Hòn đá xanh “hành” cả làng đau mắt đỏ?

(PLO) - Thôn Đa Chất (xã Đại Xuyên, huyện Phú Xuyên, Hà Nội) vốn có nghề đóng cối xay. Nghề này đã bị “xóa sổ”, kéo theo thứ tiếng lóng của làng do các bác phó cối sáng tạo ra cũng mai một theo. Làng còn nổi tiếng với hòn đá xanh kỳ lạ, mỗi lần di chuyển đá, cả làng lại đau mắt đỏ.
Hòn đá Bà Bổi.
Hòn đá Bà Bổi.

Làng phó cối

Con đường đê sông Nhuệ vào làng Đa Chất (tên cũ là Tông Chất) đang làm dở dang nên bị chặn lại. Một người dân địa phương cho biết, muốn vào làng Đa Chất phải đi vòng vèo qua các làng khác, nếu không có “thổ công” dẫn đường không thể đi được, nên đến ủy ban xã để hỏi cán bộ.  
Ông Nguyễn Văn Minh, Bí thư chi bộ thôn Đa Chất, cán bộ xã Đại Xuyên kể: “Các làng nghề khác trong cả nước theo thời gian ngày càng phát triển, làm ăn phát đạt, còn làng tôi chuyên đóng cối xay, giờ chẳng ai xay thóc, giã gạo nên nghề này xóa sổ. Mấy năm nay, làng mới có hai nơi đặt làm cối xay là Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đặt làm một chiếc và sư thầy chùa Hội Xá (xã Tự Nhiên, huyện Thường Tín, Hà Nội) thuê đóng chiếc thứ hai”.
Ông Minh sinh năm 1956, là người Đa Chất gốc. Những năm 70 - 80 của thế kỷ trước, ông vẫn theo cha đi đóng cối xay khắp các tỉnh nên thạo nghề đóng cối và thuộc rất nhiều tiếng lóng của làng. Theo ông, nghề đóng cối xay Đa Chất có từ thời nào không ai biết, do ai khai sinh không ai hay.
Làng khác có tổ nghề, xây đình thờ tổ nghề, có lễ hội làng nghề tưng bừng nhưng Đa Chất thì không. Chỉ biết, đàn ông cả làng làm nghề đóng cối xay. Trẻ con 7 - 8 tuổi ở làng đã học nghề. Làng quê quanh năm chỉ toàn phụ nữ bởi đàn ông trong làng năm nào cũng vậy, cứ ăn Tết xong, đến tháng hai lại khăn gói đi Lào Cai, Yên Bái, Lạng Sơn... làm phó cối. Tháng 11 - 12 âm lịch mới về, mang theo công lao động cả năm trời.
Gia đình có người làm nghề phó cối kinh tế khá giả nên trước đây làng Đa Chất rất phát triển. Thợ đóng cối xay hai người một nhóm, dụng cụ đơn giản chỉ có một cái cưa tay, hai con dao rựa, một vồ, một búa sắt, một búa nhụt và thước đo đai, đo dăm.
Miền ngược tre nứa nhiều nên chủ yếu đóng cối tre, miền xuôi đóng cối đất. Nguyên liệu là tre khô ải do gia chủ đóng cối đã chuẩn bị sẵn. Cối xay gồm hai tầng. Tầng trên đường kính khoảng 45cm, tầng dưới đường kính 60cm. Khoảng hai năm phải đóng lại cối một lần nên thợ đóng cối làm không hết việc. Một nhóm thợ đóng cối cho cả làng, hết làng này lại sang làng khác.
Làng nói tiếng “nước ngoài”
Ngôi làng này có một thứ ngôn ngữ đặc biệt, tiếng lóng của các bác phó cối làng Đa Chất. Do quanh năm sống ở thiên hạ, ăn cơm thiên hạ nên các bác thợ đã sáng tạo ra thứ ngôn ngữ riêng để nói chuyện với nhau, người ngoài nghe không biết.
Đình làng Đa Chất.
 Đình làng Đa Chất.
Không chỉ dùng để trao đổi những chuyện riêng tư, chuyện đóng cối, chuyện tiền bạc, đời sống, thứ ngôn ngữ này được ứng dụng trong nhiều trường hợp. Khi một tên trộm móc túi một bà người Đa Chất, người làng phát hiện muốn “mách” bà kia, chỉ cần nói: “xảo lõng ngoại tớp hách giùm” nghĩa là cảnh giác kẻ trộm, hay “ngáo xảo tớp hách” (đề phòng kẻ trộm), người bị móc túi là người làng hiểu liền, còn tên trộm không hay biết.
Tiếng Đa Chất gọi cối xay là “vụ”. “Xảo xấn vụ” là thợ đóng cối, không có từ chỉ phó cối. Trong cuộc trò chuyện với phóng viên, bà Nguyễn Thị Khang, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Đại Xuyên chỉ nói được ít tiếng lóng. Tuy nhiên, bà vẫn vồn vã tiếp phóng viên bằng thứ tiếng lóng quê mình: “Thít mận đi” (uống nước đi) hay “Thít mận thu đi” (uống nước chè đi), “Thít ủng” (ăn cơm chưa).
Không có sách vở nào ghi lại ngôn ngữ này của làng. Làng cũng không mở lớp dạy tiếng lóng. Nhiều người bảo, học tiếng Anh còn dễ hơn. Tiếng lóng Đa Chất tồn tại bằng cách truyền miệng. Đời trước truyền cho đời sau. Cha mẹ truyền cho con cái. Thợ cả truyền cho thợ phó. Ngôn ngữ này không biểu thị hết ngôn ngữ Việt Nam, chỉ là nhóm ngôn ngữ thông dụng dùng trong giao dịch, trao đổi thường ngày, từ chỉ đồ vật, sinh hoạt, tiền bạc. Đa Chất cũng không có tiếng lóng chỉ từ “phó cối”.
Từ những năm 1990 trở lại đây, khi máy xát gạo phổ biến, nghề đóng cối xay trở nên ế ẩm rồi “chết”. Thứ tiếng lóng làng nghề theo đó cũng mai một dần và có nguy cơ thất truyền.
Hiện nay Đa Chất có 307 hộ, 1.500 khẩu. Người cao tuổi nhất làng là cụ Lê Văn Mậu 92 tuổi. Cụ Mậu thuộc nhiều tiếng lóng nhưng do cao tuổi và lâu không dùng nên quên nhiều. Số người biết nhiều tiếng lóng Đa Chất chỉ có những người già trong làng. Lớp trẻ thuộc rất ít vì thứ ngôn ngữ này chỉ có người Đa Chất nói, và cũng chỉ dùng để nói chuyện với nhau khi ra khỏi làng.
Việc bảo tồn ngôn ngữ tiếng lóng này của Đa Chất hiện nay rất khó vì người dân không đi đóng cối nữa nên ít sử dụng. Trẻ con của làng nếu bố mẹ không dạy cũng không nói được thứ tiếng này. Hiện trẻ em ở Đa Chất chỉ biết một số từ lóng thông dụng do trong gia đình, ông bà, cha mẹ vẫn dùng trong giao tiếp.
Hòn đá “hành” cả làng đau mắt?
Làng Đa Chất có hòn đá nổi tiếng tên gọi đá Bà Bổi nằm gần giữa đường, cách đình làng khoảng 50m. Ông trông coi đình trước khi ra chỗ hòn đá đã thắp hương trong đình. Quan sát kỹ, hòn đá không có gì đặc biệt. Xung quanh cũng không thấy người dân đặt bát hương cúng bái như nhiều nơi khác.
Đây là loại đá xanh, có 3 vết lõm. Tương truyền, hai vết là vết chân Bà Bổi, một vết là nơi bà đặt bàn tọa lên khi sàng sẩy thóc. Theo truyền thuyết, trước kia, làng là bãi sình lầy, muỗi nhiều như ong. Những người đến đây định cư không trụ nổi phải rời đi. Bà Bổi là người khai thiên lập địa vùng này, làm ruộng, trồng lúa. Mùa thu hoạch, bà phơi lúa rồi đứng trên hòn đá rê thóc. Năm này qua năm khác, vết chân bà khiến viên đá lõm xuống.
Làng Đa Chất có hai xóm là xóm Bến và xóm Trong. Từ xưa người dân đã có câu ca “Đá Bà Bổi, tội xóm Bến”, ý nhắc tới hai lần cả làng bị đau mắt kéo dài, một thời bị đồn đoán do đá Bà Bổi “hành”. Người làng đều kể, trong quá khứ từng hai lần cả làng bị “toét” mắt, không nhớ chính xác thời điểm, chỉ biết có liên quan đến việc di chuyển hòn đá.
Chuông cổ trong đình làng của những bác phó cối ngày xưa
 Chuông cổ trong đình làng của những bác phó cối ngày xưa
Theo bà Khang, Chủ tịch Hội phụ nữ xã, lần thứ nhất vào đầu thập niên 70 của thế kỷ trước, làng làm đường nên cậy viên đá ra để lát gạch. Đá nhỏ, diện tích chưa đến 1m2 nhưng nằm sâu dưới đất khoảng nửa mét nên rất nặng, được đưa ra sông làm bậc rửa chân. Bất ngờ sau lần đó cả làng bị đau mắt đỏ, dù nước sông Nhuệ cả làng dùng khi đó vẫn trong xanh. Cả làng “toét” mắt, chữa các kiểu không khỏi.
Người dân khi đó viện dẫn ca dao: “Mắt toét là tại hướng đình/Cả làng toét mắt chứ mình em đâu”, từ đó cho rằng đá Bà Bổi được đặt ở đó có ý nghĩa phong thủy đối với đình làng Đa Chất, chuyển viên đá đi đã ảnh hưởng đến ngôi đình khiến cả làng “toét” mắt, nên đề nghị chuyển về chỗ cũ. Trùng hợp là chuyển xong thì cả làng hết bệnh.
Năm 2001, làng lại làm đường nên cậy viên đá lên, cả làng lại đau mắt đỏ lần hai, hòn đá lại được chôn xuống chỗ cũ.
Tuy nhiên, quan niệm trên đến nay đã thay đổi, người dân khẳng định việc cả làng đau mắt rồi khỏi đúng dịp di chuyển hòn đá chỉ là trùng hợp ngẫu nhiên. Hòn đá hiện nằm gần giữa đường, hàng ngày xe cộ đi lại và người vẫn dẫm lên không hề hấn gì./.