Hội nghị có tầm chiến lược lớn, lâu dài
Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII vừa qua đã xem xét, quyết định nhiều vấn đề trọng đại, có ý nghĩa lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Ông có thể đánh giá về kết quả Hội nghị này?
- Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã tổng kết 4 nghị quyết quan trọng mà các Hội nghị Trung ương các khóa đã ban hành, như Nghị quyết Trung ương 7 khóa IX về đại đoàn kết toàn dân tộc, Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về xây dựng đội ngũ trí thức, Nghị quyết Trung ương 5 khóa XI một số vấn đề về chính sách xã hội, Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Qua tổng kết 5 năm, 10 năm của các nghị quyết quan trọng đó, Trung ương đã dành trí tuệ để xem xét, khẳng định tính đúng đắn của các nghị quyết. Đồng thời, thống nhất ban hành các nghị quyết mới trên cơ sở kế thừa và phát triển những nghị quyết của các Hội nghị Trung ương khóa trước và có nhiều điểm mới về xây dựng đội ngũ trí thức, đại đoàn kết dân tộc, chính sách xã hội, chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới…
Những vấn đề được đưa ra bàn thảo tại Hội nghị đều là những vấn đề lớn lao của đất nước, liên quan đến bản chất của chế độ, thành quả của cách mạng và thiết thực đến đời sống của dân, đặc biệt là gắn bó với chiến lược phát triển đất nước lâu dài, để thực hiện cho được mục tiêu xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc mà Đảng ta đã đề ra. Do đó, có thể khẳng định Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII là hội nghị có tầm chiến lược lớn, lâu dài chứ không phải chỉ giải quyết công việc giữa 2 kỳ Hội nghị Trung ương. Đây là ý nghĩa quan trọng nhất của Hội nghị.
Điểm quan trọng thứ hai là Hội nghị đã tổng kết các vấn đề kinh tế - xã hội (KT-XH), ngân sách nhà nước của năm 2023 và đặt ra những phương hướng cho năm 2024, hướng đến khi hết nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng; đồng thời, có những tư duy mới trong nhận thức, đánh giá tình hình KT-XH. Trong năm 2023, mặc dù tăng trưởng GDP của cả nước dự báo sẽ thấp hơn chỉ tiêu đề ra nhưng vẫn là mức khá cao so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, trong 9 tháng đầu năm vừa qua, kinh tế nước ta vẫn tiếp tục là “điểm sáng” trong bức tranh không mấy sáng sủa của kinh tế toàn cầu là rất quan trọng. Tới đây, các ngành KT-XH cần tập trung thực hiện cho được tư tưởng chỉ đạo của Hội nghị.
Vấn đề quan trọng thứ ba của Hội nghị là bước đầu quy hoạch nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XIV. Đây mới là bước đầu quy hoạch, còn phải có nhiều Hội nghị Trung ương tiếp theo để bàn nhưng Hội nghị lần này đã nêu ra vấn đề cực kỳ quan trọng là về công tác quy hoạch cán bộ cấp chiến lược, bởi cán bộ cấp chiến lược quyết định đến chiều hướng phát triển của Đảng, của đất nước và của chế độ ta trong thời gian sắp tới. Tổng Bí thư trong phát biểu bế mạc Hội nghị cũng đã nhấn mạnh vấn đề này. Như trước đây chúng ta vẫn khẳng định, xây dựng Đảng là then chốt, công tác cán bộ lại là “then chốt của then chốt”.
Qua tổng kết lại những phương pháp quy hoạch cán bộ trong thời gian qua, nhất là từ đầu nhiệm kỳ cho đến nay thì Trung ương đã thấy được mặt mạnh và hạn chế, nhất là việc số cán bộ cao cấp có những sai phạm phải xử lý. Điều đó để hướng tới quy hoạch của Ban Chấp hành Trung ương khóa tới cho tốt, chọn được đúng người có phẩm chất, trí tuệ, năng lực, có uy tín, có trách nhiệm để thực hiện được nhiệm vụ trong thời kỳ phát triển mới đất nước.
Người dân phải trở thành chủ thể trong thực hiện các nghị quyết
Phiên bế mạc Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII. (Nguồn ảnh: TTXVN) |
Tại Hội nghị, Ban Chấp hành Trung ương đã nhất trí cao ban hành Nghị quyết về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới với nhiều nội dung kế thừa và đổi mới, bổ sung, phát triển quan trọng so với Nghị quyết Trung ương 5 khóa XI. Ông nhìn nhận như thế nào về ý nghĩa của quyết sách này?
- Trong phát biểu bế mạc Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh quan điểm, tư tưởng chỉ đạo rằng chính sách xã hội là chính sách đối với con người, vì con người, thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ ta. Thực ra, lâu nay chúng ta vẫn nói xây dựng chủ nghĩa xã hội (CNXH) nhưng cũng có người không hình dung được xây dựng CNXH là thế nào. CNXH là giải phóng triệt để con người về mặt xã hội, mang lại điều tốt đẹp nhất cho con người, để con người được sống trong tự do, ấm no, hạnh phúc cả về vật chất và tinh thần, có quyền làm chủ đất nước và xã hội, làm chủ được cuộc sống của chính mình. Cùng với đó, hướng con người đi vào “sự nghiệp” tự giác để xây dựng một xã hội mới vì cuộc sống của con người, của nhân dân.
Những vấn đề về chính sách sách xã hội hay an sinh xã hội nhằm mang lại cuộc sống tốt đẹp nhất cho con người cả về vật chất, chính trị, tinh thần, văn hóa… hướng tới con người, lấy con người là trung tâm phục vụ chính là CNXH. Như vậy, những nội dung trong nghị quyết về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới sẽ được ban hành tới đây chính là hướng tới mục tiêu xây dựng CNXH theo kiểu của Việt Nam.
Thưa ông, để những quyết sách của Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII nhanh chóng đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả, cần lưu ý những nội dung gì?
- Những quyết sách tại Hội nghị đều là những vấn đề cấp thiết và lâu dài nên trước hết, cần tuyên truyền, quán triệt, giáo dục sâu sắc những nội dung của Hội nghị và những quan điểm cơ bản của các nghị quyết sắp tới sẽ ban hành, nhằm tạo chuyển biến trong nhận thức, từ đó, biến lời nói thành hành động. Nghị quyết thì hay mà cứ để đó thì không đi vào cuộc sống được nên phải tuyên truyền, giáo dục, trước hết là trong Đảng và sau đó là trong toàn xã hội, trong nhân dân để mọi người cùng hiểu được sâu sắc. Để làm được điều đó, phải đổi mới cách thức học, truyền thụ các nghị quyết của Đảng theo hướng thiết thực, nếu chỉ ngồi nghe thì thấy hay nhưng khi áp dụng vào công việc lại thấy lúng túng là không được. Đó là giải pháp cơ bản nhất.
Giải pháp thứ hai là phải hết sức coi trọng việc tổ chức thực hiện, Tổng Bí thư cũng nhiều lần nhấn mạnh, chúng ta vẫn yếu nhất là khâu tổ chức thực hiện. Có chủ trương, có chính sách, pháp luật rất rõ ràng nhưng nhiều khi tổ chức thực hiện vẫn lúng túng. Điều này đòi hỏi đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của tất cả các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương, cơ sở phải hành động quyết liệt; phải làm sao đưa được quan điểm, nghị quyết của Đảng vào cuộc sống. Phải động viên cao độ cán bộ dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, sáng tạo, dám vượt qua khó khăn, thách thức vì nhiệm vụ chung trên cơ sở nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Một điểm hết sức quan trọng nữa là những vấn đề nêu trên đều rất thiết thực đến đời sống của người dân nên phải tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân, động viên để nhân dân cùng tham gia. Phải làm sao để người dân hiểu rõ thế nào chiến lược an ninh nhân dân, chiến lược quốc phòng toàn dân, an sinh xã hội, đại đoàn kết dân tộc… Tất cả những nội dung đó phải hết sức cụ thể, không chỉ là khẩu hiệu và phải trở thành phong trào toàn dân, chứ không phải vấn đề riêng của Đảng.
Người dân phải là chủ thể trong các nghị quyết, họ sẽ rơi vào thế bị động nếu chỉ thụ hưởng. Do đó, các nghị quyết tới đây phải làm sao để người dân thực sự là chủ thể và khi người dân đã là chủ thể rồi sẽ tạo ra những bứt phá, chuyển biến rất lớn, còn nếu chỉ ở nội bộ Đảng, bộ máy nhà nước, hệ thống chính trị hiểu, không trở thành phong trào cách mạng của quần chúng thì sẽ rất khó thực hiện.
Trân trọng cảm ơn ông!
“Tới đây, với việc nghiên cứu bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam” của Tổng Bí thư và việc ban hành nghị quyết về chính sách xã hội mới, hệ thống chính sách xã hội sẽ ngày càng hoàn thiện. Đó chính là hiện thực hóa mục tiêu CNXH” - PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc nói.