Hơn 11 triệu người trên toàn thế giới mắc Covid-19

(PLVN) - Số trường hợp nhiễm Covid-19 trên toàn cầu tính đến nay đã vượt quá 11 triệu, đánh dấu một mốc quan trọng khác trong sự lây lan của căn bệnh đã giết chết hơn nửa triệu người trong 7 tháng.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo Reuters và AP, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) trong số liệu thống kê đến tối 4/7 cho biết, trong vòng 24 giờ tính đến thời điểm đó, toàn thế giới ghi nhận thêm tổng cộng 212.326 ca mắc bệnh Covid-19.

Theo WHO, đây là số ca mắc mới trong ngày trên toàn thế giới cao nhất từng được ghi nhận kể từ khi dịch bệnh khởi phát tại Trung Quốc hồi cuối năm 2019. Trong đó, Mỹ, Brazil và Ấn Độ là những nước ghi nhận số ca bệnh tăng cao nhất. Kỷ lục về số ca bệnh mới trong 24 giờ trước đây của WHO là 189.077 được ghi nhận vào ngày 28/6. 

Trong đó, châu Mỹ là nơi ghi nhận số ca mắc mới Covid-19 cao nhất thế giới với tổng cộng 129.772 ca bệnh. Gần một nửa trong đó, cụ thể là 53.213 ca được ghi nhận tại Mỹ. Brazil cũng ghi nhận 48.105 ca mắc Covid-19 mới chỉ trong vòng 24 giờ tính đến cuối ngày 4/7.

Tiếp đến là khu vực Đông Nam Á với tổng cộng 27.947 ca mắc mới được ghi nhận trong 24 giờ qua. Ấn Độ cũng ghi nhận tới 22.771 ca mắc Covid-19 mới chỉ trong vòng 1 ngày. Trong đó, bang Maharashtra ở phía Tây - nơi có thủ đô tài chính Mumbai - có tổng số ca nhiễm bệnh cao nhất của Ấn Độ. Bang này đã ghi nhận 6.364 trường hợp nhiễm virus Corona chủng mới gây bệnh Covid-19 trong ngày 4/7 và 198 trường hợp tử vong do mắc bệnh. 

Ở bang miền Nam Tamil Nadu - bang bị thiệt hại nặng thứ hai ở Ấn Độ do dịch bệnh - số ca nhiễm Covid-19 đã vượt qua mốc 100.000 người. Ấn Độ vào tháng 3 vừa qua đã áp đặt một trong những lệnh phong tỏa nghiêm ngặt nhất của thế giới để kiểm soát sự lây lan của virus. Tuy nhiên, lệnh này trong những tuần gần đây đã được nới lỏng theo từng giai đoạn để khởi động lại hoạt động kinh tế tại Ấn Độ.

Theo dữ liệu của Bộ Y tế Ấn Độ, nước này có các trường hợp nhiễm bệnh được xác nhận nhiều thứ ba trên thế giới, tính đến ngày 4/7 đã vượt quá 640.000 ca. Các nhà dịch tễ học cảnh báo có thể là vài tuần hoặc vài tháng nữa Ấn Độ mới đạt đến đỉnh dịch, cho thấy hệ thống chăm sóc sức khỏe vốn đã quá tải nghiêm trọng của đất nước này sẽ bị căng thẳng hơn nữa. Nga cũng đã ghi nhận thêm 6.632 ca bệnh mới, nâng tổng số ca nhiễm Covid-19 trên khắp cả nước này lên thành 674.515.

Theo WHO, tổng cộng đã có 10,9 triệu ca bệnh đã được ghi nhận trên toàn cầu và 523.011 người đã tử vong. Thống kê của WHO cho hay, tới nay, dịch đã xuất hiện tại 216 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Xếp theo khu vực, châu Mỹ là châu lục có nhiều ca mắc bệnh nhất, tiếp đến lần lượt là châu Âu, khu vực Trung Đông, khu vực Đông Nam Á.

Châu Phi là khu vực có số ca bệnh nhiều tiếp theo và cuối cùng là khu vực Tây Thái Bình Dương. Trong khi đó, Trường Đại học Johns Hopkins – nơi cũng theo dõi về tình hình dịch bệnh – cho biết, tổng số người mắc Covid-19 trên toàn cầu đến nay là 11,1 triệu và số người tử vong là 527.681. 

Thống kê của Đại học Johns Hopkins cho hay, trong 24 giờ tính đến 20h30 tối 4/7, giờ địa phương, sáng 5/7, giờ Việt Nam, nước Mỹ ghi nhận thêm 43.742 ca mắc mới và hơn 252 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc bệnh và tử vong tại quốc gia này lên lần lượt là 2.836.764 ca và 129.657 ca.

Số ca mắc mới Covid-19 tại Mỹ vẫn tiếp tục ở mức cao sau 3 ngày liên tiếp tăng. Đặc biệt, ngày 3/7, Mỹ ghi nhận tới 57.683 ca mắc mới. Tình hình này đã buộc chính quyền Tổng thống Donald Trump phải nghiên cứu kỹ hơn về chính sách ứng phó dịch bệnh và nhiều chính quyền cấp bang cũng tạm hoãn kế hoạch mở cửa trở lại sau thời gian phong tỏa.

Còn Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ cho biết số ca bệnh mới và tử vong được ghi nhận trong ngày 4/7 của nước này lần lượt là 57.718 và 661, nâng tổng số ca bệnh Covid-19 tại Mỹ là 2.789.678 ca và 129.305 trường hợp tử vong.

Tại Nhật Bản, Thống đốc Tokyo Yuriko Koike đã kêu gọi cư dân thủ đô không đi ra ngoài khu vực vì các ca nhiễm mới của Tokyo đã lên đến 100 trong ngày thứ ba liên tiếp. Còn tại Australia, tiểu bang đông dân thứ hai của nước này là Victoria cũng đã báo cáo sự tăng vọt các trường hợp nhiễm bệnh mới kể từ cuối tháng 3, buộc giới chức khu vực phải mở rộng các yêu cầu người dân ở trong nhà đến nhiều vùng ngoại ô Melbourne và phong tỏa hoàn toàn 9 tòa nhà công cộng.

Tại Iran, Tổng thống Hassan Rouhani khi đưa ra các biện pháp mới để cố gắng kiềm chế dịch bệnh tuyên bố những người Iran không đeo khẩu trang sẽ bị từ chối các dịch vụ cộng cộng và những nơi làm việc không tuân thủ các quy trình y tế sẽ bị đóng cửa trong một tuần.

Về mặt kinh tế, Nhà Trắng cho biết, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký thành luật gia hạn thời hạn đến ngày 8/8 để các doanh nghiệp nhỏ nộp đơn xin vay cứu trợ theo chương trình viện trợ của liên bang dành cho các doanh nghiệp bị tổn thương bởi đại dịch. Italia trong khi đó đang xem xét các biện pháp tài khóa để thúc đẩy đầu tư vào ngành công nghiệp ô tô và du lịch - 2 trong số những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch.

Đọc thêm