Sửa chữa, nâng cấp nhiều cầu
Ở khu vực phía Nam nước ta, hệ thống sông ngòi chằng chịt, rất thuận lợi để phát triển giao thông đường thủy. Thực tế, giao thông thủy ở khu vực này phát triển nhất cả nước, hàng hoá được vận chuyển nhiều trên các con sông, cửa biển. Tuy nhiên, điểm yếu của giao thông thủy, ngoài hạn chế về độ sâu luồng rạch, thì tại nhiều điểm giao cắt với cầu đường bộ cũng gặp khó do tĩnh không cầu thấp.
Nhằm giải quyết vấn đề này, mới đây, Bộ GTVT đã phê duyệt đầu tư Dự án nâng cao tĩnh không các cầu đường bộ cắt qua tuyến đường thủy nội địa quốc gia - giai đoạn 1 (khu vực phía Nam). Dự án có tổng mức đầu tư hơn 2.155 tỷ đồng bằng vốn ngân sách Nhà nước, dự kiến khởi công năm 2023, hoàn thành năm 2025. Ban Quản lý các dự án đường thủy được giao làm chủ đầu tư. Được biết, hiện các đơn vị liên quan đang khẩn trương thực hiện các thủ tục theo quy định để khoảng đầu năm sau khởi công một số tiểu dự án.
Dự án trên sẽ xây mới 9 cầu gồm: cầu Ô Môn, cầu Thới Lai qua rạch Ô Môn; cầu Đông Thuận, cầu Đông Bình qua kênh Thị Đội - Ô Môn; cầu Vàm Xáng - Thị Đội qua kênh Thốt Nốt; cầu Sa Đéc (Nàng Hai) qua kênh Lấp Vò - Sa Đéc; cầu Mộc Hóa qua sông Vàm Cỏ Tây; cầu Hồng Ngự qua kênh Hồng Ngự - Vĩnh Hưng; cầu Mỏ Cày qua kênh Mỏ Cày và hai tuyến đường dẫn kết nối với tuyến tránh QL60 (phía Bắc), kết nối với QL60 (phía Nam) đảm bảo kết nối giao thông thuận tiện, phù hợp với hiện trạng khu vực xây dựng cầu và quy hoạch của địa phương.
Cùng đó, dự án sẽ cải tạo, nâng cao tĩnh không cầu Giồng Găng qua kênh Hồng Ngự -Vĩnh Hưng; Tháo dỡ cầu Măng Thít cũ qua sông Măng Thít, sau đó thiết kế lại vĩnh cửu bằng bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực.
Cũng theo quyết định của Bộ GTVT, cầu qua kênh cấp III đường thủy nội địa có tĩnh không 6m, riêng cầu Sa Đéc tĩnh không đứng 7m để đồng bộ với các cầu xây mới trên tuyến; Cầu qua kênh cấp IV đường thủy nội địa tĩnh không 6m.
Tận dụng vật tư cầu cũ
Quyết định của Bộ GTVT cũng yêu cầu Ban Quản lý các dự án đường thủy có trách nhiệm căn cứ kết quả khảo sát chi tiết, chỉ đạo tư vấn chuẩn xác các số liệu tính toán và lựa chọn giải pháp thiết kế tối ưu: tính toán thủy văn, khả năng thoát lũ; Xác định cụ thể phạm vi đường gom, đường công vụ; Giải pháp xử lý nền đường; Chiều dày các lớp kết cấu áo đường; Giải pháp móng: mố trụ cầu, tường chắn, trụ chống va; Giải pháp kết cấu, sơ đồ nhịp, mục tiêu là đảm bảo kinh tế - kỹ thuật, ổn định và bền vững công trình.
Ban Đường thủy cũng có trách nhiệm lập phương án tháo dỡ, tận dụng, thu hồi vật tư, tài sản các cầu cũ, đảm bảo nguyên tắc tiết kiệm chi phí xây dựng, tránh thất thoát, lãng phí; cùng các bên liên quan lập phương án quản lý, bàn giao tài sản thu hồi. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư tiểu dự án giải phóng mặt bằng và các đơn vị có liên quan để kiểm tra, rà soát, đảm bảo khối lượng giải phóng mặt bằng phù hợp với hồ sơ thiết kế được phê duyệt, đảm bảo chặt chẽ về thủ tục, tuân thủ quy định.
Ngoài ra, Ban Đường thủy còn phải quản lý chặt chẽ chất lượng, tiến độ và chi phí đầu tư xây dựng, bảo đảm tuân thủ quy định, tiết kiệm, hiệu quả, công khai, minh bạch, không để thất thoát, lãng phí.
Gần 1.800 tỷ đồng nâng cấp vận tải thủy sông Đuống
Tại phía Bắc, dự án nâng cấp tuyến vận tải thủy sông Đuống cũng đang được triển khai. Dự án này có mục tiêu nâng cao năng lực vận tải đường thủy trên hành lang đường thủy số 1, phát huy tối đa năng lực của các phương tiện có tải trọng lớn, các tàu container thời điểm mực nước cao; Xây dựng hoàn trả cầu đường bộ hiện đang đi chung cầu đường sắt. Theo đó, cầu đường sắt sẽ nâng cao độ đỉnh ray lên khoảng 2,75m, đảm bảo thông thuyền cấp II tĩnh không hạn chế 50m x 7m; cầu đường bộ sẽ có kích thước khoang thông thuyền là 50m x 9,5m. Cầu Đuống cũ sẽ được tháo dỡ các dầm và đập các mố trụ để đảm bảo giao thông đường thủy thông suốt. Tổng mức đầu tư dự án gần 1.800 tỷ đồng, thực hiện trong giai đoạn 2022 -2025.