Thỏa thuận miệng, khó đòi quyền lợi
Tham dự các phiên xét xử của vụ kiện có khá nhiều nghệ sĩ có tiếng, là đồng nghiệp, bạn bè đến ủng hộ tinh thần Ngọc Trinh: Hoài Linh, Công Ninh, Trịnh Kim Chi... Hầu hết các nghệ sĩ đều chia sẻ, họ đến không chỉ bởi tình nghĩa giữa mình với nghệ sĩ Ngọc Trinh, mà bởi vụ kiện khiến họ thực sự lưu tâm khi nó mở ra trước mắt họ một vấn đề liên quan thiết thân đến hoạt động nghệ thuật, đây cũng là một trong những nỗi lo canh cánh của họ trong quá trình hoạt động nghệ thuật: Ai sẽ bảo vệ quyền lợi của họ một khi những hợp đồng mang tính “tình nghĩa” bị đổ vỡ?
Nghệ sĩ Hoài Linh cho biết, anh có mặt ở mọi phiên tòa của vụ kiện, ủng hộ tinh thần người em thân thiết trong nghề, và anh cũng theo dõi rất sát sao mọi chi tiết của phiên tòa, đặc biệt tính pháp lý của các thỏa thuận, hợp đồng... đây cũng sẽ là bài học kinh nghiệm giúp anh có thêm kiến thức bảo vệ mình tốt hơn trong quá trình tương tác của nghề diễn, vì anh đi diễn nhiều, thỏa thuận hợp tác với các nhà hát, sân khấu cũng không ít.
Vụ kiện bắt đầu từ giữa năm 2015, khi Ngọc Trinh đâm đơn ra tòa kiện Nhà hát Kịch TPHCM.
Theo trình bày của nữ diễn viên, năm 2014, cô và ông Trần Khánh Hoàng, đại diện Nhà hát Kịch TPHCM có kí thỏa thuận liên quan đến việc nhóm kịch xã hội của cô về hoạt động tại Nhà hát Kịch TP HCM, đầu tiên là dàn dựng 6 vở kịch để thu hút khán giả đến sân khấu. Tuy nhiên, đến tháng 10/2014, ông Trần Khánh Hoàng nghỉ việc, Phó Giám đốc Trần Quý Bình giữ chức vụ Giám đốc điều hành tạm thời một tháng sau đã có văn bản thông báo chấm dứt hợp tác với nhóm Ngọc Trinh khiến cô “mất trắng” khi chưa thu hồi được phần nào của vốn.
Sau một thời gian yêu cầu được bảo đảm quyền lợi của người đầu tư nhưng không nhận được câu trả lời thỏa đáng hay động thái xử lý sự việc, Ngọc Trinh đã quyết định kiện Nhà hát Kịch TP ra tòa. Tuy nhiên, sự việc gặp phải khá nhiều khó khăn, vì tuy Ngọc Trinh có một số chứng cứ cho thấy cô đã thực sự tiêu tốn nhiều tiền để đầu tư cho các vở kịch tại nhà hát, như một số chứng từ thanh toán, nhân chứng là các diễn viên, người hợp tác đã cộng tác với cô trong các vở diễn... nhưng, cái quan trọng nhất là hợp đồng thỏa thuận mang chữ kí, con dấu có giá trị pháp lý lại không có.
Theo Ngọc Trinh, do tin tưởng lẫn nhau nên giữa họ chủ yếu là thỏa thuận miệng. Vả lại, nữ nghệ sĩ nghĩ rằng sau khi thỏa thuận hợp tác đã có buổi họp báo chính thức để công bố với báo giới và công chúng, cũng là một sự thừa nhận công khai việc hợp tác, nên không ngờ được chuyện “trở ngược” sau này. Bởi thế, cho dù với nhiều người trong nghề, chi phí bồi hoàn 546 triệu mà Ngọc Trinh đưa ra có thể hợp lý, nhưng giới luật nhận định, với chứng cứ mỏng như thế, lại không có hóa đơn cụ thể cho các hạng mục đầu tư, Ngọc Trinh có thể sẽ thiệt thòi trong việc đòi quyền lợi cho mình.
Trước đó, đã có vài vụ tranh chấp, mâu thuẫn liên quan đến “vỡ thoả thuận” giữa diễn viên, bầu gánh với nhà hát hay các đơn vị cho thuê sân khấu. Tuy nhiên, do đều là những người có tiếng tăm trong nghề, sợ ảnh hưởng hình ảnh, tốn thời gian, phiền phức... nên các bên đều không làm đến cùng mà nhanh chóng tiến hành các thoả thuận, dù có trường hợp còn gượng ép. Về phần mình, nghệ sĩ Ngọc Trinh tỏ thái độ rất cương quyết, quyết tâm đi đến cùng sự việc. Theo cô, việc làm của cô không chỉ là kiện đòi lại quyền lợi kinh tế, với tư cách người đầu tư bị thiệt hại bởi đối tác đơn phương chấm dứt thoả thuận, mà quan trọng là đòi lại sự công bằng của người nghệ sĩ. Cô muốn mình nhận được đối xử xứng đáng với công sức, với tâm huyết dành cho nghề, được bù đắp những tổn thất đã gây ra do cư xử o ép, bất công của những đồng nghiệp mình từng làm việc, từng là đối tác của mình.
Lưu ý tính pháp lý khi thỏa thuận hợp tác để bảo vệ mình
Sau nhiều căng thẳng tại các phiên xử trước, đến phiên xử hôm qua - 7/7, dường như các bên đã dịu lại khi tìm được hướng chung để giải quyết một số vấn đề. So với yêu cầu trong đơn khởi kiện là trên 546 triệu đồng, Ngọc Trinh đã giảm mức đòi bồi thường thiệt hại còn 430 triệu đồng. Về phần mình, phía Nhà hát Kịch TPHCM hứa sẽ tạo điều kiện cho nhóm kịch của Ngọc Trinh biểu diễn 52 buổi để hoàn vốn đầu tư. Sau đó, nếu nhóm của Ngọc Trinh vẫn chưa thu hồi được vốn thì nhà hát sẽ cho diễn miễn phí thêm một thời gian nữa. Phiên tòa tiếp theo cũng là phiên tuyên án sẽ diễn ra vào ngày 11/7 tới. Như vậy, sau một quãng thời gian dài đi kiện, diễn viên Ngọc Trinh đã đến gần với sự “công bằng” mà mình đeo đuổi.
Tuy nhiên, để đến được sự thỏa thuận giải quyết mang tính tương đối như hôm nay, nữ diễn viên cũng đã trải qua bao “trần ai” của việc khiếu nại, rồi kiện tụng đòi lại công bằng cho mình. Nữ diễn viên cho biết, cô đã bị stress, khóc không biết bao nhiêu lần, cực kì mệt mỏi và mất tinh thần suốt thời gian hơn 2 năm lao vào kiện tụng. Nếu tới phiên tòa tiếp theo, hai bên đạt được thỏa thuận và cùng chấp nhận để giải quyết hậu quả của câu chuyện xảy ra 3 năm trước, đó có thể là một kết thúc tương đối “có hậu” như nhiều người trong nghề, bạn bè và đồng nghiệp của hai bên mong muốn.
Tuy nhiên, thực tế thì sự tổn thương của hai bên là có thật. Với phía nhà hát, đó là sự tổn hại danh tiếng. Với nghệ sĩ Ngọc Trinh, đó là quãng thời gian lao tâm khổ tứ cho việc kiện tụng và nỗi ấm ức vì suốt một thời gian dài, vì tâm huyết mình bỏ ra bị phủ nhận mà không nhận lại được gì. Đó còn là sự chấm dứt một mối quan hệ lẽ ra tốt đẹp của các nghệ sĩ với nhau.
Nhiều nghệ sĩ tham dự phiên tòa chia sẻ, giá như động thái “ngồi lại cùng xử lý” này diễn ra từ hai năm trước, có lẽ mọi chuyện đã không bị đẩy đến mức nghiêm trọng thế này, đó là điều rất đáng tiếc cho cả đôi bên. Đây cũng là một bài học lớn về sự cẩn trọng trong hợp tác giữa các nghệ sĩ với nhau, giữa nghệ sĩ và các đối tác: Hãy đối xử với nhau bằng tình nghĩa, nhưng hãy kí kết với nhau bằng hợp đồng rõ ràng. Hợp tác làm ăn mà không dựa trên những căn cứ pháp luật rõ ràng, chỉ dựa vào lời nói hay mối quan hệ quen biết, thì khả năng đổ vỡ, ấm ức là rất cao, và nghệ sĩ, người “nắm đằng chuôi” rất dễ bị thiệt thòi...