên toàn cầu.
Thông qua hội nghị này, Việt Nam mong muốn tạo ra cơ hội, nền tảng để nâng cao nhận thức chung của cộng đồng quốc tế về ứng phó biến đổi khí hậu; chia sẻ kinh nghiệm, nguồn lực… phục vụ phát triển bền vững, tăng trưởng xanh… Đồng thời, Việt Nam mong muốn mở rộng hợp tác quốc tế sâu rộng, không chỉ trong nhóm P4G mà còn giữa các thành viên nhóm với các nước và các tổ chức quốc tế khác.
Đây còn là cơ hội quý để Việt Nam học hỏi các nước trong tiến trình xây dựng kinh tế xanh, triển khai các nỗ lực tăng trưởng xanh; tìm hiểu tiềm năng các nguồn vốn phục vụ tăng trưởng xanh, kinh nghiệm phát triển thị trường tài chính xanh tại các nước.
Trong khuôn khổ hội nghị sẽ có các phiên làm việc chuyên đề; Phiên thảo luận cấp cao “Chuyển đổi xanh bền vững, lấy con người làm trung tâm” do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì...
![]() |
Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ phát biểu tại họp báo. |
Trả lời báo chí về lý do chọn chủ đề “Chuyển đổi xanh bền vững, lấy con người làm trung tâm”, Thứ trưởng cho biết, Chuyển đổi xanh và phát triển bền vững là xu hướng tất yếu trong tương lai toàn cầu. Tuy nhiên, để hiện thực hóa mục tiêu này, vai trò của con người đóng vai trò then chốt. Con người không chỉ là chủ thể trong sản xuất, kinh doanh và tham gia vào các sáng kiến hợp tác, mà còn là đối tượng trực tiếp thụ hưởng các thành quả của quá trình chuyển đổi. Chính vì vậy, việc đặt con người làm trung tâm là quan điểm xuyên suốt trong chính sách của Đảng và Nhà nước, qua đó, nâng cao nhận thức của người dân, góp phần định hình một tương lai xanh và bền vững hơn.
Trong giai đoạn 1 (2018-2022), Việt Nam nhận được tài trợ cho các dự án tập trung vào các lĩnh vực: chuyển dịch năng lượng, giao thông xanh, xanh hóa chuỗi giá trị lương thực và nông nghiệp, công nghiệp xanh không chất thải và các giải pháp số trong lĩnh vực tài nguyên nước.
Trong giai đoạn 2 (2023 - 2027), P4G sẽ tiếp tục hỗ trợ các chương trình đối tác theo mô hình Chính phủ - tổ chức phi lợi nhuận - doanh nghiệp khởi nghiệp mang đến các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng xanh và các hành động khí hậu trong năm lĩnh vực: chống thất thoát và lãng phí thực phẩm, nông nghiệp thông minh, bảo tồn nguồn nước, năng lượng tái tạo và giao thông xanh.
Trả lời câu hỏi diễn đàn sẽ mang lại tác động tích cực gì cho Việt Nam, Thứ trưởng nhấn mạnh, nhận thức rõ tầm quan trọng của bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, Đảng và Nhà nước đã có các chủ trương, chính sách nhất quán nhằm thúc đẩy quá trình này. Thông qua diễn đàn lần này, Việt Nam có cơ hội tiếp cận với kinh nghiệm, mô hình phát triển và bài học thực tiễn từ các quốc gia đi trước trong quá trình tăng trưởng nhanh nhưng cũng đảm bảo tính bền vững.
Đồng thời, Việt Nam có thể tận dụng hiệu quả các nguồn lực từ các tổ chức quốc tế như Liên Hợp Quốc, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và nhiều đối tác khác trong quá trình hợp tác và triển khai các chương trình chuyển đổi xanh.
Bên cạnh đó, Việt Nam hiện được xem là một trong những quốc gia tiêu biểu và đạt được nhiều thành công trong việc thúc đẩy phát triển bền vững, diễn đàn cũng giúp thể hiện vai trò là một thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, cùng hướng đến mục tiêu tăng trưởng xanh toàn cầu.
Diễn đàn P4G được thành lập năm 2017 do Đan Mạch khởi xướng, với mục tiêu phối hợp chính sách, thúc đẩy hợp tác công - tư, kết nối các chính phủ, doanh nghiệp và tổ chức chính trị - xã hội nhằm thúc đẩy tăng trưởng xanh, đóng góp thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững.
Trọng tâm hợp tác của P4G hiện tập trung vào 04 lĩnh vực ưu tiên, gồm: Giảm thất thoát và lãng phí lương thực; nông nghiệp thông minh thích ứng biến đổi khí hậu; nguồn nước bền vững; năng lượng tái tạo và giao thông không phát thải.
P4G có 09 quốc gia thành viên, bao gồm: Đan Mạch, Việt Nam, Hàn Quốc, Ethiopia, Kenya, Colombia, Hà Lan, Indonesia và Nam Phi và 05 tổ chức đối tác. Kết quả nổi bật của P4G là cung cấp hỗ trợ tài chính, kỹ thuật cho các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ trong lĩnh vực chống biến đối khí hậu.