'Hòn ngọc sáng' trên vùng đất Cách mạng

(PLVN) - Được coi là “hòn ngọc sáng” của vùng Tây Bắc, những năm qua, Điện Biên luôn có Chỉ số PCI nằm trong nhóm đứng đầu các tỉnh khu vực Tây Bắc. Mặc dù còn nhiều điều kiện tác động nhưng những năm qua, tỉnh Điện Biên đã vượt qua khó khăn, thách thức và đề ra các nhiệm vụ giải pháp điều hành phù hợp, đạt được những kết quả tích cực.

Dưới đây là chia sẻ của ông Mùa A Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên về những kết quả phát triển kinh tế xã  hội của tỉnh đã đạt được trong thời gian qua.

Đặt mục tiêu GRDP trên 30 triệu đồng/người/năm

Theo đánh giá của VCCI, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của  Điện Biên trong năm 2017 đã tăng 5 bậc so với năm trước. Vậy Điện Biên đặc biệt quan tâm đến vấn đề thu hút đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh như thế nào thưa ông?

- Về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút đầu tư trong năm qua đã được các cấp, ngành của tỉnh Điện Biên quan tâm, chỉ đạo. Trong đó, tích cực triển khai thực hiện các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường kinh doanh; rà soát, nâng cao hiệu quả cải cách thủ tục hành chính như công khai, minh bạch các thủ tục hành chính, quy trình, quy định hành chính để doanh nghiệp, cá nhân tiếp cận dễ dàng nhất. 

Đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp trong đó tập trung vào các doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo để tạo động lực, sự đột phá về thu hút đầu tư vào tỉnh.

Qua đánh giá của VCCI về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2017 của tỉnh đạt 60,57 điểm, xếp hạng 48/63 tỉnh, thành phố (Tăng 05 bậc so với năm 2016). Chỉ số công khai ngân sách tỉnh (POBI) năm 2017 tỉnh Điện Biên đứng thứ 13/63 tỉnh, thành phố; Chỉ số Cải cách hành chính của tỉnh đạt 24/63, tỉnh thành phố tăng 18 bậc (năm 2016 là 42/63).

Trong năm 2018, đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và quyết định chủ trương đầu tư cho 25 dự án và 04 dự án đang hoàn thiện thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng mức đầu tư đăng ký trên 4.900 tỷ đồng. Đến nay trên địa bàn tỉnh Điện Biên có 150 dự án đầu tư với tổng số vốn đăng ký trên 26 nghìn tỷ đồng.

Ông Mùa A Sơn - Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Điện Biên

Ông có những trăn trở, suy nghĩ gì về những mục tiêu mà tỉnh Điện Biên đề ra để thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XIII và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2016 - 2020? 

- Là một tỉnh biên giới, Điện Biên luôn quan tâm đến vấn đề ổn định chính trị, chủ quyền biên giới quốc gia, an ninh trật tự và khối đoàn kết các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Để được như vậy, trước hết kinh tế phải có sự tăng trưởng ổn định và phát triển theo hướng bền vững. 

Theo quy hoạch của Chính phủ thì Điện Biên là địa phương nằm trong quy hoạch xây dựng vùng biên giới Việt - Trung. Theo đó đến năm 2020 các huyện của Điện Biên gồm: Mường Chà, Tuần Giáo, TX Mường Lay là vùng phát triển công nghiệp thuỷ điện, chế biến, khai khoáng, dịch vụ và nông lâm, nằm dọc tuyến hành lang phát triển Thuỷ điện Sơn La.

Tiếp tục thực hiện giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 7,2%. Tạo chuyển biến thực chất hơn trong việc tổ chức thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Tăng cường huy động, sử dụng đảm bảo tiến độ, chất lượng, hiệu quả nguồn lực đầu tư, nhất là các chương trình mục tiêu và chương trình mục tiêu quốc gia, nâng cao hiệu quả thực hiện công tác xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội.

Đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đa dạng hóa các hình thức thu hút đầu tư từ các thành phần kinh tế ngoài nhà nước để tăng cường nguồn lực đầu tư cho phát triển kinh tế, xã hội; thực hiện quyết liệt công tác cải  cách hành chính nhất là cải cải thủ tục hành chính, tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Từ đó đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) 7,2%. GRDP bình quân đầu người (giá hiện hành) ước đạt 30,45 triệu đồng/người/năm. Giá trị sản xuất nông lâm nghiệp thủy sản đạt 3.987,85 tỷ đồng và giá trị sản xuất công nghiệp đạt 3.070 tỷ đồng. Cùng với đó, mục tiêu thu ngân sách trên địa bàn là 1.196 tỷ 397 triệu đồng.

Chú trọng phát triển khu vực kinh tế tư nhân

Điện Biên đã đưa ra 5 giải pháp để thúc đẩy phát triển doanh nghiệp trong thời gian tới, những giải pháp cụ thể đó là gì, thưa ông?

- Điện Biên xác định động lực chính để phát triển kinh tế của tỉnh trong thời gian tới là thúc đẩy phát triển cộng đồng doanh nghiệp cả về số lượng và chất lượng hoạt động, đặc biệt là chú trọng phát triển khu vực kinh tế tư nhân; Khai thác hợp lý và có hiệu quả các tiềm năng thế mạnh về phát triển nông, lâm nghiệp, thủy điện, khoáng sản, du lịch và kinh tế cửa khẩu... với 5 nhóm giải pháp trọng tâm.

Thứ nhất, thực hiện tốt phân cấp quản lý tổ chức, cán bộ, công chức, viên chức theo quy định pháp luật; phát huy trách nhiệm người đứng đầu cơ quan đơn vị; đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức…

Thứ hai, tiếp tục thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính giai đoạn 2016 - 2020; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc triển khai thực hiện của các cơ quan, đơn vị, địa phương. Đẩy mạnh các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, chống lãng phí...

Thứ ba, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động. Ban hành các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư vào các lĩnh vực tỉnh có tiềm năng, thế mạnh; thành lập quỹ Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa Điện Biên.

Thứ tư, tăng cường đối thoại, tháo gỡ khó khăn với doanh nghiệp dưới nhiều hình thức; chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra với doanh nghiệp; giúp doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn tín dụng...

Thứ năm, chỉ đạo thực hiện kế hoạch cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp;  thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc và xem nhiệm vụ cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh... 

Xin cảm ơn đồng chí Chủ tịch!

Đọc thêm