Triển khai chính sách còn vướng
Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện NQ 1052 cho biết, qua một năm triển khai, các bộ, ngành thường xuyên rà soát, hệ thống hóa các văn bản quy phạm pháp luật trong phạm vi quản lý của ngành; chỉnh sửa, xây dựng và ban hành mới các luật nhằm bảo đảm tính đồng bộ, minh bạch, khả thi, phù hợp với các cam kết hội nhập kinh tế mà Việt Nam đã ký kết và tham gia, đồng thời phù hợp với tình hình thực tế.
Hiện tại, các bộ, ngành cũng đang tiếp tục triển khai các giải pháp thực hiện Quy hoạch phát triển nhân lực của ngành trên cơ sở Quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực theo hướng hội nhập và phấn đấu đạt trình độ tương đương với các nước trong khu vực.
Việc Quy hoạch và triển khai phát triển các vùng nguyên liệu có chất lượng, hiệu quả cao, dựa trên lợi thế cạnh tranh của các sản phẩm xuất khẩu chủ lực, tránh phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu cũng đang được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp cùng các bộ hướng dẫn các địa phương rà soát, xây dựng quy hoạch phát triển sản xuất nông, lâm, diêm nghiệp và thủy sản, bao gồm việc đầu tư phát triển các vùng nguyên liệu có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và phục vụ cho xuất khẩu.
Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu nhận xét, báo cáo vẫn chưa nêu bật lên được hiện tại ngành nào, lĩnh vực nào của nước ta đang còn chậm và có xu hướng tụt hậu so với thế giới. Đặc biệt, trong 10 nhóm tồn tại, vướng mắc báo cáo nêu thì đâu là cản trở tạo ra trì trệ? Theo ông Giàu, thực tế có nhiều vấn đề rất vướng trong đó có việc tổ chức thực hiện chính sách. “Chỗ này, chỗ kia bị kêu ca và chủ yếu là cán bộ công quyền triển khai”, ông Giàu nói.
Cùng chung quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình cho rằng, nhóm cơ chế chính sách đã được chúng ta sửa nhiều và phủ khá kín nhưng việc triển khai như thế nào thì chưa được làm rõ. Ông Bình đặt câu hỏi: “Vấn đề lớn nhất vẫn là hệ thống quản lý nhà nước của chúng ta tuân thủ luật như thế nào? Hệ thống cán bộ quản lý hành chính của chúng ta có làm đúng luật hay không?”. Theo ông Bình, vấn đề nằm ở hệ thống thực hiện chứ không phải do chính sách.
Cần dự báo để hội nhập
Ông Bình cũng tỏ ra băn khoăn khi cho rằng, dù báo cáo về quá trình hội nhập kinh tế quốc tế nhưng trong báo cáo lại chủ yếu nói về vấn đề trong nước mà chưa nhắc nhiều đến tình hình thế giới. “Một điều hết sức khó dự đoán đó là Hoa Kỳ có thể thay đổi nhiều chính sách khi có Tổng thống mới. Cùng với đó, hiện nay riêng trong khối ASEAN thì các nước đang thực hiện, hành động như thế nào trong việc hội nhập?”, ông Bình nói. Còn ông Nguyễn Văn Giàu thì nhận định: Nhiệm vụ dự báo các nước là đối tác lớn của nước ta là điều đương nhiên. Việc hội nhập mà không dự báo được thì không thể hội nhập.
Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho rằng, vấn đề nguồn lực là chìa khóa, là yếu tố tiên quyết, quan trọng hàng đầu để chúng hội nhập thành công thì chưa được xem trọng trong báo báo. Việc đánh giá nguồn nhân lực vỏn vẹn trong 10 dòng là quá sơ sài và chưa xứng tầm quan trọng.
Tham dự với tư cách là khách mời, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã phát biểu trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội về vấn đề hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta. Ông Huệ cho biết, hiện Chính phủ đang đánh giá vấn đề đàm phán các hiệp định và đề xuất sáng kiến, tới đây sẽ xem xét, lựa chọn tham gia cuộc chơi nào phù hợp.
“Ngoài việc hoàn thiện thể chế để phù hợp với các điều ước, hiệp định đã ký kết trước thì chúng ta cần chủ động đề xuất các cam kết quốc tế. Điều này đòi hỏi các cơ quan nghiên cứu rất kỹ lưỡng; hiện nay, đang giao Bộ Công Thương và liên ngành nghiên cứu. Ví dụ, các nước khác khởi xướng cuộc chơi thay TPP thì chúng ta sẽ tham gia như thế nào”, ông Huệ cho hay.
Phó Thủ tướng cho biết, khi đàm phán, ký kết gia nhập rồi thì chúng ta cần nhìn lại vấn đề hội nhập trong nước. Theo ông, hiện tại việc chuẩn bị tâm thế hội nhập của nước ta còn hạn chế. Sau khi hội nhập, có nhiều thách thức chúng ta không vượt qua được, có nhiều thứ chúng ta thua ngay trên sân nhà. Chính vì thế, hiện nay Chính phủ đang nỗ lực chỉ đạo vấn đề này.