Liên quan đến gói hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn của đại dịch COVID-19, Chủ tịch Quốc hội chỉ ra một số nguyên tắc, quan điểm đã cơ bản thống nhất như: chú trọng tăng cường đồng thời cả tổng cầu và tổng cung bởi cả hai vấn đề này đều đang yếu, để phục hồi được ngay là rất khó; phải sử dụng tổng thể cả chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ; phục hồi cả về kinh tế và xã hội.
Các chuyên gia và các cơ quan cũng thống nhất gói hỗ trợ phải đủ lớn, lộ trình hợp lý, trong đó, nhiều ý kiến đề nghị thực hiện gói hỗ trợ trong 2 năm 2022-2023. Đồng thời cũng khuyến nghị, trước khi có gói chính sách mới thì phải tập trung làm thật tốt các gói chính sách hỗ trợ hiện có, chuẩn bị thật tốt để giải ngân đầu tư công nhanh hơn, hiệu quả hơn.
Đến nay, tổng các gói chính sách hỗ trợ phục hồi trong và sau đại dịch hiện đã hơn 100.000 tỷ đồng và đang phát huy hiệu quả.
Cùng với đó, Chủ tịch Quốc hội thông tin, “Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã tính đến việc báo cáo QH tổ chức Kỳ họp chuyên đề bất thường để quyết định sớm vấn đề phục hồi kinh tế - xã hội trong và sau đại dịch, không chờ đến Kỳ họp thứ ba vì sẽ lỡ nhịp phục hồi của kinh tế thế giới”.
Tại phiên thảo luận tổ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, trước Kỳ họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã làm việc với các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp trong và ngoài nước ở nhiều cấp độ để tìm lời giải tốt nhất cho hai quyết sách quan trọng nhất là tới đây phòng, chống dịch COVID-19 thế nào và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội ra sao. Quốc hội cũng sẽ ban hành Nghị quyết nêu rõ hai vấn đề này.