Sau phiên khai mạc, Hội thảo “Luật Đấu thầu 2023- Kỳ vọng và Thách thức đối với lĩnh vực đầu tư xây dựng” tiếp tục với 2 phiên làm việc chuyên đề diễn ra trong sáng 31/5. Tại đây, các đại biểu đã cùng nhau phân tích, "mổ xẻ" để chỉ ra những tồn tại vướng mắc trong quá trình áp dụng đấu thầu qua mạng và những thách thức cần tiên liệu trong quá trình thi hành Luật Đấu thầu 2023.
Đấu thầu và công nghệ thông tin
Trình bày tham luận tại Hội thảo, ThS. Nguyễn Ngọc Hoàng, Cục Quản lý Đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư - cho biết: Các luồng nghiệp vụ mới trong quá trình lựa chọn nhà thầu qua mạng bao gồm: Tổ chuyên gia lập E-HSMQT, E-HSMST, E-HSMT trên Hệ thống; Phê duyệt hồ sơ, kết quả trên Hệ thống; Chào giá trực tuyến; Bảo lãnh điện tử; Mua sắm trực tuyến.
ThS. Nguyễn Ngọc Hoàng, Cục Quản lý Đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu chia sẻ về các luồng nghiệp vụ mới quá trình lựa chọn nhà thầu qua mạng |
Riêng nghiệp vụ chào giá trực tuyến là hình thức mới, nhà thầu chào lặp lại nhiều lần mức giá, làm cơ sở để Hệ thống tự động xếp hạng. Chào giá trực tuyến theo quy trình thông thường được áp dụng trong các trường hợp: Gói thầu dịch vụ phi tư vấn thông dụng, đơn giản; hàng hóa thông dụng, sẵn có trên thị trường với đặc tính kỹ thuật được tiêu chuẩn hóa và tương đương nhau về chất lượng; tiêu chuẩn đánh giá quan trọng nhất là giá, không có hoặc ít có yếu tố tác động của chi phí vòng đời; Chào giá trực tuyến theo quy trình rút gọn đối với gói thầu mua sắm hàng hóa, cung cấp dịch vụ phi tư vấn có giá trị không quá 300 triệu đồng đối với dự toán mua sắm; không quá 1 tỷ đồng đối với các gói thuộc vốn chi đầu tư. Thời điểm kết thúc chào giá trực tuyến phải trong giờ hành chính. Giá chào không được cao hơn giá gói thầu và không được cao hơn giá chào thấp nhất đối với trường hợp giá là yếu tố duy nhất được chào lại.
Các đại biểu đã cùng nhau phân tích, "mổ xẻ" để chỉ ra những tồn tại vướng mắc trong quá trình thi hành Luật Đấu thầu 2023 |
Từ thực tiễn áp dụng đấu thầu qua mạng tại Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam, ông Nguyễn Phú Vinh, đại diện Tập đoàn điện lực EVN cho biết, nhìn chung quá trình triển khai đấu thầu qua mạng của EVN thời gian qua có những mặt thuận lợi và khó khăn.
Trước hết phải kể đến những mặt thuận lợi khi áp dụng đấu thầu qua mạng trong hoạt động đầu tư xây dựng tại EVN đảm bảo được tính công khai, minh bạch của quá trình đấu thầu. Ở góc độ chủ đầu tư và bên mời thầu, khi áp dụng đấu thầu qua mạng, toàn bộ thông tin đấu thầu như kế hoạch lựa chọn nhà thầu, thông báo sơ tuyển, thông báo mời thầu, HSMT, biên bản mở thầu, báo cáo đánh giá tổng hợp, kết quả lựa chọn nhà thầu, làm rõ, giải quyết kiến nghị và các thông tin liên quan khác… đều được EVN và các đơn vị thành viên của EVN công khai trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia từ đó tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng cho tất cả nhà thầu khi có nhu cầu tham gia.
Nếu như đối với đấu thầu truyền thống, thi thoảng vẫn có phản ánh của dư luận về tình trạng “quân xanh”, “quân đỏ”, chủ đầu tư không công khai đầy đủ thông tin khi phát hành HSMT… thì khi áp dụng đấu thầu qua mạng, trong khoảng 5 năm trở lại đây, EVN gần như không nhận được phản ánh, khiếu nại nào của các nhà thầu về việc thiếu minh bạch trong đăng tải, công khai các thông tin gói thầu qua Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia hoặc đơn vị gây khó dễ cho nhà thầu tiếp cận HSMT, thông tin gói thầu.
Một ưu điểm nữa là, tiết kiệm được thời gian, chi phí cho chủ đầu tư trong quá trình tham dự thầu. Khi áp dụng đấu thầu qua mạng, toàn bộ công tác lập hồ sơ mời thầu, hồ sơ dự thầu được các bên mời thầu trong EVN và nhà thầu tham dự thực hiện trực tiếp trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, với các nội dung đã được số hóa dưới dạng webform, giúp rút ngắn thời gian và hạn chế được các sai sót trong công tác lập hồ sơ thầu. Công tác đánh giá thầu của bên mời thầu cũng thuận lợi hơn nhờ cơ chế tự động đánh giá của Hệ thống đối với các tiêu chí về năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu hoặc áp dụng quy trình đánh giá ngược đối với các gói thầu áp dụng phương pháp giá thấp nhất...
Ông Nguyễn Phú Vinh, đại diện Tập đoàn điện lực EVN chia sẻ những khó khăn, thuận lợi |
Đặc biệt, đấu thầu qua mạng mang lại nhiều thuận lợi cho công tác thu xếp vốn vay ưu đãi từ các nhà tài trợ quốc tế. Thực tế, đối với một số dự án, gói thầu của EVN có sử dụng vốn vay ưu đãi từ các nhà tài trợ hoặc tổ chức tài chính nước ngoài bên tài trợ vốn thường có yêu cầu khá khắt khe về việc đảm bảo tính cạnh tranh, công bằng, minh bạch của quá trình đấu thầu. Hình thức lựa chọn nhà thầu thường được khuyến nghị là đấu thầu quốc tế. Tuy nhiên, với việc áp dụng đấu thầu qua mạng và sử dụng mẫu hồ sơ mời thầu của Hệ thống có tính tương đồng về nội dung với mẫu hồ sơ mời thầu của các nhà tài trợ vốn, EVN đã thương thảo khá thuận lợi để đạt được sự đồng thuận của các nhà tài trợ vốn về quy trình đấu thầu trong nước cho một số gói thầu xây lắp, mua sắm hàng hóa chính của các dự án.
Bên cạnh những ưu điểm, ông Nguyễn Phú Vinh còn chỉ ra 1 số vấn đề còn tồn tại vướng mắc trong quá trình áp dụng đấu thầu qua mạng tại EVN như: Cơ chế để chủ đầu tư có thể tiếp cận thông tin dữ liệu nhà thầu trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia còn hạn chế; Hồ sơ mời thầu theo webform của hệ thống mạng đấu thầu quốc gia chưa giải quyết được các tiêu chí đánh giá có tính đặc thù của gói thầu nhằm lựa chọn được các nhà thầu có năng lực kinh nghiệm chuyên sâu, với yêu cầu kỹ thuật cao; Cơ chế phân quyền tài khoản trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia cần linh hoạt hơn để phù hợp với công tác đấu thầu tại các đơn vị có quy mô quản lý lớn, nhiều đơn vị trực thuộc.
Những thách thức cần tiên liệu trong quá trình thi hành Luật Đấu thầu 2023
Trao đổi về nội dung Các hành vi bị cấm trong Điều 16 Luật Đấu thầu 2023 và khả năng ngăn chặn tiêu cực trong đấu thầu các dự án đầu tư xây dựng, Th.S Lê Văn Cao, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật FDVN tham luận 1 số điểm mới trong quy định về cấm thầu như: Hành vi thông thầu trong hoạt động đấu thầu; Vấn đề mới của hành vi gian lận trong đấu thầu; Vấn đề mới của hành vi cản trở trong đấu thầu; Vấn đề mới về hành vi không bảo đảm công bằng, minh bạch trong đấu thầu; Vấn đề mới của hành vi bị cấm chuyển nhượng thầu.
Th.S Lê Văn Cao, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật FDVN tham luận về nội dung Các hành vi bị cấm trong Điều 16 Luật Đấu thầu 2023. |
Thực trạng vi phạm các quy định cấm của hoạt động đấu thầu hiện nay tại Việt Nam, còn tồn tại nhiều điểm hạn chế, tiêu cực nhất định. Tình trạng về việc dàn xếp, thỏa thuận ép buộc để thực hiện hành vi thông thầu hoặc tình trạng thực hiện hành vi cản trở, can thiệp trong hoạt động đấu thầu và chuyển nhượng thầu, bán thầu trái quy định pháp luật và các hành bị bị cấm thầu khác vẫn còn diễn ra khá phổ biến.
Nhìn nhận từ thực tế, có thể thấy thực trạng thông thầu, cản trở thầu, chuyển nhượng thấu, bán thầu trái quy định pháp luật còn diễn ra khá nhiều trong hoạt động đấu thầu, tình trạng này xuất phát từ chính quy định pháp luật liên quan đến đấu thầu khi chưa cụ thể hóa các hành vi cấm thầu một cách rõ ràng. Cũng như chưa có chế tài xử phạt phù hợp nhằm răn đe đối với các đối tượng thực hiện các vi bị cấm trong hoạt động đấu thầu, đồng thời thì cơ chế, kiểm sát, giám sát về hoạt động còn khá lỏng lẻo cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới các bên tiến hành các hành thông thầu, cản trở thầu, chuyển nhượng, mua bán và các hành vi nhằm hạn chế tính chất cạnh tranh trong hoạt động đấu thầu.
Các hành vi bị cấm trong Điều 16 thể hiện nỗ lực lớn của cơ quan lập pháp trong việc ngăn chặn các hành vi tiêu cực, tham nhũng và triệt tiêu chúng ở mức tối đa có thể nhằm đảm bảo môi trường công bằng cho các nhà đầu tư, nhà thầu trong việc triển khai các dự án phát triển kinh tế, xã hội. Những quy định này ở khía cạnh khác sẽ thúc đẩy một hệ thống quản lý, điều hành kinh tế hiệu quả, trong sạch.
Sau phiên khai mạc, Hội thảo “Luật Đấu thầu 2023- Kỳ vọng và Thách thức đối với lĩnh vực đầu tư xây dựng” tiếp tục với 2 phiên làm việc trong sáng 31/5 |
Phát biểu tại hội thảo về nội dung Những giới hạn cần xác lập trong thi hành để thúc đẩy thị trường BĐS và ngăn chặn thao túng thị trường BĐS, ThS. Trương Trọng Hiểu, Đại học Kinh tế- Luật thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, 1 số biểu hiện thao túng đấu thầu như: Chuyển nhượng thầu “trá hình”; Thông thầu. Qua đó, đưa ra những giải pháp thiết lập giới hạn chuyển nhượng thầu và thông thầu từ khía cạnh cơ quan quản lý có thẩm quyền, từ phía chủ đầu tư, và các bên tham gia đấu thầu.
"Có thể nhận thấy, các quy định hiện nay vẫn chưa thể giới hạn tuyệt đối khả năng tổ chức thầu và dự thầu “trá hình”, làm thay đổi bản chất và ý nghĩa của hoạt động đấu thầu. Chuyển nhượng thầu và thông thầu là hai điển hình trong số các biểu hiện thao túng hoạt động đấu thầu, có tác động xấu đến quá trình phát triển bền vững của thị trường. Thực tế, các biểu hiện tiêu cực của hành vi chuyển nhượng thầu cũng như thông thầu xuất hiện xuất hiện khá thường xuyên và cũng khó nhận dạng, phát hiện. Một số vụ việc đã đưa ra xét xử ghi nhận thực tế đó nhưng cũng cho thấy những khó khăn nhất định trong phát hiện và xử lý các hành vi này", ThS. Trương Trọng Hiểu nói.
ThS. Trương Trọng Hiểu, Đại học Kinh tế- Luật thành phố Hồ Chí Minh trình bày tham luận tại hội thảo về nội dung Những giới hạn cần xác lập trong thi hành để thúc đẩy thị trường BĐS và ngăn chặn thao túng thị trường BĐS |
Nguy cơ thông thầu và chuyển nhượng thầu sai có thể vẫn tiếp tục xảy ra. Chính vì vậy, việc tiếp tục đặt ra những giới hạn cho quá trình thực thi pháp luật đấu thầu, đặc biệt là trong quá trình tổ chức thầu và thực hiện gói thầu, rất cần thiết để kiểm tỏa khả năng thao túng hoạt động đấu thầu và thị trường. Ngoài cơ quan quản lý nhà nước, chủ đầu tư có vai trò lớn trong việc đặt ra giới hạn và sử dụng các giới hạn này trong kiểm tỏa khả năng vi phạm của bên dự thầu và thực hiện gói thầu. Một số giải pháp được bài viết đề cập là: thiết lập tiêu chí và điều kiện cần thiết trong khi gọi thầu; thẩm định hồ sơ và đánh giá năng lực bên tham gia dự thầu chặt chẽ cho từng vị trí thầu chính, thầu phụ, liên danh…; tăng cường giám sát quá trình thực hiện gói thầu để sớm phát hiện các sai phạm và xác định rõ trách nhiệm của bên tư vấn trong hợp đồng. Bên tham gia dự thầu cũng có vai trò nhất định đối với quá trình giới hạn khả năng thông thầu, đặc biệt là việc sử dụng pháp luật cạnh tranh để yêu cầu xử lý hành vi thông thầu. Thậm chí, bên thông thầu cũng có thể “tự thú” để được áp dụng chính sách khoan hồng theo quy định của Luật này.
Cũng tham luận về hiện tượng lũng đoạn hoạt động đấu thầu, lựa chọn nhà thầu trong lĩnh vực, PGS.TS Nguyễn Văn Vân, Đại học Luật TP.HCM chỉ ra Các nhóm vi phạm dẫn đến lũng đoạn hoạt động đấu thầu lựa chọn nhà thầu các dự án đầu tư xây dựng như thông thầu và những khó khăn trong nhận diện, kết luận hành vi thông thầu. Từ đó đưa ra giải pháp hạn chế cạnh tranh công bằng và cản trở quyền dự thầu của nhà thầu dẫn đến lũng đoạn trong đấu thầu.
Thực trạng vi phạm các quy định cấm của hoạt động đấu thầu hiện nay tại Việt Nam, còn tồn tại nhiều điểm hạn chế, tiêu cực nhất định. |
Bày tỏ quan điểm không phủ nhận những điểm mới mang tính đột phá trong Luật đấu thầu 2023, kỳ vọng mang lại những thay đổi tích cực khi áp dụng nó vào lĩnh vực xây dựng. Không phủ nhận vai trò trọng tâm của pháp luật đầu thầu nhưng để loại bỏ hiện tượng lũng đoạn, ngăn chặn các vi phạm trong đấu thầu, gia tăng hiệu quả trong đấu thầu lựa chọn nhà thầu thực hiện các dự án đầu tư xây dựng cần phải tiếp tục nghiên cứu, đánh giá hoàn thiện các Luật Xây dựng, Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức hợp tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Kiểm toán nhà nước. Yếu tố thành, bại trong đầu tư công, mua sắm công không phụ thuộc chỉ vào một văn bản pháp luật cụ thể (cho dù nó hoàn hảo) mà phụ thuộc vào tính đồng bộ của các hệ thống pháp luật, cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật và thể chế nói chung.
GS.TS Lê Hồng Hạnh cam kết những tham luận Hội thảo, những giá trị khoa học thu được sẽ được chuyển tới chính phủ, quốc hội để khẳng định hội thảo tổ chức vì giá trị của cuộc sống. Hội thảo hôm nay với 17 chuyên đề kỷ yếu, 15 tham luận cho thấy hội thảo được đánh giá là vô cùng có giá trị, với ý đó hội thảo chúng ta đã thành công và mang giá trị cho tương lai". |
Nội dung cuối cùng được tham luận tại hội thảo là Phương thức trọng tài trong giải quyết tranh chấp phát sinh từ hoạt động đấu thầu theo Luật Đấu thầu 2023. Tham luận này được ThS. Vũ Thị Hằng, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) trình bày. Tham luận đưa ra Cơ chế giải quyết tranh chấp trong hoạt động đấu thầu theo Luật Đấu thầu 2023. Điều 91 và Điều 92 của Luật Đấu thầu 2023 quy định rằng nếu bên dự thầu có kiến nghị về kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư và đã được người có thẩm quyền ra quyết định giải quyết kiến nghị nhưng không đồng ý với quyết định này thì “có quyền khởi kiện ra Tòa án”.
Trên thực tế, ở thời điểm góp ý Dự thảo Luật đấu thầu 2023, đại diện VIAC cũng đã có ý kiến góp ý đối với quy định tại Điều 91, 92, theo đó, việc chỉ quy định cho phép khởi kiện ra Tòa là đầy đủ, có thể bị coi là giới hạn quyền của Bên dự thầu (thường là bên có hoạt động thương mại), chưa thực sự phù hợp với Bộ Luật dân sự và Luật Trọng tài thương mại. Do đó, chúng tôi xin đề xuất có những hướng dẫn cụ thể hơn đối với giai đoạn này ở các Nghị định, thông tư hướng dẫn Luật Đấu thầu 2023 để đảm bảo quyền và lợi ích của các nhà dự thầu (cả bên trong nước và bên nước ngoài).
Bế mạc Hội thảo, GS.TS Lê Hồng Hạnh khẳng định: "Ban tổ chức quyết tâm đóng góp để xây dựng hệ thống Luật đấu thầu một cách tốt nhất. Đấu thầu là hiện tượng kinh tế pháp lý, giúp phát triển thông qua tránh được những lãng phí, tiêu cực. Chúng tôi cam kết những tham luận tại đây, những giá trị khoa học thu được sẽ được chuyển tới chính phủ, quốc hội để khẳng định hội thảo tổ chức vì giá trị của cuộc sống. Hội thảo hôm nay với 17 chuyên đề kỷ yếu, 15 tham luận cho thấy hội thảo được đánh giá là vô cùng có giá trị, với ý đó hội thảo chúng ta đã thành công và mang giá trị cho tương lai".