Hồn giếng Hà thành

(PLO) -Giếng cổ Hà Nội là một phần văn hóa trong tâm thức Hà Nội. Mỗi cái giếng là một số phận, có cái đoản mệnh, có cái đa đoan, lại có cái như biết nói biết nhắc người ta nhớ đến nó. Nhưng rồi đô thị hóa lao xao mang cuộc sống hiện đại đến, hồn giếng cứ thế nhạt mờ đi đến độ bị lãng quên tội nghiệp…
Cụ Bốn bên giếng thần.
Cụ Bốn bên giếng thần.

Giếng từ thuở lập làng…

Làng Kính Chủ, nay là Trung Kính Thượng thuộc phường Trung Hòa (Cầu Giấy – Hà Nội) là một làng cổ có từ thời Hùng Vương. Chứng tích để minh chứng thì không gì thuyết phục bằng cái giếng cổ đá xanh đã mòn mép răng cưa. 

Thú thật là, để tìm một người am hiểu làng Trung Kính Thượng không phải là dễ. Sau rất nhiều những dò hỏi, những tham vấn giới sử học mới biết cụ Trần Minh Hồng (85 tuổi) là người gốc làng. Cụ lại theo học Hán Nôm từ nhỏ nên bao nhiêu những chuyện, những tích đều được cụ nhớ cả.

Cụ Trần Minh Hồng là người tường những chuyện về giếng làng.
Cụ Trần Minh Hồng là người tường những chuyện về giếng làng.

Khom mình bên chiếc chiếu cạp điều ngả màu, cụ Hồng đã bày la liệt trên đó bộ khay trà có đủ chén tống, chén quân và trịnh trọng tiếp người nghe chuyện như tiếp một quý khách.

Cụ kể, không rõ được làng có từ bao giờ. Nhưng chắc chắn thời Hùng Vương đã có. Bởi lẽ làng thờ vị tướng của vua Hùng có tên nôm là Hùng Nõn tức Hùng Nộn công. Thành hoàng làng nguyên làm chủ trưởng Ô Châu. Khi giặc đến, ông được vua sai đóng quân tại làng Kính Chủ.

Tại đây, ông đã lấy người vợ lẽ thuộc dòng Nguyễn Đức, húy là Cẩn Nương. Khi giặc Bắc xâm lấn, Hùng Nộn được lệnh ra trận. 142 trai tráng của Kính Chủ đi theo phá tan giặc. Trở về, Hùng Nộn được Hùng Duệ Vương phong làm Bảo Quốc hầu, rồi Bảo Quốc công cho lập dinh ở Kính Chủ.

Cái tên Kính Chủ cũng nghĩa là tôn kính chủ nhân. Đến thời Lê thì tên làng đổi thành Trung Kính, nghĩa là ngoài tôn kính thì còn trung thành. Đến khi thôn trang tệ ấp đông dân thì gần nửa làng chuyển đến nơi khác phân ra Thượng – Hạ, còn gọi là làng Giàn.

Cái giếng quý nhất làng là giếng cổ bây giờ. Đó là bảo vật, là chứng tích cho việc lập làng – đào giếng sinh cơ lập nghiệp. Giếng gắn với làng, làng gắn với giếng, cả hai thứ gắn với con người. Hay ở chỗ đó, mà quý cũng ở chỗ đó.

Giếng giờ không có nước, khô cong tận đáy. Từ đáy tới miệng, áng chừng gần hai mét dài. Dưới thành giếng có lẽ cũng độc đáo nhất, được xếp chồng nhau bằng những cối đá cũ. 

Xung quanh, bao lấy giếng là hàng rào xây hình lục lăng có cột, có mái che. Phía chính giữa, có ban thờ trang trọng ba chữ Hán “Thiên Quang Tỉnh” viết theo lối chữ khải chứ không đá thảo rườm rà. 

Giếng quý bị vây kín
Giếng quý bị vây kín

Cụ Hồng chỉ vào ba chữ ấy, giải nghĩa: “Thiên Quang Tỉnh là giếng đón ánh sáng mặt trời. Tạm hiểu thế đi, còn sao lại thế thì tí nói sau. Nhưng này anh xem, thế đất này cao mà thủy lại tụ thì đích thị là đất tốt, có long mạch”.

Biết là giếng quý, nhưng cụ Hồng cũng không giấu nổi những phiền muộn. Cụ nhắc đến cái quá vãng xa xưa, khi còn theo học thầy đồ làng mới thấy cả một thời vàng son mà giếng đem lại. Rõ là với những cao niên, dĩ vãng bao giờ cũng đẹp hơn hiện tại.

Nhưng cụ thành thật: “Giếng gắn với làng mới là giếng. Giếng gắn với phố thì tự nhiên thành thừa. Đấy, có giếng mà làm gì có nước. Mà có nước thì chắc gì dùng được”.

Cụ kể, xưa giếng này sâu đến chục thước. Xung quanh đá xanh xếp hộp, đáy rải cát vàng, nước trong như vắt. Lại bao giếng lục lăng, sớm chiều tụ hội, trẻ thì chơi nhởi, già thì thảnh thơi. Người lấy nước đồ xôi, kẻ xin nước pha trà. Giếng đúng là quý. 

Giếng đã thành thần

Nói đến nước giếng cổ làng Trung Kính xưa. Cụ Hồng lại nhớ cả đến chuyện cả làng dùng chung một cái giếng mà không bao giờ cạn. Bởi người xưa khi đào giếng, bao giờ cũng nhìn thế mà đo tia đất cho trúng mạch. Bỏ sang một bên những chuyện mang tính phong thủy, nhưng chuyện giếng Trung Kính thành thần là điều có từ xa xưa.

Giếng Trung Kính Thượng có từ thời Hùng Vương.
Giếng Trung Kính Thượng có từ thời Hùng Vương.

Trên ban thờ phía giữa hình lục lăng, người ta bầy hương hoa nến thờ thần giếng. Gắn với tục ấy là chuyện mà hầu hết những người trong làng đã trải qua và thấy hiệu nghiệm là tục xin sữa. Khi trong làng có phụ nữ mới sinh mà mất sữa, họ sẽ ra giếng khấn xin khai rõ tên tuổi dòng họ, hiện bệnh bản thân. Rồi sau đó, ngắt hai cành cây sữa bên cạnh gánh về như gánh nước treo ở đầu giường, tức thì sẽ có sữa cho con bú.

Không biết chuyện thật bao nhiêu phần tin được. Nhưng nhiều người cứ xót xa khi cái tục cũ ấy không khả dĩ nữa. Phần vì giếng chỉ còn là thứ trưng bày. Phần nữa là cây sữa đã không còn. Thay vào đấy là cây xoài chưa đủ cành lá.

Thứ duy nhất quý của giếng cổ bây giờ, mà theo cụ Hồng là ở cái thành giếng và miệng giếng mà thôi. Cầm cái ba toong có gắn chân quỳ, cụ Hồng chỉ vào những đường rãnh của miệng giếng đá: “Mấy chục cái đường rãnh vào đá ấy là do các đời dùng dây gầu kéo nước.

Nước chảy đá mòn, bền kéo đá sâu nên miệng giếng đá giống như răng cưa. Không biết bao nhiêu nhà sử học đến đây thăm giếng mà trầm trồ ở những khuyết tật của giếng. Ở người, khuyết tật là xấu; mà ở giếng đá, khuyết mép lại quý mới hay”…

Làng có 73 giếng cổ

Một địa danh khác của Hà Nội là làng Cổ Sở xưa, nay đã thành 3 xã của huyện Hoài Đức. Ngôi làng rộng lớn, kéo dài từ sát dòng sông Đáy tới tận núi Sài Sơn từng ẩn chứa biết bao bí mật. Trong số đó, 73 cái giếng cổ không chỉ cho nước uống, mà trùm cả lên những huyền sử về vàng.

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian nổi tiếng là cụ Nguyễn Khắc Xương, con trai cố thi sĩ Tản Đà đọc cho tôi nghe câu: Thứ nhất Cổ Bi, thứ nhì Cổ Loa, thứ ba Cổ Sở. Cổ Sở đây chính là 3 xã Yên Sở, Đắc Sở và một phần Yên Thái của huyện Hoài Đức - Hà Nội.

Làng Cổ Sở vốn có 73 cái giếng cổ nhưng hiện chỉ còn lại khoảng 20 cái.
Làng Cổ Sở vốn có 73 cái giếng cổ nhưng hiện chỉ còn lại khoảng 20 cái.

Ba làng có chữ Cổ xưa kia là ba làng quý nhất. Ta hình dung Cổ Bi là vùng đất phía bắc châu thổ sông Hồng, xoay quanh đất Kinh Bắc; Cổ Loa thì đã là kinh đô từ thời An Dương Vương, sau rồi mở rộng xuống phía Nam, ôm trùm lấy khu vực thành Đại La.

Cổ Sở là một phần Xứ Đoài, mà mãi sau này còn giữ những tên làng cổ, được gọi tắt là vùng So Sở. Mà đâu phải chỉ có So Sở, các vùng đất nổi tiếng khác như Nhị Khê, Hạ Hồi, Giẽ Hạ, Kẻ Đà, Ước Lễ, hoặc như Bùng, Mía, Phùng, Nủa vẫn tồn tại với nhiều chứng tích thuyết phục.

Riêng về Cổ Sở thì từ xa xưa đã nổi tiếng với giếng. Bởi thế, người xưa còn lập ở làng này đủ các xóm giếng. Mỗi xóm lại có tên riêng thật lạ, thật hay và cũng đầy những thâm thúy theo lối triết luận: Nước sinh ra mọi thứ. 

Thành giếng được xếp bằng những cối đá.
Thành giếng được xếp bằng những cối đá.

Thời vua Minh Mạng lập tỉnh Hà Nội thì vùng đất Cổ Sở thuộc về một trong bốn phủ của tỉnh. Nơi đây cũng từng diễn ra trận kháng cự của quân đội nhà Nguyễn cùng quân Cờ Đen của Lưu Vĩnh Phúc chống lại quân đội Viễn chinh Pháp khi chúng tấn công lỵ sở Hoài Đức.

Tất nhiên, ngay sau đó nhà Nguyễn phải đầu hàng. Những cuộc chinh chiến tao loạn ấy đã phá tan những di tích nghìn năm của Cổ Sở. Nhưng may mắn sót lại những chiếc giếng cổ kính. Giếng giống như bảo vật làng.

Nhiều giếng cổ nhất

Không ai ngờ, Cổ Sở là làng có nhiều giếng cổ nhất Việt Nam. Mà theo như cụ Nguyễn Khắc Xương, các thôn trang làng Việt xưa nhiều lắm cũng chỉ có chục giếng chia ra theo xóm. Còn Cổ Sở, không chỉ chia giếng theo nền nếp cũ mà còn thêm giếng của dòng tộc, họ mạc.

Tổng thể 73 cái giếng rải rác và dày đặc kéo dài từ Sài Sơn đến bờ đê sông Đáy. Giếng làng Cổ Sở không giống nhau về dáng hình, kích thước, sâu nông nhưng đặc trưng đều có thành đá ong.

Giếng cổ nhất, cũng là quý nhất là giếng cổ ở xóm Giếng xã Yên Sở. Hiểu giếng này, không ai bằng cụ Trần Xuân Bốn và cụ Nguyễn Bá Hân.

Mỗi giếng ở Cổ Sở được gắn với một giai đoạn lạ kì.
Mỗi giếng ở Cổ Sở được gắn với một giai đoạn lạ kì.


  Cụ Bốn từng đưa con sào dài chục thước ta chạm đáy giếng để đo độ sâu. Cụ cũng từng mầy mò xem dưới giếng có gì và phát hiện tận cùng là hai miếng gỗ lim bản dầy cùng những hộc đá tảng xanh. Xung quanh tang giếng là đá ong già tuổi.

Qua thời gian ngâm ủ, tuy đá đã lỗ rỗ những vết mòn của sóng nước nhưng vẫn còn chắc rắn như đá gan gà. Đá xanh chồng xếp hộp phía dưới, đá ong cắt hộp phía trên tạo cho tang giếng một bề dầy và độ chắc dường như vĩnh cửu.

Nước giếng này vẫn trong và ngọt, nhưng lâu ngày không được khơi thông vệ sinh nên vài cọng dương xỉ đã bám cạnh trên viền mặt nước. Cụ Bốn bảo: “Giếng quý, phải bảo vệ kỹ nên chúng tôi dùng nắp đậy, rào chắn cho chắc ăn”.

Những vết yểm Cao Biền

Ở Cổ Sở, hiểu giếng không ai bằng cụ Bốn, nhưng hiểu lịch sử ra đời của nó lại không ai bằng cụ Hân. Cụ lần giở lại cuốn sách chữ nho ngả màu lá úa đọc lai lịch của 73 chiếc giếng cổ này. Nhưng theo cụ, đấy chỉ là giả thuyết chứ không có căn cứ chính danh.

Có chuyện cho rằng, 73 giếng cổ được quân xâm lược phương Bắc xây dựng để lấy nước ăn hoặc để cắt đứt long mạch. Đó là thủ thuật trấn yểm vượng khí của nhà địa lý Trung Quốc tên là Cao Biền.

Tuy nhiên, hai giả thuyết này được chính cụ Hân và nhiều nhà khoa học bác bỏ. Thứ nhất, nếu giặc đào thì chúng có thể làm qua loa, miễn sao có nước là được. Sao phải cầu kỳ, đẹp đẽ hoa mỹ thế. Hai là, nếu Cao Biền trấn yểm, hắn có thể làm bí mật, không dại gì công khai như vậy. Thiên cơ để lộ là hại thân.

Sau nhiều đời sử dụng, miệng giếng thành những đường hõm sâu.
Sau nhiều đời sử dụng, miệng giếng thành những đường hõm sâu.

Nhưng xem ra, xét về hình thế xứ Đoài, việc Cao Biền trấn yểm bằng cách đào giếng là có lý. Bởi, nhiều vùng ở Việt Nam từng bị Cao Biền đào giếng cắt long mạch mà chính trong bản tâu về triều Đường từng nói rõ.

Hơn nữa, Cao Biền biết vùng núi Ba Vì thiêng lắm. Hắn từng muốn yểm thuật nơi đây nhưng bị thánh Tản Viên “nhổ nước bọt”. Cao Biền bỏ đi, nhưng lại đào 73 cái giếng ở đất Cổ Sở để ngăn khí thiêng tràn xuống kinh thành.

Cụ Hân bảo, đó chỉ là giai thoại. Nhưng biết đâu đấy lại là thực. Bởi lẽ, người Cổ Sở vẫn từng kể nhau nghe chuyện người Tàu đến các giếng cổ đào xuống đáy lấy vàng. Chúng cho vàng vào những quan tài gỗ vàng tâm, rồi qua quan ải chở về cố quốc.

Lấp dần giếng cổ

Tất thảy 73 cái giếng cổ quý giá của Cổ Sở từng là báu vật, nhưng cũng có thời, báu vật chỉ được coi như thứ tầm thường. Bằng chứng là 73 cái không còn nguyên vẹn. Qua năm này tháng khác, người ta lấp dần đi, xóa dấu tích quê làng.

Để đến bây giờ, không ai rõ Cổ Sở còn được bao nhiêu giếng nữa. Nhưng theo cụ Bốn, chỉ khoảng hơn hai chục giếng còn tồn tại. Nhưng số nhiều, giếng chỉ còn lại cái bóng, cái dáng và cái vỏ. Có nhiều giếng không có nước, có nhiều cái có nước nhưng không dùng được. Và hầu như cái nào cũng bị vây sắt, bị khóa như đóng gông.

Cái lý cụ Bốn đưa ra khi rào chắn giếng, nghe qua chẳng hợp lý tí nào. Nhưng xét kỹ, nếu không rào lại thì chỉ dăm năm nữa, những giếng sót lại sẽ bị lấp, bị san phẳng. Cho nên tự nhiên, thứ không bình thường lại trở nên bình thường.

Cái giếng thần gần nhà cụ Bốn cũng vậy. Giếng có ban thờ miếu thánh, hương hoa suốt năm cung kính. Nhưng giếng bị khóa lại, bị rào chắn bốn bề. Khách lạ đi qua, sẽ tưởng giếng có độc, hay giếng có ma dữ như dân gian hay nói. Nhưng quả tình, như cụ Bốn giải thích: “Chúng tôi mà không rào chắn lại, thì đến cái bóng của giếng cũng không còn. Giếng sẽ bị lấp hết. Thời buổi tấc đất đắt hơn tấc vàng cơ mà”.