Giải quyết những vấn đề hộ tịch, quốc tịch biên giới
Hội nghị Tư pháp các tỉnh có chung đường biên giới Việt Nam - Lào lần I được tổ chức vào năm 2011 tại Thanh Hoá, mục tiêu chính của hội nghị là thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa các tỉnh có chung đường biên giới, nhằm góp phần giữ gìn an toàn xã hội, đảm bảo người dân được làm ăn sinh sống ổn định, mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực giữa hai nước. Đồng thời tiếp tục xây dựng tuyến biên giới Việt Nam – Lào hòa bình hữu nghị, ổn định, ngày càng phát triển lâu dài.
Đây là lần đầu tiên các đại biểu hai nước tập trung thảo luận về tình hình hợp tác giữa Bộ Tư pháp hai nước Việt – Lào và định hướng hợp tác giữa Sở Tư pháp các tỉnh đường biên, vấn đề di cư tự do, kết hôn không giá thú dọc biên giới Việt Nam – Lào, công tác luật sư, THADS... của hai nước. Đồng thời trao đổi, thảo luận, nêu bật những vướng mắc trong quá trình giải quyết những vấn đề tư pháp của mỗi bên ở khu vực biên giới để cùng tìm ra giải pháp thích hợp. Qua đó, thống nhất đẩy mạnh PBGDPL, giúp cư dân vùng biên nắm được quy định pháp luật mỗi nước để có hành xử cho đúng quy định. Các bên cũng cần cung cấp thông tin, tham vấn lẫn nhau để bảo đảm giải quyết những vấn đề này đúng pháp luật mỗi nước.
Hội nghị Tư pháp các tỉnh có chung đường biên giới Việt Nam - Lào lần I. |
Hội nghị cũng đã thống nhất rà soát lại Hiệp định tương trợ tư pháp Việt Nam và Lào để bổ sung, đổi mới; cần có phối hợp chặt chẽ trong quá trình tham gia các Hiệp định ASEAN và Lahay về tư pháp quốc tế; thực hiện hiệu quả thỏa thuận 2011-2015.
Tiếp nối kết quả đạt được của Hội nghị lần I, Hội nghị Tư pháp các tỉnh đường biên Việt Nam – Lào lần II được tổ chức vào năm 2014 tại Thủ đô Viêng Chăn (Lào) đã tiếp tục củng cố sự hợp tác trong việc quản lý biên giới và xây dựng môi trường pháp lý thuận lợi cho sự phát triển bền vững của khu vực biên giới giữa hai nước.
Việc thực hiện hợp tác trong khuôn khổ thỏa thuận giữa 2 Bộ Tư pháp giai đoạn 2011-2015 ngày càng được đẩy mạnh, đến nay đã có 7/10 cặp tỉnh có chung đường biên giới ký kết các thỏa thuận hợp tác/biên bản ghi nhớ.
Kể từ sau Hội nghị này, công tác đăng ký quản lý hộ tịch, giải quyết các vấn đề quốc tịch tại các tỉnh biên giới hai nước Việt Nam – Lào ngày càng được tăng cường. Cơ quan tư pháp tại các tỉnh biên giới Việt – Lào tích cực phối hợp thực hiện thỏa thuận giữa hai Chính phủ về giải quyết vấn đề người di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới. Bên cạnh đó, hai bên đã có cố gắng thực hiện các quy định có liên quan của Hiệp định tương trợ tư pháp về dân sự và hình sự giữa hai nhà nước.
Bộ trưởng Hà Hùng Cường phát biểu tại Hội nghị. |
Trong lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực pháp luật, các cơ sở đào tạo luật thuộc Bộ Tư pháp Việt Nam đã đẩy mạnh hợp tác bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác pháp luật và tư pháp Lào…Ngành Thi hành án các địa phương chung đường biên giới tiếp tục phối hợp trong công tác thi hành án dân sự và hình sự. Các Sở Tư pháp các tỉnh vùng biên giới phối hợp tăng cường các hoạt động đã thỏa thuận tư pháp như tuyên truyền giáo dục phổ biến pháp luật, hòa giải, trợ giúp pháp lý.
Hoàn thiện cơ chế phối hợp linh hoạt, kịp thời và thực chất
Hội nghị tư pháp các tỉnh có chung đường biên giới Việt – Lào mở rộng lần thứ 3 được tổ chức tại Thanh Hoá vào năm 2016 là một sự kiện quan trọng, là biểu hiện sinh động của mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt, là thành quả của tỉnh bạn, tình đồng chí thủy chung, son sắt giữa Bộ và ngành Tư pháp hai nước. Hội nghị là một bước tiến quan trọng trong việc thúc đẩy hợp tác tư pháp và quản lý biên giới giữa Việt Nam và Lào, góp phần bảo vệ an ninh, ổn định khu vực biên giới và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội tại các khu vực này.
Một trong những kết quả đạt được kể từ sau Hội nghị lần III là công tác quản lý và đăng ký hộ tịch, giải quyết các vấn đề quốc tịch tại các tỉnh biên giới Việt Nam - Lào theo Thỏa thuận đã ký giữa hai Chính phủ đã ngày càng được tăng cường và bước đầu đạt nhiều kết quả đáng khích lệ.
Hội nghị Tư pháp các tỉnh có chung đường biên giới Việt - Lào. |
Với sự chỉ đạo của hai Bộ Tư pháp, cấp ủy và chính quyền địa phương, các cơ quan tư pháp các tỉnh biên giới Việt Nam – Lào đã và đang tích cực phối hợp thực hiện có hiệu quả Thỏa thuận giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ nước CHDCND Lào về di cư tự do và kết hôn không giá thú của người dân ở vùng biên giới hai nước. Hai bên cũng đã có nhiều cố gắng trong việc thực hiện công tác thi hành án dân sự theo quy định của Hiệp định Tương trợ tư pháp giữa nước CHXHCN Việt Nam và nước CHDCND Lào.
Tại Hội nghị lần thứ 3 này, hai bên đã ký kết Biên bản thỏa thuận giữa Bộ Tư pháp Việt Nam và Bộ Tư pháp Lào về việc triển khai Dự án Hỗ trợ Học viện Tư pháp Lào; Chương trình hợp tác giữa Bộ Tư pháp Việt Nam và Bộ Tư pháp Lào năm 2017 và Thỏa thuận hợp tác giữa Đại học Luật Hà Nội và Học viện Tư pháp Quốc gia Lào.
Năm 2018, Hội nghị Tư pháp các tỉnh có chung đường biên giới Việt Nam – Lào mở rộng lần IV với chủ đề “Đẩy mạnh hợp tác tư pháp địa phương Việt Nam – Lào nhằm đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp cho người dân vùng biên” được tổ chức tại thủ đô Viêng Chăn (Lào) đã đánh giá cao sự nỗ lực, tích cực của Bộ Tư pháp Việt Nam và Lào, các Sở Tư pháp và cơ quan thi hành án dân sự hai nước trong việc triển khai các hoạt động hợp tác, phối hợp giải quyết nhiều nhiệm vụ công tác tư pháp ở địa phươngcũng như việc triển khai thực hiện Dự án Hỗ trợ Học viện Tư pháp quốc gia Lào từ nguồn vốn viện trợ của Chính phủ Việt Nam dành cho Lào nhằm tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ tư pháp của Lào.
Đặc biệt, trong việc thực hiện Thỏa thuận giữa hai Chính phủ về việc giải quyết vấn đề người di cư tự do, kết hôn không giá thú trong vùng biên giới hai nước, đẩy mạnh giải quyết hiệu quả các vấn đề hộ tịch, quốc tịch đối với các trường hợp không thuộc đối tượng áp dụng của Thỏa thuận.
Kết thúc tốt đẹp Hội nghị tư pháp các tỉnh có chung đường biên giới Việt – Lào mở rộng lần IV |
Tại Hội nghị này, đã diễn ra Lễ ký 04 thỏa thuận hợp tác giữa 04 cặp Sở Tư pháp địa phương, bao gồm: Sơn La – Bô Kẹo; Hải Dương – Viêng Chăn; Hải Phòng – Viêng Chăn; Kon Tum - Ắt Ta Pư.
Bộ trưởng Lê Thành Long phát biểu tại Hội nghị. |
Tiếp tục khẳng định tầm quan trọng của hợp tác tư pháp trong việc xây dựng một biên giới hoà bình, ổn định và phát triển bền vững giữa Việt Nam – Lào, Hội nghị Tư pháp các tỉnh có chung đường biên giới Việt Nam – Lào lần thứ V (2022) đã hoàn tất việc đàm phán để ký kết Hiệp định tương trợ tư pháp về dân sự, nâng cao hiệu quả thực hiện các yêu cầu ủy thác tư pháp về dân sự; tăng cường phối hợp trong các hoạt động hợp tác về tương trợ tư pháp đa phương và khu vực, trong đó có việc phối hợp triển khai thực hiện sáng kiến của Việt Nam về tăng cường tương trợ tư pháp về dân sự trong ASEAN...
Toàn cảnh Hội nghị Tư pháp các tỉnh có chung đường biên giới Việt Nam - Lào mở rộng lần thứ V. |
Ngoài ra, hai Bộ Tư pháp thống nhất sẽ phối hợp triển khai thực hiện hiệu quả các Chương trình hợp tác hàng năm để thực hiện Thỏa thuận hợp tác giai đoạn 2021-2025 giữa hai Bộ, Thỏa thuận hợp tác giữa Đại học Luật Hà Nội, Học viện Tư pháp thuộc Bộ Tư pháp Việt Nam với Học viện Tư pháp quốc gia Lào. Đặc biệt, hai bên phối hợp tích cực, chặt chẽ để kịp thời hoàn thành các hoạt động trong khuôn khổ Dự án ODA hỗ trợ Học viện Tư pháp quốc gia Lào đảm bảo chất lượng, hiệu quả.
Lãnh đạo Bộ Tư pháp Việt Nam và Bộ Tư pháp Lào ký kết Chương trình hợp tác năm 2023. |
Bên lề Hội nghị, hai bên đã ký kết Chương trình hợp tác giữa Bộ Tư pháp Việt Nam và Bộ Tư pháp Lào năm 2023; Thỏa thuận hợp tác giữa Trường Cao đẳng Luật miền Trung và Học viện Tư pháp quốc gia Lào; Thỏa thuận hợp tác giữa Sở Tư pháp tỉnh Sơn La (Việt Nam) và Sở Tư pháp tỉnh Xay-nha-bu-li (Lào).
Nhân dịp này, Bộ Tư pháp hai nước Việt - Lào tổ chức lễ kỷ niệm 40 năm hợp tác pháp luật và tư pháp. Lễ kỷ niệm là cơ hội để hai bên cùng nhìn lại và đánh giá chặng đường quan hệ hợp tác 40 năm qua, tri ân những đóng góp của thế hệ đi trước trong việc gây dựng và phát triển quan hệ hợp tác pháp luật và tư pháp giữa hai nước, để cùng nhau tiếp tục phát huy, làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện giữa hai ngành tư pháp nói chung, giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Việt-Lào nói chung.
Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Việt Nam Nguyễn Thành Long trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhì cho Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lào Phây-vi Xi-bua Li-pha. |
Qua đó, Bộ trưởng Tư pháp hai nước Việt - Lào đều mong muốn, quan hệ hợp tác giữa hai Bộ Tư pháp tiếp tục nâng cao chất lượng hợp tác và tiếp tục được các thế hệ lãnh đạo, cán bộ của bộ, ngành Tư pháp hai nước nuôi dưỡng, vun đắp, phát triển và được các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước Việt Nam - Lào ủng hộ, khích lệ để đạt được nhiều kết quả nổi bật, đóng góp chung vào sự phát triển, góp phần ngày càng gắn bó và vun đắp mối quan hệ hữu nghị đặc biệt toàn diện Việt- Lào...
Đại biểu hai nước tham dự Hội nghị công tác tư pháp các tỉnh có chung đường biên giới Việt Nam-Lào mở rộng lần thứ 5. |
Có thể nói, mối quan hệ hợp tác giữa các cơ quan tư pháp và THADS địa phương có chung đường biên giới hai nước ngày càng được tăng cường, góp phần thiết thực vào việc giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, bảo đảm cho người dân ở vùng biên giới 2 nước làm ăn, sinh sống ổn định; ngăn chặn và làm thất bại các hoạt động chống phá của thế lực thù địch; phòng chống các loại tội phạm qua biên giới; tiếp tục xây dựng tuyến biên giới Việt Nam – Lào hòa bình, hữu nghị, qua đó cũng làm sâu sắc hơn, thúc đẩy tình hữu nghị, đoàn kết đặc biệt giữa hai nước Việt Nam – Lào ngày càng phát triển, đi vào chiều sâu, ổn định, bền vững.
Một số hình ảnh tại các Hội nghị: