Hơn 15.000 tấn nông sản Việt đã xuất sang Trung Quốc

(PLVN) - Ngày 24/3, Bộ NN&PTNT cho biết, tình hình giao thương, thông quan hàng hóa nông sản tại các cửa khẩu giáp với Trung Quốc đã có dấu hiệu khởi sắc. Cụ thể, 624 container nông sản tương đương 15.156 tấn đã được xuất khẩu sang Trung Quốc.
Tình hình xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc đã có dấu hiệu khởi sắc.

Sau một thời gian trầm lắng do tác động của dịch Covid-19, tình hình xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc đã cho thấy có dấu hiệu khởi sắc, việc thông quan hàng hóa diễn ra bình thường nhưng tốc độ chậm do phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định phòng dịch.

Thông tin từ Bộ NN&PTNT, thống kê của các địa phương những ngày gần đây cho thấy, chỉ trong nửa đầu tháng 3/2020, cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh) đã có 624 container được thông quan gồm:169 container hoa quả (thanh long, xoài, mít, chuối) tương đương 3.524 tấn, 290 container bột sắn tương đương 10.046 tấn, 165 container thủy hải sản tươi sống tương đương 1.586 tấn sang thị trường Trung Quốc. Đáng chú ý, ở cửa khẩu này không còn xe chở trái cây tồn qua ngày.  

Tuy nhiên, tại tỉnh Lạng Sơn vẫn còn khoảng hơn 1.000 xe hàng chưa thông quan, chủ yếu là các loại trái cây, nông sản chờ xuất khẩu.

Tại nhiều địa phương, hoạt động thu mua nông sản xuất sang thị trường Trung Quốc đã được khởi động trở lại sau khi nước này đạt được nhiều kết quả quan trọng trong cuộc chiến chống dịch Covid-19.

Tiêu thụ thanh long tương đối ổn do Trung Quốc nhập hàng trở lại.

Đại diện Hiệp hội Thanh long Long An cho biết, hiện tiêu thụ thanh long tương đối ổn do Trung Quốc nhập hàng trở lại. Giá thanh long ruột đỏ đã lên 18.000 đồng/kg, thanh long ruột trắng 14.000 đồng/kg.

Trước thực tế trên, Bộ NN&PTNT đề nghị Bộ Tài Chính, Bộ Công Thương, UBND các tỉnh biên giới cùng phối hợp chỉ đạo các trạm hải quan, kiểm dịch và các lực lượng chức năng tăng cường các biện pháp hỗ trợ hoạt động thương mại biên giới, tạo thuận lợi thông quan, không để ứ đọng hàng hóa trên các tỉnh biên giới với Trung Quốc.

Đồng thời, hướng dẫn các địa phương cân đối cung cầu hàng hóa, tránh đưa quá nhiều hàng hóa lên các tỉnh biên giới gây ùn tắc, ứ đọng hàng hóa.

Theo Bộ NN&PTNT, thị trường Trung Quốc hồi phục nhanh sau khi khống chế dịch vào tháng 3-2020 là cơ hội dành cho việc tiêu thụ hàng hóa trong đó có nông sản. Do vậy, cần huy động mọi nguồn lực (quản lý nhà nước, doanh nghiệp, người dân) để tập trung chỉ đạo sâu sát, toàn diện để khai thác lợi thế này.