Hơn 40 triệu người đang sống như 'nô lệ hiện đại'

(PLO) - CNN đưa tin về báo cáo “Chỉ số nô lệ toàn cầu” do Quỹ Walk Free xuất bản (sau cuộc điều tra được tiến hành ở 48 quốc gia (gấp 2 lần các năm trước) và phỏng vấn trực tiếp đến 70.000 người) cho thấy, ước tính có khoảng 40,3 triệu nô lệ trên toàn cầu, trong đó có rất nhiều nước phát triển như Mỹ, Anh, Australia, Pháp, Hà Lan và những quốc gia châu Âu khác.
Biểu tình chống kỳ thị nô lệ hiện đại tại Stockholm (Thụy Điển)

Báo cáo này coi khái niệm “Nô lệ hiện đại” như một thuật ngữ mở đề cập đến “tình trạng lạm dụng mà một cá nhân không thể từ chối hoặc bỏ đi vì sự đe dọa, bạo lực, ép buộc, lạm dụng quyền lực hoặc lừa dối; là sự kết hợp đa dạng các hình thái của chế độ nô lệ, bao gồm lạm dụng tình dục, lao động cưỡng bức, lao động trẻ em và hôn nhân ép buộc”.

Theo Báo cáo, Mỹ có đến 403.000 người (tỷ lệ 1/800 dân) đang sống như nô lệ hiện đại, cao gấp 7 lần trước đây. Còn ở Anh, con số ước tính là 136.000 nô lệ, cao gấp gần 12 lần các số liệu trước. Con số của Quỹ Walk Free đưa ra hoàn toàn không giống với số liệu mà Chính phủ Anh công bố. Năm 2013, Chính phủ Anh ước tính có khoảng 10.000 -13.000 nạn nhân của nạn nô lệ hiện đại ở nước này. Ngược lại, ở một số quốc gia, số lượng nô lệ hiện đại đã giảm đáng kể như Ấn Độ giảm còn 8 triệu từ 18,4 triệu nô lệ hiện đại theo thống kê của Walk Free năm 2016.

Andrew Forrest – Sáng lập Quỹ Walk Free nói với CNN rằng, tuy tình trạng nô lệ ở các quốc gia tăng nhưng Chính phủ các quốc gia này đang có nhiều nỗ lực để giải quyết. Như, Mỹ đang là quốc gia đi đầu trong giải quyết tình trạng lao động cưỡng bức trong chuỗi cung ứng và Anh cũng yêu cầu các doanh nghiệp báo cáo về các biện pháp giải quyết tình trạng cưỡng bức lao động trong các chuỗi cung ứng của họ. 

Như nhiều quốc gia khác, ở Mỹ, nô lệ hiện đại được biết đến với những số phận các cô gái “bán hoa” như Sacharay (“nghệ danh” khi cô hành nghề). Năm 2013, Sacharay, khi đó 14 tuổi, không có bạn bè vì làn da sẫm màu và “bốn mắt” (đeo kính cận) được một bạn học lớn tuổi hơn đề nghị làm bạn. Sacharay được “bạn mới” giới thiệu  với vài người đàn ông cửa hàng cắt tóc. Dần dần, Sacharay thân thiết và quan hệ tình dục với một trong số đó. Nhưng sau đó, hắn bắt đầu đòi hỏi “ân huệ” với việc cô bé giúp hắn kiếm tiềm bằng cách ngủ với người đàn ông khác. Ban đầu Sacharay không đồng ý, nhưng người đàn ông đó đã khiến Sacharay cảm thấy “mình rất đặc biệt” nên cô đã đồng ý. Cứ như vậy, Sacharay liên tục bị lạm dụng và bán cho cả chục khách/ngày, có hôm tận 40 khách. Sacharay bị khống chế và phải hành nghề đến kiệt sức mà không thể từ bỏ. 

Câu chuyện của Sacharay chỉ là một trong rất nhiều hoàn cảnh của những nô lệ hiện đại trong ngành “kinh doanh xác thịt” tại Atlanta (Mỹ). Năm 2017, hơn 3.500 vụ buôn bán tình dục đã được báo cáo với Trung tâm Chống buôn bán người quốc gia. Theo luật liên bang của Mỹ, người dưới 18 tuổi bán dâm đều được coi là nạn nhân của hành vi buôn bán tình dục bất kể có bị sử dụng vũ lực, gian lận hoặc cưỡng chế không.

Theo cuộc điều tra năm 2014 của Viện Nghiên cứu đô thị, một số kẻ cầm đầu những đường dây mại dâm ở Atlanta đã kiếm được đến 32.000 USD/tuần. Vì vậy, Anique Whitmore - nhà tâm lý học pháp y của Atlanta, những mối quan hệ tình dục dù tự nguyện liên quan đến trẻ vị thành niên cũng cần được kiểm soát bởi đó là con đường rất ngắn để những bé gái vị thành niên trở thành nạn nhân của những đường dây mại dâm và thành “nô lệ thời hiện đại”.

Cùng với đó, là những nạn nhân bị cưỡng ép lao động đang ngày càng trở thành vấn đề toàn cầu. Những “nô lê hiện đại” đang mang lại cho các “ông chủ” khoản lợi nhuận bất hợp pháp lên tới 150 tỷ USD/năm.Theo các chuyên gia, sự khan hiếm dữ liệu, phối hợp hạn chế giữa các Chính phủ, sự khác biệt trong quan điểm là những nguyên nhân góp phần dẫn đến tình trạng nô lệ thời hiện đại. 

Đọc thêm