Hơn 200 tạp chí kêu gọi hành động khẩn cấp đối phó khủng hoảng khí hậu

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Một bài xã luận được xuất bản bởi hơn 200 tạp chí sức khỏe trên khắp thế giới kêu gọi các nhà lãnh đạo thực hiện các biện pháp ngăn chặn "mối đe dọa lớn nhất đối với sức khỏe cộng đồng".
Một người phụ nữ phản ứng khi đám cháy rừng đến gần ngôi nhà của mình ở Evia, Hy Lạp.
Một người phụ nữ phản ứng khi đám cháy rừng đến gần ngôi nhà của mình ở Evia, Hy Lạp.

Tạp chí Y khoa Anh cho biết, đây là lần đầu tiên nhiều ấn phẩm cùng đưa ra một nhận định giống nhau, phản ánh mức độ nghiêm trọng của tình hình.

Bài xã luận sẽ được công bố trước đại hội đồng Liên Hợp Quốc và hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP26 ở Glasgow vào tháng 11/2021. "Trước thềm các cuộc họp quan trọng này, chúng tôi - biên tập viên của các tạp chí sức khỏe trên toàn thế giới - kêu gọi hành động khẩn cấp để giữ cho nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng dưới 1,5 độ C, ngăn chặn sự tàn phá của thiên nhiên và bảo vệ sức khỏe", The Guardian ngày 6/9 dẫn một phần nội dung bài xã luận.

"Sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu và sự tàn phá của thế giới tự nhiên, đã và đang gây tổn hại cho sức khỏe cộng đồng. Khoa học đã chỉ rõ, việc nhiệt độ toàn cầu gia tăng trên 1,5 độ C so với mức trung bình thời kỳ tiền công nghiệp và việc tiếp tục mất đa dạng sinh học, có nguy cơ gây tác hại thảm khốc đối với sức khỏe mà không thể đảo ngược được".

"Mặc dù thế giới đang nỗ lực chống lại đaị dịch COVID-19, chúng tôi không thể đợi đến lúc đại dịch kết thúc mới giảm lượng khí thải. Việc bài xã luận này xuất hiện trên các tạp chí sức khỏe trên khắp thế giới đã phản ánh mức độ nghiêm trọng của tình hình".

"Chúng tôi, với tư cách là biên tập viên của các tạp chí sức khỏe, kêu gọi các chính phủ và các nhà lãnh đạo hành động, đánh dấu năm 2021 là năm mà thế giới cuối cùng đã thay đổi hướng đi".

Tiến sĩ Fiona Godlee, tổng biên tập của BMJ và là đồng tác giả của bài xã luận, cho biết: "Các chuyên gia y tế nơi tuyến đầu chống dịch COVID-19 cũng đã cảnh báo rằng, nếu nhiệt độ trung bình vượt quá 1,5 độ C và thiên nhiên tiếp tục bị tàn phá, cuộc khủng hoảng tiếp theo sẽ xảy đến và nguy hiểm hơn nhiều. Các quốc gia giàu có hơn phải hành động nhanh hơn và làm nhiều hơn nữa để hỗ trợ những quốc gia đã phải chịu đựng nhiệt độ cao. 2021 phải là năm thế giới thay đổi - sức khỏe của chúng ta phụ thuộc vào điều đó".

Bài xã luận sẽ được xuất bản trên BMJ, Lancet, Tạp chí Y học New England, Tạp chí Y học Đông Phi, Bản tin Khoa học Trung Quốc, Tạp chí Y khoa Quốc gia Ấn Độ, Tạp chí Y khoa Australia.

Đọc thêm