Hồ trơ đáy
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), tính đến cuối tháng 3/2024, toàn tỉnh Bình Thuận có hơn 26 ngàn hộ dân thuộc 41 xã, phường, thị trấn cũng rơi vào tình hình thiếu nước sinh hoạt. Không chỉ nước sinh hoạt, có 961 hecta cây trồng vụ Đông Xuân năm 2023-2024 thiếu nước tưới, chủ yếu tập trung tại 3 huyện Tánh Linh (470 hecta), Đức Linh (126 hecta) và Hàm Thuận Nam (365 hecta).
Hồ thủy lợi Tà Mon tại xã Tân Lập, huyện Hàm Thuận cạn trơ đáy |
Nguyên nhân của tình trạng trên được đánh giá là do nắng nóng kéo dài khiến mực nước ngầm hạ thấp, lượng dòng chảy trên các sông, suối tự nhiên bị cạn kiệt.
Theo công ty TNHH MTV Khai thác công trình thuỷ lợi Bình Thuận (Công ty KTCT Thuỷ lợi Bình Thuận), trên địa bàn tỉnh hiện nay các hồ chứa chỉ có quy mô nhỏ như: Tân Lập, Tà Mon, Tân Hà, Lâm trường Sông Dinh… nên khả năng tích nước không nhiều. Bên cạnh đó hệ thống cơ sở vật chất phục vụ thuỷ lợi đã cũ, không đáp ứng đủ điều kiện tích nước, điều này gây khó khăn cho công tác điều tiết nước.
Được biết, lượng nước hữu ích hiện tại các hồ chứa nước thuỷ lợi hiện hữu là khoảng 115 triệu m3 (đạt 31,7% thiết kế). Ước tính tổng lượng nước tiếp tục cấp cho mùa khô 2024 tính đến 30/6/2024 là 174,07 triệu m3, trong đó nước sinh hoạt là 22,83 triệu m3, tưới cho nông nghiệp (chủ yếu là thanh long và lúa vụ Đông – Xuân) là 151,24 triệu m3.
Một con suối cạn ở huyện Hàm Thuận Nam. |
Công ty KTCT Thuỷ lợi Bình Thuận cho biết, riêng diện tích đất trồng cây ăn quả, tuỳ lượng nước tại các công trình sẽ tiếp tục cấp nước dao động từ ngày 3/3 đến 30/5. Hiện địa bàn huyện Hàm Thuận Nam ngưng tưới sớm nhất, hồ Tà Mon ngưng tưới từ 3/3, kênh Bắc Ba Bàu ngưng tưới ngày 4/4.
Khẩn trương kiểm kê nguồn nước
Để đối phó với tình trạng thiếu nước trên địa bàn, trước mắt Sở NN&PTNT tỉnh Bình Thuận đã chỉ đạo các đơn vị khai thác công trình thuỷ lợi kiểm kê nguồn nước tại các hồ chứa, tính toán, phân phối nước theo thứ tự: nước thô phục vụ sinh hoạt – nước cho chăn nuôi – nước phục vụ nông nghiệp.
Bên cạnh đó, cần phối hợp với 2 nhà máy thuỷ điện Đại Ninh và Đa Nhim – Hàm Thuận – Đa Mi xem xét điều chỉnh sử dụng hiệu quả nguồn nước chạy máy phát điện kết hợp cấp nước về hạ nguồn cung cấp phục vụ sinh hoạt và sản xuất cho nhân dân.
Suối Bà Bích thuộc xã Mỹ Thạnh, huyện Hàm Thuận Nam chỉ còn lại lượng nước ít ỏi |
Đối với các đơn vị cung ứng nước sạch cần có biện pháp khai thác hiệu quả nguồn nước tự nhiên trên các sông, suối, ao hồ trữ vào các công trình chứa nước nhằm duy trì hoạt động sản xuất nước sạch phục vụ nhân dân.
Về lâu dài, Sở NN&PTNT đề xuất UBND tỉnh Bình Thuận hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng các công trình cấp nước và nâng cấp, mở rộng các tuyến ống cấp nước sinh hoạt tại các huyện Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Tân và Đức Linh.
Song song đó, Công ty KTCT Thuỷ lợi Bình Thuận cũng kiến nghị lên UBND tỉnh Bình Thuận đẩy nhanh tiến độ xây dựng hồ chứa nước Ka Pét, hồ La Ngà 3 để bổ sung nguồn nước tích trữ phục vụ chống hạn và sớm triển khai dự án kiên cố hoá kênh chuyển nước hồ Sông Dinh 3 – hồ Núi Đất để tiếp nước bổ sung phục vụ cấp nước cho sản xuất và sinh hoạt.
Khẩn trương xây dựng hồ chứa nước Ka Pét
Từ cuối tháng 3/2024, UBND tỉnh Bình Thuận đã có công văn gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo về tình hình dự án Hồ chứa nước Ka Pét (thuộc huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận). Theo tỉnh, Hồ chứa nước Ka Pét được đánh giá là dự án quan trọng quốc gia với quy mô hồ điều tiết có dung tích 51,21 triệu m3, tổng diện tích sử dụng 697,73 hecta đất các loại và tổng nguồn vốn 874,098 tỷ đồng (ngân sách trung ương 519,927 tỷ đồng và ngân sách địa phương 354,162 tỷ đồng). Theo dự kiến, dự án sẽ được tiến hành từ năm 2019 và hoàn thành vào hết năm 2025.
Sau khi hoàn thành, dự án không chỉ cung cấp nước tưới đất sản xuất nông nghiệp, nước thô cho khu công nghiệp, sinh hoạt mà còn là công trình phòng, chống lũ, cải tạo môi trường và điều tiết nước cho vùng hạ du khu vực huyện Hàm Thuận Nam nói riêng và tỉnh Bình Thuận nói chung.
Phối cảnh hồ chứa nước Ka Pét nhìn từ trên cao (ảnh: Cổng TTĐT Bình Thuận) |
Tuy nhiên cho đến nay, dự án vẫn đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc dẫn đến chậm tiến độ. Đặc biệt, khoảng tháng 9/2023, dự án vấp phải sự phản ứng của dư luận khi có nhiều thông tin về việc phá 600 hecta rừng.
Ngay sau đó, các cấp, các ngành của tỉnh Bình Thuận đã phải vào cuộc để làm rõ những thông tin trên đồng thời đăng tải các thông tin chính thống về dự án một cách công khai, đầy đủ, chính xác và khách quan về dự án.
Cũng theo báo cáo của UBND tỉnh Bình Thuận gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện nay, địa phương đã và đang hoàn tất các thủ tục về công tác chuẩn bị đầu tư như: lập hồ sơ xin cấp Giấy phép khai thác, sử dụng mặt nước; kiểm kê hiện trạng rừng; lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM); khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu khả thi.
Bên cạnh đó, Sở NN&PTNT Bình Thuận cũng đã chỉ đạo các đơn vị chủ rừng rà soát, đăng ký diện tích trồng rừng thay thế cho 1.845 hecta. Ngoài 32,2 hecta của 25 hộ gia đình, cá nhân được địa phương lập phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư, việc di dời Dinh Cậu nằm trong phạm vi vùng ngập lòng hồ cũng đã được thống nhất về vị trí sao cho phù hợp nhất.