Hội nhập sâu, phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ

Thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020, cần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ ngày càng cao trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng; thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế...

Thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020, cần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ ngày càng cao trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng; thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế...

Thủy hải sản đã trở thành một mặt hàng xuất khẩu mạnh của Việt Nam vào WTO

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh như trên tại Hội nghị toàn quốc đánh giá việc thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW và Nghị quyết 16/2007/NQ – CP tổ chức sáng qua - 14/8.

Thời gian qua, thực hiện chủ trương chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, chúng ta đã chuyển trọng tâm từ phá bỏ thế cô lập về kinh tế để hội nhập vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu sang việc đẩy mạnh tìm kiếm thị trường, thúc đẩy quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Cùng đó, trên phương diện đa phương, các cam kết trong WTO gần như đã được thực hiện đầy đủ và đã có thể có đánh giá tương đối toàn diện và chi tiết tác động của các cam kết gia nhập.

Theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, Nghị quyết 08-NQ/TW và Nghị quyết 16/2007/NQ-CP đã nhận định về những cơ hội, thách thức của việc gia nhập WTO và mối quan hệ tác động qua lại, có thể chuyển hóa lẫn nhau, vẫn còn nguyên giá trị trong bối cảnh hiện nay. Về cơ bản Việt Nam đã hình thành được một hệ thống pháp luật tương đối đầy đủ, đồng bộ và tương thích với quy định của WTO, tạo ra môi trường kinh doanh ngày càng bình đẳng, minh bạch và dễ dự đoán hơn.

Việt Nam đã bước đầu tận dụng được cơ hội do việc gia nhập WTO đem lại để khai thác, huy động được nhiều nguồn vốn trong và ngoài nước cho đầu tư phát triển, đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ, lao động, đầu tư ra nước ngoài. Trái với một số lo ngại trước đây, nhiều ngành kinh tế (viễn thông, dịch vụ tài chính, dịch vụ phân phối, sản xuất công nghiệp, nông nghiệp…) đã đứng vững trong cạnh tranh khi Việt Nam mở cửa với bên ngoài theo cam kết gia nhập WTO, thậm chí có ngành đã phát triển vượt bậc, đủ tầm vươn ra thế giới.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các Bộ ngành, địa phương, sức cạnh tranh của nền kinh tế, DN và sản phẩm của Việt Nam mặc dù đã được cải thiện nhưng vẫn còn yếu so với các nước, kể cả các nước trong khu vực. Các ngành kinh tế, DN mang tính mũi nhọn, có khả năng vươn ra chiếm lĩnh thị trường khu vực và thế giới vẫn chưa nhiều, chưa có khả năng đi đầu, kéo các ngành, các doanh nghiệp khác cùng phát triển. Công tác quản lý, điều hành của các cơ quan quản lý nhà nước và quản trị của DN tuy đã có sự cải thiện nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của tình hình mới…

Sau hội nghị này, Chính phủ cũng như các Bộ ngành, địa phương thấy rõ các mặt được, mặt hạn chế và cùng tìm nguyên nhân, đề ra phương hướng thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW và Nghị quyết 16/2007/NQ-CP trong các năm tiếp theo nhằm tiếp tục thực hiện chủ trương chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, khai thác tối đa các nguồn lực bên ngoài để phát triển nhanh, bền vững, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 – 2020.

Uyên Hương

Đọc thêm