Đái tháo đường ngày càng trẻ hóa
Theo tìm hiểu, bệnh đái tháo đường là bệnh rối loạn chuyển hóa không đồng nhất, có đặc điểm tăng glucose huyết do khiếm khuyết về tiết insulin, về tác động của insulin hoặc cả hai. Tăng glucose mạn tính trong thời gian dài gây nên những rối loạn chuyển hóa carbohydrate, protide, lipide, gây tổn thương ở nhiều cơ quan khác nhau, đặc biệt ở tim và mạch máu, thận, mắt, thần kinh.
Các dạng đái tháo đường được biết đến bao gồm: Đái tháo đường type 1 (do phá hủy tế bào beta tụy, dẫn đến thiếu insulin tuyệt đối).
Đái tháo đường type 2 (do giảm chức năng của tế bào beta tụy tiến triển trên nền tảng đề kháng insulin).
Đái tháo đường thai kỳ (là đái tháo đường được chẩn đoán trong 3 tháng giữa hoặc 3 tháng cuối của thai kỳ và không có bằng chứng về đái tháo đường type 1, type 2 trước đó).
Ngoài ra, đái tháo đường do các nguyên nhân khác, như: Đái tháo đường sơ sinh hoặc đái tháo đường do sử dụng thuốc và hóa chất như sử dụng glucocorticoid, điều trị HIV/AIDS hoặc sau cấy ghép mô v.v...
Các triệu chứng đái tháo đường sau đây là điển hình như: Đi tiểu thường xuyên, cảm thấy rất khát. Luôn có cảm giác thấy rất đói ngay cả khi đang ăn, cơ thể mệt mỏi nhiều, thịt lực kém, nhìn mờ. Các vết thương thường lâu lành thậm chí bị các vết loét:
Giảm cân - ngay cả khi đang ăn nhiều hơn (đái tháo đường type 1). Ngứa ran, đau, hoặc tê ở tay hoặc chân (đái tháo đường type 2). Tuy nhiên, một số người đái tháo đường type 2 có các triệu chứng nhẹ nên người bệnh không nhận biết được.
Thế giới hiện có 463 triệu người đái tháo đường độ tuổi từ 20 đến 79 tương đương 1 trong 11 người lớn đang sống với bệnh đái tháo đường trong năm 2019. Dự đoán vào năm 2045, con số này sẽ tăng tới khoảng 700 triệu người, tương đương 1 người trong 10 người lớn có bệnh đái tháo đường.
Tuy nhiên, gần một nửa số người đang sống với bệnh đái tháo đường không được chẩn đoán, chiếm 46,5%, tỷ lệ này ở khu vực Tây Thái Bình Dương là 52,1%. Ước tính hơn 4 triệu người trong độ tuổi từ 20-79 đã tử vong vì các nguyên nhân liên quan đến đái tháo đường trong năm 2019.
Tại Việt Nam, theo ước tính của Bộ Y tế, đối với người tuổi từ 20 đến 79 tuổi, bệnh đái tháo đường sẽ tăng khoảng 78,5% trong giai đoạn 2017 - 2045 (từ 3,53 triệu người mắc bệnh đái tháo đường năm 2017 tăng lên 6,3 triệu người mắc bệnh đái tháo đường năm 2045).
Tỷ lệ người mắc đái tháo đường tăng nhanh và ngày càng trẻ hóa. Rất nhiều người ở độ tuổi 25-30 tuổi mắc đái tháo đường mà không biết. Đây là căn bệnh có diễn tiến âm thầm nhưng nguy hiểm. Tỷ lệ tử vong đứng thứ 3 trong các bệnh không lây nhiễm.
Chuyên gia khuyến cáo
Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, các bệnh không lây nhiễm đang ngày một gia tăng và ngày càng trẻ hoá. “Cuộc chiến với các bệnh không lây nhiễm đang gia tăng cũng chả kém gì cuộc chiến với dịch Covid-19”.
Đái tháo đường là một trong những bệnh không lây nhiễm phổ biến trên toàn cầu. Bệnh đái tháo đường gây nên nhiều biến chứng nguy hiểm, là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tim mạch, mù lòa, suy thận và cắt cụt tứ chi.
Để tăng cường chất lượng và chuẩn hóa công tác chuyên môn chẩn đoán, điều trị đái tháo đường, năm 2017, Bộ Y tế đã ban hành Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị đái tháo đường. Tiếp đó, Bộ Y tế đã triển khai cập nhật Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị đái tháo đường tuýp 2 theo khuyến cáo cập nhật năm 2020 của Hiệp hội Đái tháo đường thế giới, Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ...
GS.TS Trần Hữu Dàng, Chủ tịch Hội Nội tiết - Đái tháo đường Việt Nam cho biết, để kiểm soát đái tháo đường tốt, người bệnh không chỉ sử dụng thuốc men mà cần phải quan tâm đến vấn đề dinh dưỡng. Do đó, hướng dẫn mới bổ sung thêm nhiều nội dung về bổ sung dinh dưỡng; bổ sung phác đồ quản lý bệnh nhân tăng glucose máu ở bệnh nhân nội trú không có biến chứng cấp bao gồm: bệnh nhân mắc bệnh nguy kịch, bệnh nhân nặng không nguy kịch, bệnh nhân sử dụng thuốc hạ glucose huyết không phải insulin, bệnh nhân có dùng glucocorticoid và bệnh nhân chu phẫu.
Theo các chuyên gia y tế, có rất nhiều sai lầm mà người bệnh đái tháo đường hay mắc phải xuất phát từ việc không hiểu biết rõ về căn bệnh, hoặc không được tư vấn những kiến thức đầy đủ về chế độ ăn uống, luyện tập và thuốc điều trị.
Một trong những sai lầm quan trọng nhất mà người bệnh đái tháo đường hay mắc phải, đó là thiếu kiểm soát đường máu song song với theo dõi mỡ máu, huyết áp. Đa phần, người bệnh chỉ kiểm soát đường máu mà quên mất 2 yếu tố tăng huyết áp và rối loạn lipit máu cũng gây ra biến chứng tim mạch.
Để phòng tránh biến chứng tim mạch đối với bệnh nhân đái tháo đường, mỗi người bệnh cần có 1 bác sĩ chuyên khoa khám, theo dõi và xây dựng cho riêng mình một mục tiêu điều trị, sử dụng 1 đơn riêng để có thể kiểm soát đường máu hiệu quả nhất cũng như các chỉ số có liên quan khác như huyết áp, mỡ máu, tim mạch...
Người bệnh phải luôn nhớ rằng, việc kiểm soát đường máu song song với kiểm soát mỡ máu, tình trạng tăng huyết áp, tim mạch là vô cùng quan trọng. Cùng với đó, người bệnh đái tháo đường phải thường xuyên luyện tập, tuân thủ chế độ ăn cũng như kiểm tra đường máu định kỳ để biết được hiện trạng của mình, từ đó, có thể kiểm soát đường máu tốt và các nguy cơ biến chứng tim mạch có thể xảy ra.
Người bệnh đái tháo đường cần chế độ ăn uống và luyện tập khoa học
Như chúng ta đã biết bệnh nhân đái tháo đường ngoài việc tuân thủ dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ thì việc thực hiện chế độ ăn và tập luyện vô cùng quan trọng.
Người bị đái tháo đường cần chế độ ăn cân đối, tinh bột, mỡ, rau, củ quả,, thịt, cá... Về khẩu phần tinh bột được khuyến cáo giảm đối với người bệnh đái tháo đường, chiếm khoảng 50% tổng khẩu phần ăn hàng ngày. Và thường nói cho dễ hiểu là người tiểu đường chỉ ăn 1/2 bát con cơm hoặc hơn chút. Đây là đối với tuổi trẻ còn ở tuổi trung niên chỉ nên ăn 1/2 bát con cơm.
Ngoài ra, thịt, cá để xây dựng cơ thể nhất là người tiểu đường lâu năm, để đảm bảo dinh dưỡng, teo cơ.. tuy nhiên không được lạm dụng ví dụ hạn chế liên hoan (chiếm 20-25%) khoảng 2g trong ngày… cần tăng cường chất béo không no vì vậy cần ăn cá, giảm thịt đỏ.
Tránh dầu mỡ chiên đi chiên lại, cần tăng cường ăn rau, hoa quả và uống đủ nước (6-8 cốc nước). Ngoài ra cần luyện tập tối thiểu 30p/ngày và 5 ngày trong tuần. Tại đại dịch bệnh như này cần tập luyện trong nhà, đi lại hoặc sử dụng các biện pháp tập cho yêu thích. Nhớ tập đều đặn, không được bỏ qua 2 ngày vì sẽ làm cơ thể tái tạo lại.
Thời tiết lạnh ảnh hưởng lớn tới bệnh đái tháo đường
Thời tiết lạnh có thể gây ra nhiều tác động tiêu cực cho người bệnh đái tháo đường. Việc giảm thời gian tiếp xúc với ánh mặt trời có thể khiến cơ thể mệt mỏi, căng thẳng. Điều này khiến chỉ số đường huyết của bạn có xu hướng tăng cao hơn trong những ngày trời lạnh. Tốt hơn hết, bạn nên kiểm tra đường huyết thường xuyên để đảm bảo chỉ số đường huyết của mình luôn ở trong phạm vi ổn định.
Bên cạnh đó, thời tiết lạnh còn có thể khiến máu trở nên đặc hơn, các mạch máu co lại và huyết áp tăng lên, tăng nguy cơ hình thành cục máu đông. Do đó, người bệnh đái tháo đường nên tránh ở lâu ngoài trời lạnh, đặc biệt nếu bạn đã mắc các biến chứng đái tháo đường trên tim mạch, biến chứng thần kinh ngoại biên…
Người bệnh đái tháo đường nên chú ý giữ thuốc tiêm insulin và các thiết bị đo đường huyết khỏi môi trường quá lạnh, tốt hơn hết chỉ giữ chúng ở nhà. Thời tiết lạnh có thể khiến thuốc và các thiết bị này hoạt động kém hiệu quả.
Đặc biệt, insulin là một loại protein và chúng có thể bị biến chất ở nhiệt độ thấp. Điều này có thể thay đổi hiệu lực của thuốc tiêm insulin và từ đó ảnh hưởng tới chỉ số đường huyết của bạn.
Nhìn chung, hai điều người bệnh đái tháo đường nên chú ý nhất trong những ngày trời lạnh là uống đủ nước và thường xuyên đo đường huyết. Làm được điều này sẽ giúp bạn kiểm soát đường huyết, kiểm soát đái tháo đường tốt hơn trong những ngày trời lạnh.