Phát biểu dẫn đề Hội thảo, Viện trưởng Viện CL&KHTT Nguyễn Quốc Văn cho biết, trong năm 2023, công tác PCTN, tiêu cực tại Việt Nam không chỉ đạt được những kết quả tích cực về phương diện phát hiện và xử lý tham nhũng mà còn có những bước chuyển biến mạnh mẽ trong xây dựng hoàn thiện quy định về PCTN, tiêu cực; về thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực; về đẩy mạnh hoạt động của các cơ quan chuyên trách PCTN, tiêu cực.
Bên cạnh kết quả đạt được, trong công tác PCTN, tiêu cực còn khó khăn, vướng mắc, tồn tại, hạn chế trong bối cảnh tham nhũng, tiêu cực vẫn được nhìn nhận là một trong những nguy cơ đe dọa sự phát triển bền vững của Việt Nam. Đặc biệt trên một số lĩnh vực, tham nhũng còn diễn biến phức tạp, nghiêm trọng, nổi lên là các sai phạm trong lĩnh vực đất đai, đấu thầu, chứng khoán, trái phiếu DN, hoạt động ngân hàng, đăng kiểm, y tế...
Việc tổ chức Hội thảo khoa học này được đánh giá có ý nghĩa quan trọng, là dịp để các nhà khoa học, các đại biểu đến từ các Bộ, ngành, địa phương, các đại biểu quốc tế trao đổi, chia sẻ ý kiến góp phần hoàn thiện, nâng cao, bảo đảm hiệu quả, hiệu lực các giải pháp PCTN, tiêu cực thời gian tới.
Phát biểu tại Hội thảo, TS Nguyễn Văn Thanh, nguyên Phó Tổng Thanh tra Chính phủ cho rằng việc kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức "chưa đạt được tiến bộ đáng kể". Trong đại án Vạn Thịnh Phát, CQĐT đã khởi tố 3 vụ với 108 bị can, trong đó 23 bị can là lãnh đạo cấp Vụ, Cục và cán bộ cơ quan thanh tra, kiểm toán, thanh tra, giám sát ngân hàng, lãnh đạo thanh tra, ngân hàng địa phương.
Thực tế này cho thấy những người làm trong lĩnh vực quan trọng, nhạy cảm cần được đưa vào diện kê khai, kiểm soát tài sản. "Kiểm soát tài sản thu nhập cán bộ là giải pháp kỹ trị, nếu không có thì sẽ khó đạt được hiệu quả tổng thể phòng, chống tham nhũng", TS Thanh nêu quan điểm.
Theo ông Thanh, chúng ta đang thiếu giải pháp pháp lý đủ mạnh, nhất quán, phù hợp kinh nghiệm, xu hướng quốc tế trong đấu tranh ngăn chặn tham nhũng, rửa tiền. Ông Thanh đề xuất các cơ quan sớm hoàn thiện quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, nhất là với một số lĩnh vực quan trọng; tăng cường vị thế năng lực cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập; xây dựng đưa vào vận hành cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập cán bộ.
Tại Hội thảo, nguyên Phó Tổng Thanh tra Nguyễn Văn Thanh có một số kiến nghị cụ thể để hoàn thiện các trụ cột chính về PCTN mang tính phổ cập quốc tế, như: Đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện công khai, minh bạch trong tổ chức hoạt động của nền công vụ; càng nhiều công khai, minh bạch thì càng ít tham nhũng, tiêu cực; hoàn thiện quy định về kiểm soát tài sản thu nhập; hoàn thiện quy định về nền công vụ liêm chính; lành mạnh hóa hình ảnh nền công vụ và đội ngũ công chức để cải thiện niềm tin công chúng.
TS Nguyễn Cảnh Lam, Vụ trưởng Vụ Cải cách Tư pháp (Ban Nội chính Trung ương) nêu ý kiến, phải phát huy vai trò của Ban Chỉ đạo PCTN, tiêu cực cấp tỉnh, kiên quyết khắc phục tệ “tham nhũng vặt”, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác đấu tranh PCTN, tiêu cực tại địa phương, cơ sở. Bên cạnh đó, chấn chỉnh, khắc phục tư tưởng bàn lùi, đùn đẩy, né tránh, làm việc cầm chừng, sợ sai không dám làm trong một bộ phận cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.
TS Trần Văn Long, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Thanh tra Chính phủ), thì nhấn mạnh giải pháp nâng cao hiệu quả tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật (TTPBGDPL) về PCTN, tiêu cực, xây dựng văn hóa liêm chính.
TS Long cho rằng, cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, đề cao trách nhiệm, tinh thần tích cực, chủ động của thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, tổ chức trong công tác TTPBGDPL về PCTN, tiêu cực, xây dựng văn hóa liêm chính. Phân công nhiệm vụ cụ thể và xác định rõ trách nhiệm các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong công tác này; phát huy mạnh mẽ việc ứng dụng công nghệ thông tin và lựa chọn phương pháp tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng.
Viện trưởng Viện CL&KHTT Nguyễn Quốc Văn phát biểu tại Hội thảo. (Hình: thanhtra.com.vn) |
Biên soạn đầy đủ, kịp thời các tài liệu TTPBGDPL, cập nhật các quy định pháp luật về PCTN, tiêu cực mới; tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng pháp luật về PCTN, tiêu cực, xây dựng văn hóa liêm chính cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật.
Tăng cường điều kiện, cơ sở vật chất, bố trí kinh phí cho công tác TTPBGDPL một cách phù hợp, tạo động lực cho công chức, viên chức trong việc thực hiện nhiệm vụ này.
Tại Hội thảo, Phó Chánh Thanh tra TP Hải Phòng Cao Huy Hiếu cho rằng, thực tiễn công tác xác minh tài sản thu nhập của cán bộ nảy sinh một số vấn đề "chưa thể giải quyết được ngay". Vì chưa có hướng dẫn đồng bộ để các tỉnh, thành thực hiện, nên mỗi nơi làm theo quy trình, phạm vi khác nhau.
Ông Hiếu nêu ví dụ như việc thanh tra tỉnh này có xác minh tài sản ở tỉnh khác của cán bộ thuộc diện quản lý hay không? Tiêu chí đánh giá, đưa ra kết luận về việc kê khai tài sản không trung thực cũng chưa cụ thể.
Việc xác minh tài sản, theo ông Hiếu, cần nhiều cơ quan phối hợp thực hiện. Như ngân hàng xác minh tài khoản ngân hàng, công an xác minh tài khoản liên quan đến xe, cơ quan quản lý đất đai xác minh sổ đỏ. "Thực tế có những lô đất chưa được cấp sổ đỏ thì có đưa vào diện xác minh tài sản cán bộ hay không và bằng phương pháp nào để biết của ai?", ông Hiếu nêu dẫn chứng.
Ông Hiếu cũng nêu thực trạng biên chế cơ quan kiểm soát tài sản ở một số nơi ít, trong khi khối lượng công việc ngày càng nhiều.