Hội thảo khoa học: Bộ đôi miễn dịch – Tiến bộ trong điều trị ung thư gan giai đoạn tiến triển

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Vừa qua, tại Hồ Chí Minh, Bệnh viện Ung Bướu TP HCM, Viện Y học ứng dụng Việt Nam và AstraZeneca phối hợp cùng tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Kéo dài sống còn dài hạn với bộ đôi miễn dịch: Bước tiến mới trong điều trị ung thư biểu mô tế bào gan không còn chỉ định phẫu thuật”.

Sự kiện quy tụ các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực ung bướu, gan mật, tiêu hóa cùng đội ngũ chuyên viên y tế, mở ra diễn đàn học thuật chuyên sâu nhằm cập nhật những tiến bộ mới nhất trong điều trị ung thư biểu mô tế bào gan không thể phẫu thuật (uHCC).

Toàn cảnh hội thảo.

Ung thư gan là loại ung thư phổ biến tại Việt Nam, với 24.502 ca mắc mới mỗi năm (chiếm 13,6% tổng số ca ung thư) và 23.333 ca tử vong (chiếm 19,4% số ca tử vong do ung thư), theo số liệu Globocan 2022. Trong đó, HCC chiếm tới 90% tổng số ca ung thư gan, với phần lớn bệnh nhân được chẩn đoán ở giai đoạn muộn khi phẫu thuật không còn là lựa chọn khả thi. Trong hơn một thập kỷ, các liệu pháp điều trị toàn thân cho uHCC vẫn còn nhiều hạn chế, dẫn đến tiên lượng sống kém.

Sự phát triển của liệu pháp miễn dịch đã mở ra một kỷ nguyên mới, thay đổi hoàn toàn chiến lược điều trị uHCC và mang lại hy vọng kéo dài cuộc sống cho bệnh nhân. Một trong những phác đồ nổi bật được trình bày tại hội thảo là STRIDE (Single Tremelimumab Regular Interval Durvalumab). Dựa trên kết quả nghiên cứu HIMALAYA, phác đồ này đã chứng minh hiệu quả vượt trội so với sorafenib, cải thiện rõ rệt tỷ lệ sống còn tại các mốc 3, 4 và 5 năm – đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong điều trị uHCC tại Việt Nam.

Phát biểu tại hội thảo, TS.BS. Diệp Bảo Tuấn - Giám đốc Bệnh viện Ung Bướu TP HCM, chia sẻ: “Hội thảo lần này là diễn đàn chuyên môn quan trọng, giúp kết nối các cập nhật quốc tế với thực tiễn điều trị tại Việt Nam. Trong bối cảnh ung thư gan vẫn là gánh nặng hàng đầu, việc chia sẻ kinh nghiệm và thảo luận về các liệu pháp mới như miễn dịch kết hợp là rất cần thiết để mở rộng lựa chọn điều trị và nâng cao chất lượng chăm sóc bệnh nhân”.

TS.BS. Diệp Bảo Tuấn - Giám đốc Bệnh viện Ung Bướu TP HCM phát biểu tại sự kiện.

TS.BS. Choo Su Pin - Giám đốc Trung tâm điều trị ung thư Curie (Singapore) nhận định: “Nghiên cứu HIMALAYA cho thấy phác đồ STRIDE – kết hợp một liều duy nhất Tremelimumab và Durvalumab duy trì định kỳ – đã mang lại lợi ích sống còn rõ rệt so với sorafenib, đặc biệt ở các mốc thời gian dài hạn. Đây một bước tiến khoa học đáng kể, đồng thời mang lại cơ hội để các quốc gia như Việt Nam nâng cao tiêu chuẩn điều trị, đặc biệt với những bệnh nhân ở giai đoạn bệnh phức tạp”.

Các phần trình bày chuyên môn từ ThS.BS.CKII. Phan Tấn Thuận (Bệnh viện Ung Bướu TP HCM), BS.CKII. Hoàng Thị Mai Hiền và TS.BS. Trần Công Duy Long (Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM) đã bổ sung những góc nhìn thực tiễn, xoay quanh việc tối ưu hóa phác đồ miễn dịch tại Việt Nam. Các chủ đề bao gồm: cá thể hóa điều trị, quản lý tác dụng phụ, đánh giá hiệu quả dài hạn cũng như cơ chế hoạt động của bộ đôi Tremelimumab (chất ức chế CTLA-4) và Durvalumab (chất ức chế PD-L1) – phối hợp nhằm kích hoạt mạnh mẽ hệ miễn dịch, tiêu diệt tế bào ung thư hiệu quả và bền vững.

Các phiên thảo luận sôi nổi giữa các chuyên gia và bác sĩ tham dự đã giúp mở rộng góc nhìn về áp dụng phác đồ miễn dịch trong bối cảnh lâm sàng Việt Nam, từ đó xây dựng chiến lược điều trị phù hợp và cá nhân hóa hơn cho người bệnh.

Hội thảo còn ghi nhận sự đồng hành từ AstraZeneca, đơn vị tiên phong trong phát triển liệu pháp miễn dịch. Ông Atul Tandon – Tổng Giám Đốc, Đại diện AstraZeneca Việt Nam chia sẻ: “Tại AstraZeneca, chúng tôi đang dẫn đầu một cuộc cách mạng về các giải pháp cho bệnh ung thư. Tham vọng của chúng tôi là tận dụng tiềm năng của khoa học để khám phá, phát triển và cung cấp các phương pháp điều trị tiên tiến giúp thay đổi kết quả và tăng khả năng chữa khỏi bệnh.

Chúng tôi đang khám phá các liệu pháp kết hợp miễn dịch mới để khống chế các tác nhân gây ức chế miễn dịch liên quan đến ung thư gan. Và liệu pháp miễn dịch đã cách mạng hóa liệu pháp điều trị ung thư và hiện là một phần của tiêu chuẩn chăm sóc được công nhận cho bệnh ung thư gan”.

Ông Atul Tandon - Tổng Giám Đốc AstraZeneca Việt Nam chia sẻ về Liệu pháp miễn dịch đã cách mạng hóa liệu pháp điều trị ung thư.

Hội thảo không chỉ là nơi kết nối tri thức y khoa quốc tế với thực tiễn điều trị trong nước, mà còn đánh dấu bước tiến quan trọng trong nỗ lực nâng cao chất lượng điều trị ung thư gan tại Việt Nam. Với sự hợp tác chặt chẽ giữa các bệnh viện đầu ngành và những tổ chức tiên phong như AstraZeneca, cộng đồng y tế Việt Nam đang tiến gần hơn đến mục tiêu cải thiện tiên lượng cho các bệnh lý ung thư phức tạp như uHCC – mang lại hy vọng sống còn dài hạn và chất lượng sống tốt hơn cho người bệnh.

Đọc thêm