Đoàn Chủ tịch Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX gồm 35 người; trong đó có Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; lãnh đạo một số bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương, TP Hà Nội và TP HCM; đại diện tập thể, cá nhân Anh hùng Lao động, Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân; đại diện nhà khoa học, nhà giáo, thầy thuốc, nghệ sỹ, nghệ nhân; đại diện trí thức, dân tộc, tôn giáo, công nhân, nông dân, người Việt Nam ở nước ngoài.
Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX có nhiệm vụ đánh giá kết quả thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ của các phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng giai đoạn 2011-2015; biểu dương, tôn vinh các anh hùng, chiến sĩ thi đua, các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, nhân tố tiêu biểu trong toàn quốc; đồng thời phát động phong trào thi đua trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, gắn với việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng theo Chỉ thị của Bộ Chính trị và Luật Thi đua, khen thưởng.
Ban Tổ chức Đại hội khẳng định, với sự chuẩn bị chu đáo, công phu, Đại hội sẽ diễn ra theo tinh thần đổi mới, bảo đảm trang trọng, tiết kiệm và hiệu quả.
Tôn vinh 97 tập thể điển hình trong phong trào xây dựng nông thôn mới
Trước đó, hôm qua (6/12), tại Trung tâm Hôi nghị quốc gia đã diễn ra Lễ biểu dương, tôn vinh các cá nhân, điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 1 (2011-2015).
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Hội đồng Thi đua, khen thưởng Trung ương cùng nhiều lãnh đạo các bộ, ban, ngành, địa phương và 1.800 đại biểu chính thức tham dự Đại hội.
Tổng kết phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 1 (2011-2015), Hội đồng Thi đua, khen thưởng Trung ương cho biết, 5 năm qua, phong trào đã đạt được những kết quả quan trọng và tương đối toàn diện. Phong trào đã được triển khai thực hiện khẩn trương, đồng bộ, nghiêm túc, kịp thời ở tất cả các vùng miền trên cả nước, gắn với các giải pháp, nội dung phù hợp, sát thực tế, đáp ứng nguyện vọng của đông đảo các tầng lớp nhân dân, góp phần tác động tới sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn.
5 năm thực hiện cho thấy, phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” đã thực sự đi vào cuộc sống, được nhân dân đồng tình, ủng hộ; coi đây là phong trào của chính mình, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân không chỉ trước mắt mà còn có ý nghĩa lâu dài và trở thành một phong trào trọng tâm, nòng cốt trong thời gian qua với nhiều mô hình hay, cách làm tốt, ấn tượng; tạo nên diện mạo mới của nông thôn Việt Nam.
Nhiều tỉnh, thành phố đã có cách làm hay, sáng tạo thực hiện công tác xây dựng nông thôn mới, vận động doanh nghiệp hỗ trợ, huy động sự tham gia tích cực của người dân và cộng đồng trong thực hiện phong trào thi đua xây dựng đường giao thông nông thôn, kiên cố hóa kênh mương, dồn điền đổi thửa, thúc đẩy cơ giới hóa… Một số tỉnh phân công các sở, ban, ngành theo dõi các huyện theo từng ngành, lĩnh vực.
Do đó, đã có nhiều tập thể, tổ chức, doanh nghiệp nhận đỡ đầu các xã xây dựng nông thôn mới dưới nhiều hình thức. Tiêu biểu như hỗ trợ vốn, kỹ thuật, tăng cường hệ thống thông tin, đào tạo nghề như Thái Bình, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Phú Thọ, Hà Giang, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Sóc Trăng, Đồng Nai, Long An, Kiên Giang, Bình Dương, Vĩnh Long, TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh…
Từ đó đã “sản sinh” nhiều mô hình hay, hiệu quả “Chuyển đổi diện tích ven biển để nuôi tôm” (Nam Định); “Xây dựng khu dân cư kiểu mẫu, vườn mẫu, phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trên vùng đất cát ven biển”, “Mỗi làng một sản phẩm” (Quảng Ninh); “Hiến đất làm đường xây dựng nông thôn mới” (Hà Tĩnh).
Cùng với đó, các bộ, ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể đã triển khai thực hiện phong trào thi đua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng tiêu chí thi đua đối với các đơn vị trực thuộc, trong đó đăng ký và tham gia chỉ đạo, hỗ trợ làm chuyển biến ít nhất một địa phương như: Bộ Quốc phòng tổ chức phát động phong trào “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”; Bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện đẩy mạnh phong trào “Đưa khoa học về nông thôn”; Bộ Giao thông Vận tải tích cực xây dựng hạ tầng nông thôn xóa cầu khỉ, cầu tạm góp phần xây dựng nông thôn ngày càng đổi mới, khang trang, hiện đại…
Khen thưởng nhiều điển hình
Ghi nhận những đóng góp của các cá nhân, tập thể cho phong trào, tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trao Huân chương Lao động hạng Nhất và thưởng công trình trị giá 30 tỷ đồng cho 13 địa phương gồm: Hà Nội, TP HCM, Thái Nguyên, Nam Định, Quảng Ninh, Hà Tĩnh, Bình Định, Lâm Đồng, Đồng Nai, Hậu Giang, Long An, Lào Cai, Lai Châu; trao Cờ thi đua của Chính phủ và thưởng công trình trị giá 10 tỷ đồng cho 66 huyện tiêu biểu, trong đó có 10 huyện đạt chuẩn nông thôn mới gồm: huyện Đan Phượng (Hà Nội); các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè (TP HCM); huyện Hải Hậu (Nam Định); thị xã Đông Triều (Quảng Ninh); huyện Xuân Lộc và thị xã Long Khánh (Đồng Nai); huyện Đơn Dương (Lâm Đồng); thị xã Ngã Bảy (Hậu Giang) và 56 huyện có nhiều nỗ lực cao.
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho 14 bộ, ban, ngành gồm: Bộ Quốc phòng, Công an, Lao động-Thương binh và Xã hội, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông Vận tải, Ban Dân vận Trung ương, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Báo Nhân dân, Đài Truyền hình Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tổng Công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam,Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 60 xã trên toàn quốc đạt chuẩn nông thôn mới.