Phát biểu khai mạc, Viện trưởng Nguyễn Văn Cương nhấn mạnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã tác động mạnh mẽ tới nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực lao động, việc làm. Nhiều quốc gia trên thế giới đã chuyển đổi nền kinh tế với những công việc ổn định, lâu dài sang những công việc tạm thời, hợp đồng ngắn hạn, thời vụ, và đó chính là kinh tế GIG.
Ông Cương cho biết rõ hơn: Kinh tế GIG dùng để chỉ một thị trường lao động được đặc trưng bởi sự phổ biến của các hợp đồng ngắn hạn hoặc công việc tự do thay vì công việc cố định; người lao động kiếm sống trong nền kinh tế GIG sẽ làm bất cứ công việc lặt vặt nào khi họ có thể. Trước hiện tượng kinh tế mới này, nhiều học giả thuộc các chuyên ngành khác nhau đã nghiên cứu, phân tích, nhận diện và dự báo xu hướng của nền kinh tế GIG là một xu thế tất yếu trên thế giới và cả Việt Nam. Do đó, rất cần có những nghiên cứu chuyên sâu về các mối quan hệ phát sinh trong nền kinh tế GIG, từ đó ban hành hoặc sửa đổi các vấn đề pháp lý điều chỉnh, qua đó bảo vệ lợi ích cho các bên, đặc biệt là người lao động, một lực lượng đông đảo tham gia vào mối quan hệ việc làm này. Với mục đích đó, Hội thảo mong muốn nhận được các ý kiến trao đổi, thảo luận của các đại biểu, chuyên gia để làm sáng tỏ các khía cạnh pháp lý liên quan tới nền kinh tế GIG.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã cùng trao đổi, nhận diện đặc điểm của mô hình kinh tế GIG, một số vấn đề pháp lý đặt ra với người lao động trong nền kinh tế này, phản ứng chính sách của Chính phủ một số quốc gia châu Âu với GIG, tác động của GIG với việc sử dụng lao động trong mô hình đặt xe công nghệ ở một số quốc gia trên thế giới và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam…