Hội thảo hiến kế xây dựng TP HCM

(PLVN) - Nhiều ý kiến đã được đưa ra tại Hội thảo “Hiến kế xây dựng TP HCM trở thành đô thị thông minh” tổ chức mới đây, trong đó tập trung vào vấn đề địa phương này đã nói khá nhiều thời gian gần đây là tăng ngân sách giữ lại cho TP.
Nhiều ý kiến tại hội thảo kiến nghị tăng ngân sách giữ lại, là điều TP HCM đã nói khá nhiều thời gian gần đây
Nhiều ý kiến tại hội thảo kiến nghị tăng ngân sách giữ lại, là điều TP HCM đã nói khá nhiều thời gian gần đây

TP HCM được coi là đầu tàu kinh tế của cả nước trong nhiều năm trở lại đây, nhưng theo PGS-TS Trần Đình Thiên, TP hiện vẫn tiến lên nhưng chậm hơn tương đối so với một số địa phương khác vì thu cho ngân sách trung ương tăng lên nhưng chi cho ngân sách địa phương giảm đi.

Năng lực của TP to lớn, tính năng động cao nhưng bị trói buộc nhiều là do mặc đồng phục cơ chế, đầu tàu nhưng “cơ chế giống các toa tàu” và khiến cho khu vực tư nhân không phát huy hết tầm sức mạnh. 

Vì thế, để có nguồn vốn xây dựng đô thị thông minh, sáng tạo thì cần “cởi trói” cho TP HCM bằng một hệ thống cơ chế có tính độc lập, tự chủ trong điều hành phát triển tương ứng. Đảng, Nhà nước đã có các văn bản chính thức về một cơ chế đặc biệt cho TP, song theo một số chuyên gia, cần được áp dụng mạnh mẽ hơn nữa. 

Ông Thiên đề xuất cho TP HCM một thể chế - cơ chế có mức độ độc lập tự chủ trong quyền điều hành phát triển về quy hoạch, thu - chi, bộ máy, chính sách, trong nguồn lực ngân sách được phân chia và trách nhiệm kèm theo. Kèm với thể chế, cơ chế độc lập là trách nhiệm đầu tàu hội tụ, lan tỏa kết nối. Với trách nhiệm này, nếu TP HCM phát triển, trách nhiệm đầu tàu của TP HCM sẽ lan tỏa ra cả nước và cả nước sẽ hưởng lợi.

Ông Lương Văn Tự, nguyên Trưởng đoàn đàm phán gia nhập WTO và AEC, cũng cùng quan điểm “nên cho TP HCM có điều kiện tốt về cơ chế để phát triển”.

Một số ý kiến cho rằng việc tăng ngân sách giữ lại cho TP “là điều kiện tiên quyết” để TP HCM xây dựng đô thị thông minh, giữ vững vai trò đầu tàu về kinh tế, đồng thời tạo hiệu ứng lan tỏa để các địa phương trong vùng cùng hưởng lợi phát triển; và kiến nghị tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách giữ lại từ 18% giai đoạn 2018-2020 lên 24% giai đoạn 2021 và 33% giai đoạn 2026-2030. Ông Thiên cho rằng “kiến nghị này là hợp lý”. 

Trong khi đó, TS Võ Trí Thành cho rằng “việc tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách giữ lại cho TP đúng nhưng chưa đủ và vốn ngân sách chưa hẳn là một lựa chọn tối ưu về nguồn vốn để TP xây dựng đô thị thông minh sáng tạo”. Theo một điều tra, có rất nhiều TP phát triển trên thế giới xem PPP (đầu tư theo hình thức đối tác công - tư) là cách huy động vốn tốt nhất.

Để huy động vốn theo PPP thì TP cần phải có sự minh bạch và rõ ràng về cách thức chia sẻ lợi nhuận và rủi ro cũng như các chỉ số về nhu cầu khách hàng; PPP chủ yếu sẽ tập trung vào các mảng như các lĩnh vực có thu về hạ tầng: điện, nước sạch, cung ứng vận chuyển khách; những lĩnh vực khó có thu trực tiếp như nhượng quyền, quảng cáo…

Tại Hội thảo, một số ý kiến đã chỉ ra những nguồn vốn có thể giúp TP khai thác khi xây dựng đô thị thông minh như: nguồn vốn từ đất đai, nông nghiệp, hạ tầng, doanh nghiệp, nhân lực… Chuyên gia Đặng Đức Thành cho rằng huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai là chìa khóa cải cách và tăng trưởng kinh tế. Trong đó cần đổi mới chính sách thuế về đất đai và kiểm soát chặt chẽ hạn mức đất cấp cho các dự án. 

Đồng ý rằng đất đai là một nguồn vốn quan trọng của bất cứ TP nào muốn phát triển nhưng cho rằng đó là tài nguyên hữu hạn, ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) TP nhấn mạnh đến việc nên coi DN tư nhân với sự phát triển lớn mạnh, dám nghĩ, dám làm là một trong những nguồn lực quan trọng hàng đầu giúp TP xây dựng đô thị thông minh sáng tạo. “Lợi thế của TP chính là lực lượng DN hùng hậu và cần giải quyết những bài toán liên quan để DN lớn mạnh cùng TP”, ông Dũng nói. 

Liên quan TP HCM, Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 27/NQ-CP cho phép địa phương này áp dụng thí điểm cơ chế, quy trình đặc thù để rút ngắn thời gian thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bàn giao mặt bằng dự án có thu hồi đất trên địa bàn TP.

Chính phủ giao UBND TP HCM ban hành hệ số điều chỉnh giá đất vào đầu kỳ hàng năm để lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư lấy ý kiến người dân có đất thu hồi; hệ số điều chỉnh giá đất ban hành vào đầu kỳ hàng năm này chỉ có ý nghĩa để lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư lấy ý kiến người dân có đất thu hồi, không phải là giá đất cụ thể của loại đất thu hồi tại thời điểm quyết định thu hồi đất.

UBND TP quyết định giá đất cụ thể của loại đất thu hồi tại thời điểm Nhà nước quyết định thu hồi đất theo quy định tại khoản 2 Điều 74 Luật Đất đai 2013.

UBND TP có trách nhiệm ban hành quy chế phối hợp thực hiện trong việc thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để áp dụng trên địa bàn TP, đảm bảo công khai, minh bạch nhằm rút ngắn thời gian thực hiện.

Đọc thêm