Miễn nhiệm và bầu bằng bỏ phiếu kín
Quốc hội (QH) sẽ thành lập Ban kiểm phiếu để làm việc cho tất cả các lần bỏ phiếu quyết định nhân sự tại kỳ họp. Việc miễn nhiệm và bầu các chức danh tại kỳ họp sẽ thực hiện bằng hình thức bỏ phiếu kín sau khi thảo luận, biểu quyết các Nghị quyết về việc miễn nhiệm chức danh liên quan cũng như danh sách nhân sự dự kiến bầu. Ngay sau khi kết quả kiểm phiếu được công bố, QH sẽ thông qua Nghị quyết bầu chức danh.
Tại kỳ họp này, bắt đầu bằng việc miễn nhiệm Chủ tịch QH, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia, QH sẽ lần lượt thực hiện miễn nhiệm và bầu các chức danh Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, một số Phó Chủ tịch QH, một số thành viên Ủy ban Thường vụ QH, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm một số Ủy ban của QH, Tổng Kiểm toán Nhà nước, Phó Chủ tịch nước, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Tối cao, một số Phó Thủ tướng Chính phủ, một số Bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ, Phó Chủ tịch và một số Ủy viên Hội đồng Bầu cử Quốc gia, Phó Chủ tịch và một số Ủy viên Hội đồng Quốc phòng - An ninh.
Trước đó, trao đổi bên hành lang QH, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu cho biết, việc chuẩn bị cho công tác nhân sự để bầu các chức danh nhân sự Nhà nước đã hoàn tất. Tuy nhiên, theo Luật, đại biểu QH vẫn có quyền đề cử hoặc tự ứng cử vào các chức danh này.
Nếu có đại biểu tự ứng cử hoặc đề cử nhân sự thì sẽ đưa ra QH để thảo luận và quyết định đưa ai vào danh sách để bầu. Còn người được đề cử hoặc ứng cử xin rút thì theo Luật cho họ rút. “Các chức danh chủ chốt như Chủ tịch QH, Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ, theo Luật chỉ được bầu trong số các đại biểu QH đương nhiệm” - Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu thông tin rõ thêm.
Để các nhân sự kế cận nhanh chóng bắt nhịp công việc
Như vậy, đây là lần thứ hai trong nhiệm kỳ này, QH thực hiện công tác quyết định nhân sự Nhà nước (lần đầu là vào đầu nhiệm kỳ). Theo đại biểu Lê Như Tiến (Quảng Trị) đánh giá, việc kiện toàn sớm như vậy “mang ý nghĩa sớm ổn định bộ máy nhà nước và để các nhân sự kế cận nhanh chóng bắt nhịp với công việc, tạo điều kiện để các nhân sự mới có khả năng phát triển điều kiện của mình”.
Bày tỏ những kỳ vọng vào 3 chức danh chủ chốt của Nhà nước sẽ được bầu tại kỳ họp (Chủ tịch nước, Chủ tịch QH và Thủ tướng Chính phủ), đại biểu QH hy vọng “các vị được bầu vào vị trí chủ chốt sắp tới sẽ làm tốt hơn trọng trách của mình, phát huy tốt hơn những thành tựu được kế thừa từ nhiệm kỳ QH khóa XIII và những nhiệm kỳ trước đó để kiểm soát quyền lực, phát triển kinh tế, xã hội” – đại biểu Tiến nói.
Trước khi bước vào công tác quan trọng này, đại biểu QH đều khẳng định sẽ “thể hiện trách nhiệm của đại biểu QH qua lá phiếu để lựa chọn và giới thiệu những người ưu tú nhất, có tâm, có tầm, có trí tuệ đảm đương được các công việc trong thời gian tới”.
Với các nhân sự sắp tới được QH lựa chọn, bầu, cũng như nhiều đại biểu khác, đại biểu Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) mong “sẽ có bộ máy nhân sự cấp cao đáp ứng yêu cầu tình hình thực tiễn, rút được những bài học kinh nghiệm quý giá của nhiệm kỳ để triển khai thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ của mình theo quy định đúng tinh thần của Hiến pháp mới 2013”.
Theo chương trình kỳ họp đã được QH xem xét, thông qua tại phiên họp trù bị, ngày 30/3, Uỷ ban Thường vụ QH sẽ trình QH miễn nhiệm Chủ tịch QH, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia. Sau khi kết quả bỏ phiếu miễn nhiệm được công bố, nhân sự dự kiến để QH bầu Chủ tịch QH, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia sẽ được trình QH.
Sáng 31/3, sau khi có kết quả kiểm phiếu và QH thông qua nghị quyết bầu chức danh này thì Chủ tịch QH sẽ tuyên thệ trước QH.
Ngay sau đó, Ủy ban Thường vụ QH trình QH miễn nhiệm Chủ tịch nước. Nhân sự mới để bầu Chủ tịch nước được trình vào chiều cùng ngày và kết quả bầu được công bố sáng 2/4. Chủ tịch nước cũng sẽ tiến hành tuyên thệ trước QH.
Sáng 6/4, Chủ tịch nước sẽ trình QH miễn nhiệm Thủ tướng. Chiều cùng ngày, Chủ tịch nước trình danh sách đề cử để QH bầu Thủ tướng Chính phủ. Kết quả bầu Thủ tướng mới sẽ được công bố vào sáng 7/4. Sau đó, tân Thủ tướng sẽ tuyên thệ như hai chức danh nói trên.