Hơn 1,1 tỉ người trên thế giới biến thành... 'vô hình'

(PLO) - Hơn 1,1 tỉ người trên thế giới về mặt chính thức không tồn tại và đang tiếp tục cuộc sống thường ngày mà không có bất cứ bằng chứng nào chứng minh danh tính của mình.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo AFP, thông tin trên được Chương trình “Định danh để phát triển” (ID4D) của Ngân hàng thế giới đề cập trong một báo cáo vừa được công bố. Theo báo cáo, phần lớn những người được ví von là “những người vô hình” sống ở khu vực châu Phi và châu Á, trong đó có đến hơn 1/3 là những đứa trẻ chưa được đăng ký khai sinh và có nguy cơ bị bạo lực cao. Vấn đề đặc biệt nghiêm trọng ở những khu vực địa lý mà người dân ở đó đang phải đối mặt với tình trạng nghèo đói, phân biệt đối xử, dịch bệnh hay các cuộc xung đột vũ trang. 

Ông Vyjayanti Desai – người quản lý chương trình ID4D – nói rằng tuy vấn đề người dân không có giấy tờ định danh xuất phát từ một số yếu tố nhưng khoảng cách giữa người dân và các dịch vụ của Chính phủ ở các khu vực đang phát triển là một yếu tố chính. Ví dụ, theo cựu Bộ trưởng phát triển Peru Carolina Trivelli, đối với những người đang sống ở khu vực gần Amazon ở Peru, người dân có thể mất đến 5 ngày để đi bằng thuyền tới một cơ quan hành chính khiến cho nhiều người không chú trọng việc làm giấy tờ tùy thân. 

Bên cạnh đó, nhiều gia đình không được thông báo về tầm quan trọng của việc đăng ký khai sinh, dẫn đến hậu quả là họ không làm giấy tờ khai sinh cho con, khiến những đứa trẻ khi được sinh ra không được hưởng các quyền và lợi ích cơ bản, hoặc khiến tình trạng trẻ chưa thành niên bị ép kết hôn hay phải lao động khi chưa đủ tuổi. Bà Anne-Sophie Lois – Giám đốc tổ chức hỗ trợ trẻ em có tên Kế hoạch quốc tế - cũng chỉ ra rằng một số bậc cha mẹ dù biết rõ sự cần thiết của việc phải đăng ký khai sinh nhưng vì chi phí khai sinh nên cuối cùng vẫn phớt lờ thủ tục này. 

Yếu tố chính trị cũng có thể là nguyên nhân khiến nhiều gia đình tự để bản thân không được định danh một cách chính thức. “Người ta sợ rằng họ sẽ bị nhận dạng không thuộc một nhóm tôn giáo hay một quốc tịch nào đó. Chính phủ đôi khi lại thiên vị một số nhóm người này so với những nhóm khác”, bà Trivelli cho hay. Tại một số nước, việc sinh con ngoài giá thú hay việc đứa trẻ ra đời do bị hiếp dâm cũng bị cố ý giấu đi vì lo sợ bị phân biệt đối xử. Còn ở Trung Quốc, việc trốn tránh đăng ký khai sinh cũng xảy ra trong nhiều năm do người dân sợ bị phát hiện vi phạm chính sách 1 con.

Việc không có giấy tờ tùy thân như vậy đã khiến một phần đáng kể trong tổng dân số toàn cầu bị tước đoạt các dịch vụ y tế và giáo dục. Với trẻ em, một báo cáo do UNICEF công bố năm 2013 cho biết, ngoài việc bị cấm tới trường, những đứa trẻ không có giấy tờ tùy thân chính thức còn có thể bị rơi vào cảnh bị bạo hành, bao gồm việc ép những bé trai phải lao động sớm còn trẻ em gái bị cưỡng ép kết hôn khi chưa đủ tuổi. Những đứa trẻ này cũng có thể trở thành nạn nhân của nạn buôn người. “Việc vô hình về mặt pháp lý của những đứa trẻ khiến giới chức các nước không thể phát hiện khi chúng biến mất hay bị bóc lột”, bà Lois nhận định. 

Trong bối cảnh như vậy, bà Lois cho hay, các công nghệ kỹ thuật số là một giải pháp hữu hiệu để giải quyết vấn đề. Năm 2005, tổ chức Kế hoạch quốc tế đã phát động một chiến dịch hành động với nền tảng là một ứng dụng di động để những trưởng làng có thể tải về và thông báo cho chính quyền những trường hợp sinh mới và tử vong ở làng họ. Chương trình này đã giúp hơn 40 triệu trẻ em ở 32 nước được đăng ký khai sinh. “Các hệ thống đăng ký khai sinh số không chỉ giúp trẻ em có được nhận dạng pháp lý mà còn giúp Chính phủ có thêm nguồn thông tin về dữ liệu dân cư”, bà Lois nói.

Đọc thêm