Hơn 100 thành viên của Chính phủ Afghanistan được cho là bị Taliban giết hại

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nói rằng Liên hợp quốc đã có được "những cáo buộc đáng tin cậy" rằng hơn 100 cá nhân thuộc Chính phủ Afghanistan, lực lượng an ninh của họ và những lực lượng quốc tế hỗ trợ đã bị giết kể từ khi Taliban giành quyền kiểm soát Afghanistan từ tháng 8 năm ngoái.
Taliban ban đầu hứa sẽ ân xá chung cho những người có liên hệ với chính phủ cũ và các lực lượng quốc tế. Ảnh: AFP
Taliban ban đầu hứa sẽ ân xá chung cho những người có liên hệ với chính phủ cũ và các lực lượng quốc tế. Ảnh: AFP

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho biết trong báo cáo hôm 30/1 gửi tới Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc rằng “hơn hai phần ba” nạn nhân được cho là bị Taliban hoặc các chi nhánh của nó giết hại một cách phi pháp.

“Bất chấp các thông báo về việc ân xá chung cho các cựu thành viên Chính phủ, lực lượng an ninh và những người làm việc với lực lượng quân sự quốc tế, [Phái bộ hỗ trợ của Liên hợp quốc tại Afghanistan] UNAMA tiếp tục nhận được các cáo buộc đáng tin cậy về các vụ giết người, cưỡng chế mất tích và các vi phạm khác chống lại cựu thành viên chính phủ và liên minh", báo cáo cho biết.

Phái bộ LHQ đã ghi nhận 44 trường hợp bị bắt tạm thời, đánh đập và đe dọa uy hiếp, 42 trường hợp trong số đó là do Taliban thực hiện.

Nó cũng nhận được “những cáo buộc đáng tin cậy về các vụ giết người ngoài tư pháp đối với ít nhất 50 cá nhân bị nghi ngờ có liên hệ với ISIL-KP”, chi nhánh của ISIL hoạt động ở Afghanistan, theo báo cáo.

Các chiến binh Taliban đứng gác trước sân bay quốc tế Hamid Karzai. Ảnh: AP

Tám nhà hoạt động xã hội dân sự đã bị giết, trong đó có 3 người do Taliban và 3 người thuộc ISKP liên kết với ISIL (ISIL-KP hoặc ISIS-K), và 10 người bị Taliban bắt tạm thời, đánh đập và đe dọa.

Hai nhà báo cũng thiệt mạng, một bởi ISKP, và hai người bị thương bởi những kẻ vũ trang chưa rõ danh tính.

Ban đầu, Taliban hứa sẽ ân xá chung cho những người có liên hệ với chính phủ cũ và các lực lượng quốc tế, đồng thời khoan dung và hòa nhập đối với phụ nữ và dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, nhóm đã gia hạn các hạn chế đối với phụ nữ và chỉ định một chính phủ toàn nam giới, các hành động đã vấp phải sự thất vọng của cộng đồng quốc tế.

Ông Guterres cho biết các nhà bảo vệ nhân quyền và nhân viên truyền thông cũng tiếp tục “bị tấn công, đe dọa, quấy rối, bắt giữ tùy tiện, đối xử tệ bạc và giết người”.

Tuy nhiên, Taliban đã bác bỏ báo cáo này. Phát ngôn viên Zabihullah Mujahid cho biết: "Sau khi có lệnh ân xá chung, không ai được phép làm hại bất kỳ ai".

Tình hình ở Afghanistan vẫn bấp bênh

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc nói thêm: “Tình hình ở Afghanistan vẫn bấp bênh và không chắc chắn sau 6 tháng kể từ khi Taliban tiếp quản vì nhiều cú sốc chính trị, kinh tế xã hội và nhân đạo dội xuống khắp đất nước”.

Liên hợp quốc cảnh báo về tình trạng khủng hoảng an ninh lương thực ở Afghanistan. Ảnh: AP

Theo ước tính của Liên hợp quốc, khoảng 22,8 triệu người sẽ rơi vào tình trạng “khủng hoảng” và “khẩn cấp” về mức độ mất an ninh lương thực vào tháng 3 năm nay. Một nửa số trẻ em dưới năm tuổi đang phải đối mặt với tình trạng suy dinh dưỡng cấp tính.

Quyền Bộ trưởng giáo dục đại học của Taliban hôm 30/1 cho biết rằng các trường đại học công lập, đóng cửa kể từ khi Taliban nắm chính quyền vào tháng 8, sẽ mở cửa trở lại vào tháng 2. Ông không nói rõ liệu các sinh viên nữ có thể quay trở lại hay không. Đầu tháng này, một thủ lĩnh cấp cao của Taliban đã cam kết các nữ sinh ở mọi lứa tuổi sẽ trở lại trường học vào cuối tháng Ba.

Cho đến nay, chính quyền Taliban đã mở lại các trường trung học chỉ dành cho nam sinh ở hầu hết đất nước. Một số trường đại học tư thục đã mở cửa trở lại nhưng nhiều trường hợp nữ sinh vẫn chưa thể quay trở lại lớp học.

Đọc thêm